Đại biểu Quốc hội băn khoăn giải pháp huy động nguồn lực từ người dân để phát triển TP.HCM

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 26/05/2023 11:52 AM (GMT+7)
Liên quan dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, nên hạn chế huy động nguồn lực từ người dân, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Bình luận 0

Sáng nay (26/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết này, trao đổi với PV Dân Việt bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần hạn chế huy động nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn giải pháp huy động nguồn lực từ người dân để phát triển TP.HCM - Ảnh 1.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình). Ảnh: Đ.X

Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM?

- Tờ trình Nghị quyết của Bộ Chính trị nói rất rõ, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, góp phần xây dựng và phát triển TP như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Triết lý phát triển là cần thúc đẩy các nơi, các vùng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Trước đây chúng ta hay nói thúc đẩy nơi yếu thì hiện nay chúng ta thúc đẩy điểm mạnh, khai thác tối đa lợi thế để bù cho nơi yếu.

Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá thực tiễn phát triển của TP.HCM hiện nay có rất nhiều điểm nghẽn, vướng mắc về mặt cơ chế, thể chế. Điều đó khiến TP.HCM không thể phát triển như mong muốn của Đảng, Chính phủ và tiềm năng, lợi thế của mình.

Đặc biệt, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không chỉ là mong mỏi của cử tri, nhân dân TP.HCM mà còn của cử tri, nhân dân cả nước.

Trong nhóm chính sách cơ chế đặc thù mới, Chính phủ đề xuất cho TP.HCM sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để bổ sung kế hoạch đầu tư công, ông đánh giá sao về nội dung này?

- Tôi rất băn khoăn giải pháp huy động nguồn lực từ người dân, theo tôi cái đó nên hạn chế.

Ví dụ như đề xuất xây dựng BOT trên một con đường hiện hữu hay thu phí để nâng cấp hạ tầng KCN, khu chế xuất... tức là huy động nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp. Mặc dù mục đích tốt nhưng nếu chúng ta sử dụng nguồn lực này mà quá lớn trong bối cảnh hiện nay thì doanh nghiệp và người dân rất khó khăn, vất vả. Nếu ta tận dụng nhiều hơn nguồn lực này thì đôi khi sẽ gặp những phản ứng, theo tôi là nhiều bất lợi hơn những cái lợi chúng ta có được.

Ngoài ra, tôi cho rằng, với 44 chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo đề xuất của Chính phủ như hiện nay khá dàn trải, cần trọng tâm trọng điểm hơn nữa. Nguồn lực và cơ chế phải tập trung trọng điểm giải quyết một số vấn đề cấp bách, nghiêm trọng, thúc đẩy phát triển TP. Nguồn lực bị phân tán thì năng lực, khả năng hấp thụ cũng bị phân tán, trở nên không hiệu quả.

Muốn làm được như vậy thì nguồn lực và cơ chế phải tập trung để giải quyết một số vấn đề cấp bách, quan trọng để thúc đẩy phát triển TP.HCM. Các giải pháp phải hướng đến những địa chỉ rõ ràng. Ví dụ tập trung cho khu vực Thủ Đức hay khu vực nào, công trình nào, dự kiến thời gian bao lâu và quy mô nguồn lực là bao nhiêu. Cần có những giải pháp cụ thể như vậy, tránh việc chung chung.

Tôi cũng mong muốn mở rộng khai thác không gian mới, ví dụ Thủ Đức và các vùng lân cận hơn là chỉnh trang không gian cũ. Việc chỉnh trang không gian cũ trên một nền cũ thì chi phí rất lớn, trong khi TP.HCM có dư địa rất lớn để khai thác.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã đề xuất một số cơ chế, nhưng có lẽ cần nhiều hơn các cơ chế hợp tác. Vấn đề quan trọng không phải phương thức, vấn đề quan trọng là làm thực chất, có cơ chế minh bạch, công khai.

Cơ chế về ưu đãi đầu tư thì không nhất thiết phải học tập các thành phố khác vì bản thân TP.HCM hay những TP lớn như Hà Nội thì nhà đầu tư có cơ hội để được đầu tư ở đó đã là một ưu đãi.

Cơ chế ưu đãi đầu tư phải thiết kế một cách khoa học, tinh vi, tránh cơ chế thu hút tương tự như các địa phương khác. Phải thực sự khai thác được điểm mạnh của TP.HCM cũng như bù đắp cho những điểm yếu và tính đến những chính sách toàn cầu mới, ví dụ thuế tối thiểu toàn cầu, chuyển đổi xanh... Ngoài ra, phải tính đến cơ chế bền vững, chuyển giao công nghệ và đào tạo người lao động.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết này, ông có đề xuất cụ thể gì gửi đến Quốc hội không?

- Trong Nghị quyết này, ngoài mặt nội dung được bàn, thảo luận thì về mặt tốc độ triển khai rất quan trọng.

Theo tôi, cách làm, cách xây dựng Nghị quyết phải khác đi, chi tiết hơn, cụ thể hơn. Chúng ta thấy rất nhiều câu chuyện ra Nghị quyết rồi nhưng thời gian triển khai Nghị quyết kéo dài thì nó không đáp ứng được nhu cầu.

Vậy nên ngoài nội dung, giải pháp tôi rất mong muốn lần này ta tập trung vào cách làm, cách xây dựng Nghị quyết, phải rất chi tiết, rất cụ thể, làm sao đẩy nhanh được quá trình triển khai Nghị quyết, đấy mới là cái yêu cầu, đòi hỏi.

Xin cảm ơn ông!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem