Đại án VNCB: Phạm Công Danh muốn xin lỗi Trần Ngọc Bích

Hữu Ký Thứ hai, ngày 01/08/2016 11:36 AM (GMT+7)
“Tôi và nhóm Trần Ngọc Bích có mối quan hệ từ trước; tôi nhiều lần tiếp xúc với ông Thanh, bà Bích, bà Phương tại văn phòng Thiên Thanh lẫn Tân Hiệp Phát...”, bị cáo Phạm Công Danh khai nhận với chủ tọa phiên tòa về mối quan hệ của bị cáo với nhóm Trần Ngọc Bích, sáng 1.8.
Bình luận 0

img

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa.

Theo Phạm Công Danh, bị cáo có mối quan hệ với nhóm Trần Ngọc Bích từ nhiều năm khi Ngân hàng Đại Tín chưa đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng. Nhóm khách hàng này do Phạm Thị Trang (Trang "phố núi") giới thiệu.

Bị cáo Danh cho biết rất trân trọng nhóm Trần Ngọc Bích vì có tiền gửi nhiều và bị cáo không biết ai đưa về thực hiện các giao dịch tại VNCB Chi nhánh Sài Gòn, chỉ biết việc giao dịch với nhóm này do Hoàng Đình Quyết (Phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) làm.

“Xét thấy nhóm bà Bích là nhóm khách hàng lớn nên tôi trực tiếp chỉ đạo chăm sóc tốt khách hàng này, trong đó tổ chăm sóc khách hàng có cả anh Quyết, anh Khương”, bị cáo Danh nói.

Khi đó chi phí chăm sóc khách hàng 6 - 7% như các bị cáo khác đưa ra là đúng và chi phí này không hề có giấy tờ chứng minh. Tuy nhiên bị cáo Danh khẳng định có những cái còn đủ cơ sở hơn là có giấy tờ. “Có nhiều cuộc họp của thành viên HĐQT họp để giải quyết vấn đề này, chỉ có điều không hiểu tại sao anh Mai (Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB - PV) lại không dám nói vấn đề này. Dám làm thì dám nhận, tại sao lại không dám nói trước HĐXX?”, bị cáo Danh nói.

Trả lời chủ tọa phiên tòa, bị cáo Danh khai nhận nắm được việc nhóm Trần Ngọc Bích gửi gần 6.000 tỷ đồng bằng 124 sổ tiết kiệm. Riêng việc Hoàng Đình Quyết khai được bị cáo Danh chỉ đạo nên đã chuyển hơn 5.000 tỷ đồng (tiền của nhóm bà Trần Ngọc Bích - PV) vào tài khoản Phạm Công Danh để chuyển cho ông Trần Quý Thanh thì bị cáo Danh không thừa nhận, đồng thời bị cáo cũng phản bác ý kiến bà Trần Ngọc Bích cho rằng bị cáo đã rút tiền khỏi tài khoản cá nhân của bà khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản.

Theo bị cáo Danh, ngân hàng của bị cáo thời điểm đó chịu áp lực lớn nhất từ nhóm Trần Ngọc Bích, nếu 1 ngày không trả đủ lãi thì rất căng thẳng. Khi đó bị cáo đã phải trả nhiều loại tiền lãi cho nhóm Trần Ngọc Bích, có lúc 1-2%, có lúc 3-4%/tháng và trả trong thời gian dài.

Còn việc bà Bích cho rằng không “quen biết” mình, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng đã nhiều lần tiếp xúc nhưng không hiểu tại sao bà Bích nói vậy.

Khi HĐXX hỏi các vấn đề liên quan đến các khoản tiền của nhóm Trần Ngọc Bích, bị cáo Danh chỉ trả lời lòng vòng không đúng trọng tâm. Tuy nhiên Phạm Công Danh lại cho rằng mình nên gặp trực tiếp xin lỗi ông Trần Quý Thanh, cũng như có lời xin lỗi Trần Ngọc Bích.

Để làm rõ điều này, chủ tọa yêu cầu Hoàng Đình Quyết giải thích thêm và được bị cáo này xác nhận Phạm Công Danh và nhóm Trần Ngọc Bích có quan hệ vay mượn từ rất lâu. Bị cáo này cũng bảo lưu ý kiến cho rằng Phạm Công Danh chỉ đạo chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Công Danh rồi dùng tiền đó chuyển sang tài khoản ông Trần Quý Thanh.

Trước đó, trong trả lời HĐXX, bà Trần Ngọc Bích luôn khẳng định không hề quen biết với Phạm Công Danh. Bà cũng cho biết việc số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của bà bị rút khỏi tài khoản, bà hoàn toàn không biết, những lần rút tiền đều không có sự đồng ý của bà. Bà Bích yêu cầu ngân hàng phải hoàn trả lại số tiền này cho bà.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem