Đại ca Mười Thu lái ô tô đâm chết 2 người, gọi đàn em nhận tội thay đối diện với hình phạt nào?

Quang Minh Thứ sáu, ngày 30/10/2020 08:10 AM (GMT+7)
Theo luật sư, với hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm và gây hậu quả làm chết 2 người thì lái xe trong vụ tai nạn sẽ phải đối mặt với việc bị phạt tù theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, ngày 29/10, Cơ quan CSĐT Công An TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành bắt tạm giam đối với Nguyễn Trọng Mười (tên thường gọi: Mười Thu, 42 tuổi, quê Nghệ An) về hành vi "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".

Trước đó, 8/10, Nguyễn Trọng Mười lái xe ô tô 7 chỗ trên đường Nguyễn Tri Phương hướng ra cầu vượt Sóng Thần. Khi xe ô tô đi tới gần tới hẻm 376 đường Nguyễn Tri Phương đã tông vào 2 xe máy chạy cùng chiều phía trước khiến 2 người tử vong.

Sau tai nạn, Mười Thu nhanh chóng rời khỏi hiện trường, rồi gọi điện thoại cho đàn em là Đặng Quang Anh (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) đứng ra trình diện và nhận tội thay.

Tuy nhiên sau khi lấy lời khai và trích xuất camera nhà dân gần hiện trường, công an phát hiện người lái xe là Nguyễn Trường Mười chứ không phải là Đặng Quang Anh.

Đại ca Mười Thu lái ô tô tông chết 2 người, gọi đàn em ra nhận tội thay đối diện với hình phạt nào? - Ảnh 1.

Hiện trường xảy ra vụ tai nạn giao thông.

Công an đã mời Mười Thu lên làm việc nhưng người này không hợp tác, buộc công an phải tới nhà áp giải. Trước các bằng chứng không thể chối tội, Mười Thu đã thừa nhận mình là người điều khiển chiếc ô tô gây tai nạn.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, thông tin ban đầu của vụ việc thì lái xe ô tô đã không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát dẫn đến vụ tai nạn giao thông, hậu quả tai nạn giao thông khiến hai người tử vong.

Sau khi sự việc xảy ra lái xe đã không đưa nạn nhân đi cấp cứu, không có trách nhiệm đối với hậu quả do mình gây ra mà lại nhanh chóng rời khỏi hiện trường và nhờ người khác nhận tội thay để chối tội. Đây là hành vi rất đáng lên án và sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Hành vi thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ gây tai nạn giao thông làm chết 2 người là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi vậy việc cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ.

Theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông đường bộ phải chú ý quan sát và phải làm chủ tốc độ. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến đâm xe vào các phương tiện giao thông phía trước dẫn đến hậu quả chết người thì đây là hành vi có lỗi và gây hậu quả nghiêm trọng hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015. Tội danh này sẽ bị phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm.

"Như vậy, với hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm và gây hậu quả làm chết 2 người thì lái xe trong vụ tai nạn nêu trên sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù theo quy định tại khoản 2, Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, lái xe gây tai nạn trong vụ án này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình hai nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết, chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường hai bên có thể thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu giá có án giải quyết theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nói.

Đại ca Mười Thu lái ô tô tông chết 2 người, gọi đàn em ra nhận tội thay đối diện với hình phạt nào? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Ngoài ra, theo luật sư Cường, nếu thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó thiệt mạng thì hành vi đó không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong tình huống này, người không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải đối mặt với hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, mức cao nhất của tội danh này có thể tới 7 năm tù theo Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trong vụ việc nêu trên, đối tượng Mười Thu có hai hành vi vi phạm để định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự với khung 3-10 năm tù là không cứu giúp người bị hại và làm chết hai người.

Với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, thái độ không thành khẩn ăn năn, không cứu giúp nạn nhân lại còn dùng thủ đoạn gian dối để nhờ người khác nhận tội thay cho mình thì đối tượng này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Thêm nữa, với nhân thân xấu, nhiều tiền án, tiền sự, nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy thì có thể đối tượng Mười Thu sẽ phải chịu mức cao của khung hình phạt và lên đến 10 năm tù.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ đối tượng này có sử dụng rượu bia, chất kích thích dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát khi thực hiện hành vi phạm tội hay không. Trong trường hợp có sử dụng rượu bia, chất kích thích dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát hành vi gây tai nạn giao thông thì đây cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết này sẽ khiến mức hình phạt có thể áp dụng với đối tượng này càng nghiêm khắc hơn.

Với vụ án không gây hậu quả nghiêm trọng, người đứng ra nhận tội thay sẽ bị xử phạt hành chính. Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà không trình báo, tố giác tội phạm lại còn nhận tội thay thì người nhận tội thay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm theo Điều 389, Điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015.

"Còn đối với trường hợp nhận tội thay trong vụ tai nạn nêu trên, cơ quan điều tra có thể xem xét xử lý đối tượng nhận tội thay về hành vi che giấu tội phạm. Với những hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm đối với các tội danh được liệt kê tại điều 389 và điều 390 Bộ luật hình sự 2015 thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng", luật sư Cường nói thêm.

Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" như sau:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem