Đại biểu Vũ Trọng Kim: "Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài âu lo"

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 01/06/2023 09:31 AM (GMT+7)
Phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng nay 1/6, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, đoàn Nam Định cho rằng hiện trạng cán bộ Nhà nước sợ sai, né tránh, đùn đẩy là có thật và chúng ta đã đưa ra các nguyên nhân, lý do.
Bình luận 0

Khi nói về tình trạng của một bộ phận cán bộ hiện nay, ông Vũ Trọng Kim ví von: ''Bên trong cán bộ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu. Nói sợ sai đó là chưa tới mức, sợ sai còn né tránh, đùn đẩy. Cái gì có lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy ra cho tổ chức, cho người khác, bên ngoài".

Đại biểu Vũ Trọng Kim: "Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài âu lo" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Kim cho rằng, những vấn đề này đã được nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó có phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư nói rõ biểu hiện này và nói rõ nguyên nhân. "Đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu Nghị quyết và bài phát biểu của Tổng Bí thư để tìm được giải pháp giải quyết vấn đề này".

Theo ông Kim, một bộ phận cán bộ của chúng ta sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên, thì cán bộ không dám làm, nhụt chí. Đây là nguyên nhân nhạy cảm mà chúng ta chưa nói tới.

Đề nghị các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán hoặc các cơ quan khác phụ trách các đơn vị phải chịu trách nhiệm, liên đới chịu trách nhiệm về các sai sót của cá nhân, đơn vị như vậy mới công bằng. Bởi họ có nhiệm vụ được phân công, hỗ trợ các đơn vị cấp dưới.

Sau phát biểu tranh luận của đại biểu Kim, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng có phát biểu tranh luận. Ông cho rằng, trong phát biểu đại biểu Vũ Trọng Kim chưa chỉ ra được bản chất, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.

"Hành vi không làm gì cả là hành vi vi phạm pháp luật", theo ông Vân, hành vi ở đây bao gồm hành động và không hành động.

Theo ông, bộ phận này gồm 3 nhóm: nhóm không biết gì, không có lợi thì không làm và nhóm ba là biết như sợ không làm.

Cả ba nhóm đó đều không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật trao cho, ở đây là nhà nước và nhân dân trao cho.

Vi phạm như vậy phải xử lý, rất tiếc, các cấp, các ngành thấy cán bộ không làm gì, vi phạm mà không xử lý. Theo ông, cần phải xem xét tính chất, mức độ và hậu quả gây ra để xử lý.

"Một người không làm gì cả mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự. Ví dụ, bác sĩ không cứu người, gây hậu quả chết người là phải truy tố; một chủ tịch tỉnh không làm gì, dẫn đến hậu quả là kinh tế đình trệ, địa phương không phát triển, khiến doanh nghiệp, nhân dân gặp nhiều khó khăn, cần phải xử lý nghiêm khắc.

Đại biểu Vũ Trọng Kim: "Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài âu lo" - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Quốc hội

Trong phiên thảo luận hôm qua (31/5), phát biểu tranh luận về tình trạng sợ sai, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, không ít việc lớn, nhỏ, nếu cán bộ, công chức, viên chức quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì "phải vi phạm không nhiều thì ít".

Do đó, cán bộ, công chức đứng trước sự lựa chọn giữa không làm thì không sai với làm thì vi phạm quy định, vi phạm pháp luật. Những người thấy làm sai quy định dù "vì lợi ích chung" mà không biết sợ, theo ông Hậu là "điếc không sợ súng" hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật.

Ông Hậu cho rằng: Cần phải làm sao để cán bộ, công chức, viên chức chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để "năng động, sáng tạo" thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước. Cụ thể, khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nơi nào người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm thể hiện rõ vai trò lãnh đạo dẫn dắt thì nơi đó thành công, kỷ cương kỷ luật công vụ tốt.

Bà Trà cũng quả quyết, phải thay đổi, xóa bỏ nhận thức của một số người với tư tưởng không làm thì không sai. Đây chính là dấu hiệu của một loại tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng sự phát triển.

"Hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc đồng bộ, thực hiện các giải pháp với ý thức và trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm và không dám làm trong thực thi công vụ", Bộ trưởng Nội vụ nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem