Đại án xăng giả, xăng lậu: Vai trò, sự móc nối giữa các bị cáo rất bài bản, tinh vi

Nha Mẫn Thứ tư, ngày 26/10/2022 10:18 AM (GMT+7)
Trong phiên xử ngày thứ 2 của đại án xăng giả, xăng lậu, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai đã công bố gần 150 trang cáo trạng và dự kiến thời gian công bố cáo trạng kéo dài 2 ngày. Qua cáo trạng xác định vai trò, sự móc nối giữa các bị cáo rất bài bản, tinh vi.
Bình luận 0

Xét xử đại án xăng giả, xăng lậu

Sáng 26/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đại án 200 triệu lít xăng giả, xăng lậu tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng tại phiên tòa (đọc cáo trạng, xét hỏi, tranh luận).

Vụ xăng giả xăng lậu: Cáo trạng dài 142 trang, "ông trùm" Hữu xin ngồi nghe vì khó thở, tức ngực - Ảnh 1.

Bị cáo Ngô Văn Thụy. Ảnh: Nha Mẫn

Trong đó, dự kiến phần đọc cáo trạng sẽ kéo dài khoảng thời gian từ 1 - 2 ngày.

Phiên tòa được xét xử bởi 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Trong đó, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Thành, Chánh Tòa hình sự TAND tỉnh; thẩm phán trung cấp Nguyễn Xuân Quang. Các hội thẩm nhân dân: Ông Đoàn Văn Đây, bà Cao Thị Én, bà Nguyễn Việt Hoài. Thư ký phiên tòa gồm: Ông Nguyễn Minh Tín và bà Phạm Thị Quỳnh.

Vụ xăng giả xăng lậu: Cáo trạng dài 142 trang, "ông trùm" Hữu xin ngồi nghe vì khó thở, tức ngực - Ảnh 2.

Các bị cáo trong phiên xét xử ngày 26/10. Ảnh: Nha Mẫn

Ngoài ra còn có 2 thẩm phán; 5 hội thẩm nhân dân và 3 thư ký dự khuyết cùng tham gia phiên tòa.

Về phía đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai có kiểm sát viên Nguyễn Minh Tín, thực hành công tố chính; cùng các kiểm sát viên: Nguyễn Phước Vinh, Nguyễn Chính Tâm và Đào Thị Quỳnh Giang. Ngoài ra, còn thêm 3 kiểm sát viên dự khuyết.

Vụ xăng giả xăng lậu: Cáo trạng dài 142 trang, "ông trùm" Hữu xin ngồi nghe vì khó thở, tức ngực - Ảnh 3.

Bị cáo Trần Thị Thanh Vân trình bày tại phiên tòa. Ảnh: Nha Mẫn

Theo ghi nhận của Báo Dân Việt, tại phiên tòa xét xử ngày thứ 2 có 81 luật sư tham gia bào chữa và 74 bị cáo trong vụ án. Có nhiều phóng viên báo đài cũng tham gia tác nghiệp tại phiên toà. Qua cáo trạng thể hiện vai trò, sự móc nối rõ rệt, bài bản của các bị cáo, dẫn đến việc thu lợi, bỏ túi số tiền rất lớn của các bị cáo.

Trong phiên xét xử ngày thứ 2, bị cáo Phan Thanh Hữu trình bày khó thở, tức ngực nên xin được ngồi nghe cáo trạng. Bị cáo Lập do bị viêm khớp nên cũng xin ngồi để nghe cáo trạng vì không thể đứng.

Vụ xăng giả xăng lậu: Cáo trạng dài 142 trang, "ông trùm" Hữu xin ngồi nghe vì khó thở, tức ngực - Ảnh 4.

VKSND tỉnh Đồng Nai công bố cáo trạng. Ảnh: Nha Mẫn

Sự móc nối giữa các bị cáo rất bài bản, tinh vi

Trong vụ án này, 3 bị cáo được xác định cầm đầu gồm: Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ). Với thủ đoạn tinh vi, các bị cáo đã móc nối buôn lậu gần 200 triệu lít xăng (tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng).

Vụ xăng giả xăng lậu: Cáo trạng dài 142 trang, "ông trùm" Hữu xin ngồi nghe vì khó thở, tức ngực - Ảnh 5.

Cáo trạng vụ án dài 142 trang. Ảnh: Nha Mẫn

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh xác định, bị cáo Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, quê TP.Hải Phòng) và 72 bị cáo khác bị Viện KSND tỉnh truy tố về tội Buôn lậu quy định tại Điều 188, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy (58 tuổi, ngụ TP.HCM, nguyên Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam (Đội 3) trực thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan) bị đưa ra xét xử về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Số tiền bị cáo Thụy nhận hối lộ là hơn 830 triệu đồng.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai xác định, Viễn, Hữu và Phùng Danh Thoại (nguyên đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) có mối quan hệ quen biết từ trước. Vào khoảng tháng 5/2019, Viễn, Hữu, Thoại gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận việc góp vốn buôn lậu xăng từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ với tổng số tiền vốn 53,4 tỷ đồng.

Hữu có trách nhiệm quản lý số tiền này và tìm khách hàng bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ phục vụ hoạt động buôn lậu.

Viễn sẽ có trách nhiệm sử dụng tàu vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam. Sau đó Hữu sẽ điều động tàu khác vận chuyển số xăng này đến khu vực nhà nuôi yến của Tứ (trên sông Hậu thuộc TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) để bán cho Tứ và Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương).

Với số xăng dầu này, Tứ đã cung cấp cho 7 đầu mối khác nhau tại nhiều tỉnh thành như: An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long… Từ 7 đầu mối này tiếp tục bán cho các cơ sở bán lẻ xăng khác trên các địa bàn, trong đó có Đồng Nai. Riêng Vân với sự giúp sức của 4 bị cáo khác đã bán lẻ xăng cho rất nhiều người tại các cơ sở xăng trên địa bàn Bình Dương và TP.HCM.

Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, số tiền bị can Viễn đã thu lợi bất chính là hơn 46,7 tỷ đồng; Hữu thu lợi hơn 156,2 tỷ đồng; Thoại thu lợi hơn 22 tỷ đồng (Toà án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt 7 năm về tội Buôn lậu); Tứ thu lợi gần 83 tỷ đồng (trừ số tiền đã tặng cho người khác và cơ quan điều tra đã thu giữ thì Tứ còn phải khắc phục gần 36 tỷ đồng); Vân thu lợi bất chính 18 tỷ đồng.

Viễn còn cùng Nguyễn Minh Đức (39 tuổi, chủ Công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt, TP.Hải Phòng) cùng góp vốn tổng cộng hơn 49 tỷ đồng mua tàu vận chuyển và buôn lậu xăng tại tỉnh Khánh Hòa. Đức được hưởng lợi hơn 1,5 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem