Đại biểu Quốc hội: Dân ăn nhiều cá, trứng và thịt bò, bình ổn giá thịt lợn để làm gì?

An Linh Thứ năm, ngày 01/06/2023 10:11 AM (GMT+7)
Quốc hội đang thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật Giá sửa đổi, trong đó cơ quan soạn thảo đề xuất đưa thịt lợn vào hàng bình ổn giá. Nói về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng: Dân đang dịch chuyển dùng nhiều thuỷ sản, trứng và thịt bò, nên thịt lợn không phải là thiết yếu!
Bình luận 0

Không nước nào đưa thịt lợn vào hàng bình ổn giá!

Thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng nay 1/6, đại biểu Nguyễn Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, tại phiên giải trình của Uỷ ban Kinh tế, có ý kiến bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu, cử tri đề nghị đánh giá kỹ về quỹ này. Đề xuất Chính phủ chỉ xả quỹ khi có biến động lớn, có khả năng thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh như công cụ chính sách thuế.

Đại biểu Quốc hội: Dân ăn nhiều cá, trứng và thịt bò, bình ổn giá thịt lợn để làm gì? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Kim Anh (đoàn Bắc Ninh)

Đặc biệt, theo đại biểu: "Trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV lần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua dự thảo Luật Giá. Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn về danh mục bình ổn giá, nhiều cử tri cho rằng đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá là khó khả thi".

Bà Anh nói: "Thịt lợn không phải là thiết yếu, do thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay đa dạng hơn, có sự chuyển dịch sang sử dụng nhiều sản phẩm thuỷ sản, trứng gia cầm, thịt bò. Trong khi đó, rất khó có thể tính toán được chi phí chăn nuôi lợn vì chăn nuôi của chúng ta hiện nay đang nhỏ lẻ, hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất thấp, dịch bệnh còn đang là thách thức".

Với nguồn cung và thị trường, đại biểu Anh cho rằng: Hiện 80% thịt lợn được bán trên chợ truyền thống nên việc tính toán giá thành sản phẩm, hỗ trợ giá dưới giá thành, can thiệp vào giá là rất khó. Bên cạnh đó, nếu đưa vào mặt hàng bình ổn giá thì cần kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách đang khó khăn.

Đại biểu Quốc hội: Dân ăn nhiều cá, trứng và thịt bò, bình ổn giá thịt lợn để làm gì? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang)

"Qua nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, chưa quốc gia nào đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn. Từ lý do nêu trên một số hiệp hội, ngành hàng nêu lý do cần đánh giá tác động đề xuất đưa thịt lợn vào danh mục hàng bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi", bà Anh nói.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ điều tiết hiệu quả, căn cơ về thị trường thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng. Chính phủ cần có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho lạnh, trữ đông thịt gia súc, gia cầm để điều tiết giá. Khi giá thịt xuống mức thấp, xả kho để bình ổn giá, cần có chính sách hỗ trợ tái đàn của người chăn nuôi, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cả người chăn nuôi, người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.

Liên quan đến nội dung về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, sáng nay đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) nhấn mạnh, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho nông dân.

Bà Lam cho rằng: Cử tri và nhân dân vẫn rất lo ngại và luôn trăn trở về tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng giá cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. 

"Trong khi đó một số loại nông sản, hàng hóa của nông dân sản xuất ra không tiêu thụ, bán giá thành rất thấp hoặc lỗ, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất người nông dân. Vấn đề này được cử tri đề nghị nhiều lần nhưng thực tế hàng giả không giảm, hàng kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp kịp thời, hữu hiệu hơn và có chính sách hỗ trợ cho người nông dân nhằm giảm gánh nặng đời sống cho họ", đại biểu Lam nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem