Đặc sản nào ở Bạc Liêu được chứng nhận OCOP xong bán số lượng tăng ngay gấp đôi, gấp ba?

Chúc Ly - Nhật Minh Thứ năm, ngày 16/12/2021 19:07 PM (GMT+7)
Các sản phẩm nông sản, đặc sản được đạt chứng nhận OCOP có thị trường rộng mở. Nhiều đặc sản của Bạc Liêu được nâng giá trị, giúp nông dân tăng thu nhập nhờ “vươn mình” thành sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Tăng thu nhập cho nông dân

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một một chương trình nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Tại Bạc Liêu, thời gian qua, chương trình OCOP đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập bền vững cho người dân ở nông thôn.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm nông sản, đặc sản được công nhận sản phẩm OCOP, có khả năng mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất cao hơn hẳn. Ngoài những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP lại được hỗ trợ trưng bày, quảng bá, nên càng được nhiều người biết đến.

Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sản thì các sản phẩm bán chạy hơn trong thị trường nội địa. Đồng thời khẳng định chất lượng sản phẩm OCOP với thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Điển hình như tôm khô Đa Giàu (thị xã Giá Rai), khô cá kèo Kiều Hạnh (huyện Vĩnh Lợi) hay sản phẩm bánh đậu xanh Hương Sen (TP.Bạc Liêu), chả tôm cuộn khoai môn (huyện Hòa Bình)…

Bạc Liêu: Đặc sản đạt chứng nhận OCOP giúp nông dân tăng thu nhập - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều tham quan gia hàng trưng bày yến sào. Ảnh: Nhật Minh.

Chia sẻ với phóng viên, chị Trần Thị Kiều Diễm, cơ sở khô cá kèo Kiều Hạnh, huyện Vĩnh Lợi cho biết: "Sự thay đổi lớn nhất sau khi đăng ký sản phẩm OCOP là sản lượng khô cá kèo bán ra tăng thấy rõ. Nếu như trước kia cơ sở bán khoảng 5 tấn/năm, thì sau khi được công nhận sản phẩm OCOP (năm 2019), sản lượng xuất bán tăng gấp đôi trước đây".

"Chúng tôi mong muốn từ lợi thế này, tiếp tục hoàn thiện các khâu, tiến tới đưa khô cá kèo Kiều Hạnh "xuất ngoại"", chị Diễm bộc bạch.

Bạc Liêu: Đặc sản đạt chứng nhận OCOP giúp nông dân tăng thu nhập - Ảnh 3.

Khô cá kèo Kiều Hạnh, sản phẩm OCOP được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Nhật Minh.

Theo nhiều nông dân, hộ có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sau khi được công nhận, các chủ thể, doanh nghiệp có ý thức nâng cao, hoàn thiện về chất lượng và mẫu mã các sản phẩm. Chương trình OCOP đã nâng cao giá trị sản phẩm cho nhiều mặt hàng đặc sản của địa phương, tăng thu nhập cho nông dân.

Góp phần xây dựng NTM

Đến nay, toàn tỉnh có 49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 8 xã đang thực hiện quy trình thẩm định cấp tỉnh; thẩm tra 3 xã NTM kiểu mẫu; có 78 ấp được công nhận ấp NTM kiểu mẫu.

Bạc Liêu: Đặc sản đạt chứng nhận OCOP giúp nông dân tăng thu nhập - Ảnh 4.

Nhiều sản phẩm OCOP được tỉnh tạo điều kiện trưng bày, quảng bá với đông đảo khách hàng. Ảnh: Nhật Minh.

Bên cạnh đó, TP.Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trình thẩm định thị xã Giá Rai, huyện Vĩnh Lợi đạt chuẩn huyện NTM; huyện Hồng Dân hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt. Phấn đấu cuối năm 2021, có 49 xã nông thôn mới, 16 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tuy mới triển khai thực hiện vài năm, nhưng chương trình OCOP đã có tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM của tỉnh. Sản phẩm OCOP đã thúc đẩy tích cực cho phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống.

Theo ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, chương trình OCOP đã nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, đặc sản ở nông thôn, góp phần vào công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn. Huyện đang tập trung tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, các chủ thể làm ra sản phẩm OCOP có chất lượng.

Bạc Liêu: Đặc sản đạt chứng nhận OCOP giúp nông dân tăng thu nhập - Ảnh 5.

Tôm khô cũng là một đặc sản truyền thống nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu, có nhiều tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị. Ảnh: Nhật Minh.

Phát triển sản phẩm OCOP cũng chính là cách để khơi dậy và phát triển những tiềm năng, lợi thế to lớn của các địa phương trong tỉnh, nhất là nghề truyền thống. 

Hiện nay, tỉnh có 10 làng nghề truyền thống, nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều nghề hoặc làng nghề phát triển chưa xứng tầm bởi thiếu thị trường tiêu thụ. Nếu được định hướng, có sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành liên quan, chính những làng nghề này có thể trở thành những cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiện tỉnh Bạc Liêu đã đưa tiêu chí xây dựng sản phẩm OCOP vào việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phát triển nông tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Tỉnh hiện có 68 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng. Trong đó, có 16 sản phẩm đạt 4 sao, 52 sản phẩm đạt 3 sao. Trong thời gian tới, tỉnh đã đề xuất Trung ương công nhận một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như tôm công nghệ cao, lúa, muối… đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem