Đại diện siêu thị lớn nhất nhì Việt Nam chỉ ra điều kiện để việc làm ăn với hợp tác xã luôn bền chặt

K.Nguyên Thứ năm, ngày 27/10/2022 06:00 AM (GMT+7)
Để thúc đẩy liên kết nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, Bộ NNPTNT đã xây dựng đề án hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô 166.800ha. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp.
Bình luận 0

Xây dựng 5 vùng nguyên liệu tập trung

Bộ NNPTNT đã xây dựng đề án hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô 166.800ha, phạm vi 5 vùng sản xuất nguyên liệu thuộc 13 tỉnh. Thứ nhất là Sơn La, Hòa Bình sẽ được quy hoạch là vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc với diện tích 14.000ha. Thứ hai là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…) với 22.900ha.

Thúc đẩy liên kết nông dân - doanh nghiệp: Hình thành tổ chức quản trị cấp vùng - Ảnh 1.

Sơn La được quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả ở miền Bắc. Ảnh: Nguyễn Chương

Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông được quy hoạch là vùng cà phê Tây Nguyên với diện tích 19.700ha. Thứ tư là An Giang, Kiên Giang thuộc vùng lúa gạo Tứ giác Long Xuyên diện tích 50.000ha. Thứ năm là Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang thuộc vùng cây ăn quả Đồng Tháp Mười, diện tích 60.200ha.

Tại Diễn đàn "Đẩy mạnh liên kết vùng - tăng tốc phát triển kinh tế" tổ chức sáng 26/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, điều quan trọng là cần gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững). 

Hơn nữa, vùng nguyên liệu phải theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao…

Ngoài ra, đó còn là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Tạo điều kiện cho các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển để hình thành các chuỗi giá trị; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phải đồng bộ với cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực để sản xuất hiệu quả, bền vững.

"Mục tiêu của liên kết vùng nguyên liệu là phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân sản xuất nguyên liệu; giảm chi phí sản xuất đầu vào từ 5-10%; giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% và gia tăng giá trị từ 10-20%" - ông Toản nói.

Ông Toản cho biết, sắp tới cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, cùng với nỗ lực của Bộ ngành liên quan, đặc biệt vai trò của hợp tác xã (HTX) sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu đồng bộ căn cơ.

"Sức sản xuất nông nghiệp ở nước ta rất lớn, sản phẩm đa dạng dẫn tới sự chồng chéo. Ví như ở Bắc Giang nay cũng trồng vú sữa. Do đó, đòi hỏi phải có vùng sản xuất tập trung, có tính liên kết đủ mạnh, đủ chặt chẽ nhằm mang lại lợi ích cho người nông dân, để họ yên tâm về đầu ra sản phẩm, còn doanh nghiệp có vùng nguyên liệu đủ lớn để vận hành sản xuất", ông Toản nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Mai Phương, đại diện Siêu thị BigC và GO, khẳng định, doanh nghiệp sẵn sàng liên kết đưa nông sản vào hệ thống siêu thị tiêu thụ. Song, vấn đề đặt ra lâu nay là HTX thường bán những cái mình có sẵn, chưa chú trọng đến sản phẩm đặc thù. Ngoài ra, các HTX vẫn chủ yếu duy trì sản lượng, cung cấp sản phẩm theo thời vụ. Do đó, HTX nào duy trì được sản phẩm và bảo đảm được chất lượng thì mối liên kết giữa HTX và siêu thị rất bền chặt.

Mở rộng tiêu thụ các mặt hàng nông sản

Đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) hiện nay, vai trò liên kết vùng càng trở nên quan trọng khi mà khu vực này đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). 

Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX. Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).

Thúc đẩy liên kết nông dân - doanh nghiệp: Hình thành tổ chức quản trị cấp vùng - Ảnh 3.

Quảng Trị được quy hoạch phát triển vùng trồng rừng có chứng chỉ. Ảnh: N.C

Thúc đẩy liên kết nông dân - doanh nghiệp: Hình thành tổ chức quản trị cấp vùng - Ảnh 4.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% HTX nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế).

Không những vậy, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.

Do vậy, ông Thịnh cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng. 

Bên cạnh đó, để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và HTX thì phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem