ĐBQH: Chính quyền địa phương không cưỡng chế khi khách hàng chống đối, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nợ xấu

Quang Dân Thứ ba, ngày 03/11/2020 10:40 AM (GMT+7)
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, một số Bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm phối hợp với Ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là thu giữ tài sản bảo đảm vì cho rằng việc này là của ngân hàng.
Bình luận 0

Hôm nay 3/11, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

Trong phiên thảo luận, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) nêu ra vấn đề thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng khi thực hiện Nghị quyết 42.

Đại biểu Quốc Hội: Chính quyền địa phương không cưỡng chế khi khách hàng chống đối, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nợ xấu - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng)

Theo Đại biểu Bùi Thanh Tùng, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đạt được kết quả tích cực, nhiều giải pháp tại nghị quyết đã hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, về cơ bản các bộ ngành, UBND các tỉnh, TP liên quan đều tham gia giải quyết khó khăn vướng mắc trong qua trình áp dụng nghị quyết 42.

"Sự phối hợp các cơ quan liên quan là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả triển khai xử lý nợ xấu trong nghị quyết 42", ĐB Tùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm phối hợp với Ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là thu giữ tài sản bảo đảm vì cho rằng việc xử lý nợ xấu là của ngân hàng.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, việc hỗ trợ của chính quyền địa phương trong quá trình thu tài sản bảo đảm còn hạn chế.

Những đơn vị này mới chỉ tham gia vào quá trình chứng kiến và ký tên vào biên bản làm việc, hoặc Công an xã tham gia vào việc bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, nhưng không thực hiện cưỡng chế khi khách hàng chống đối, điều này đã và đang phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các giải pháp đã nêu tại nghị quyết 42.

"Trong thời gian tới, tôi đề nghị chính phủ chỉ đạo ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả nghị quyết 42. Nhất là chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền các cấp địa phương giải quyết dứt điểm khó khăn vướng mắc về cơ chế cũng như trong qua trình thực hiện, hỗ trợ tối đa các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ",ĐB Tùng cho hay.

Đại biểu Quốc Hội: Chính quyền địa phương không cưỡng chế khi khách hàng chống đối, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nợ xấu - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Ngoài ra, cũng tại phiên thảo luận, Đại biểu Bùi Thanh Tùng nhắc lại nội dung được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm từ những kỳ họp trước về Nghị định 20/2017/CP quy định quản lý thuế của các DN có phát sinh giao dịch liên kết.

Theo Đại biểu Tùng, Khoản 3 điều 8 của Nghị định này quy định về mức khống chế chi phí lãi vay đã gây ra nhiều vướng mắc và ảnh hưởng không hề nhỏ của các doanh nghiệp.

Cụ thể, nhiều chuyên gia nhận định, nội dung theo quy định tại khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 chưa thống nhất giữa các quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật đầu tư. Thực tế, chưa tạo ra biện pháp hiệu quả kế hoạch hành động tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD về chống xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Viện Nam, đặc biệt là doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế theo mô hình công ty mẹ con bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước hàng loạt kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và có điều chỉnh, tuy nhiên vẫn chưa xử lý được những bất cập. Do vậy cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị dài hạn Chính phủ cần xem xét thay đổi, chỉ nên áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài, không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mục tiêu của quy định là chống chuyển giá, chuyển lợi nhuân ra nước ngoài. Vì vậy các công ty theo mô hình công ty mẹ, công ty con cùng hoạt động ở Việt Nam không thuộc đối tượng chống chuyển giá. Các doanh nghiệp vay mượn qua lại giữa những thành viên cũng nên được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh.

"Đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu để đưa ra sửa đổi tổng thể, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh", ĐB Tùng nêu ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem