Đại dự án du lịch ở Ninh Bình: Loay hoay chọn phương án thoát lũ

Trần Quang Thứ tư, ngày 12/04/2017 13:00 PM (GMT+7)
Ủng hộ và đánh giá cao vai trò khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế xã hội của dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình (Ninh Bình), tuy nhiên, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho rằng, chủ trương là phải thống nhất triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết cho sông Hoàng Long trước để đảm bảo an toàn cho dân, sau đó mới triển khai dự án du lịch...
Bình luận 0

Dân không muốn rời vùng lũ

img

Một góc thôn Kênh Gà hiện nay.  Ảnh: T.L  

Kịch bản mở rộng, nạo vét sông Hoàng Long hiện mới chỉ ra trong điều kiện chưa có bồi lắng, vì vậy cần nghiên cứu thêm, trong đó cần chỉ ra yếu tố tác động trong quan hệ giữa hệ thống lũ sông Đáy, sông Bôi và sông Hồng”.

Ông Trần Quang Hoài 

Theo quy hoạch chi tiết phòng chống lũ cho sông Hoàng Long được HĐND tỉnh Ninh Bình thông qua vào năm 2014, 7 xã vùng trũng nằm trong phạm vi của dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn vẫn là vùng thoát lũ, luôn bị ngập trong mùa mưa.

Nếu như dự án Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình được triển khai, nhiều giải pháp công trình sẽ được xây dựng, điều này đồng nghĩa với việc một vùng thoát lũ rộng lớn thuộc 7 xã này sẽ không còn nữa. Cùng với dự án du lịch này, nếu triển khai, một số lượng dân cư trong vùng thoát lũ trước đây cũng buộc phải di dời sang nơi ở mới... Tuy nhiên theo khảo sát, tìm hiểu của phóng viên, những hộ dân nằm trong khu vực thuộc đại dự án trên đều không muốn di dời đến nơi ở mới. Bởi nơi họ đang sống có đất đai màu mỡ, công việc ổn định, thậm chí nhiều hộ còn có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng nhờ nghề vận tải đường sông.

Là thôn có diện tích bị ngập trong các mùa mưa ở Ninh Bình, thôn Kênh Gà có 560 hộ và 2.400 khẩu với hơn 70 mẫu ruộng cấy, tuy nhiên chỉ có 20% dân số làm ruộng, còn lại đa phần làm nghề vận tải đường sông và du lịch. Ông Trần Thanh Ba – Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Dù thôn hàng năm hay bị lũ ngập song người dân nơi đây không chỉ thích nghi tốt mà còn sống khỏe mỗi khi lũ về. Riêng với nghề vận tải, người dân thôn chúng tôi có thu nhập rất cao, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm”.

Cũng theo ông Ba, việc tỉnh triển khai đại dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình có thể sẽ mang lại lợi ích tốt cho người dân, song nếu muốn di dời dân thôn Kênh Gà sang khu tái định cư mới sẽ khó thực hiện được bởi bà con không muốn đến nơi mới. “Mọi người muốn giữ đất, giữ nơi thờ cúng tổ tiên và ổn định cuộc sống ở nơi có không khí trong lành và thu nhập tốt này, chứ không muốn đi đâu” – ông Ba khẳng định.

Đảm bảo an toàn cho dân là trước hết

Theo tính toán, lượng trữ lũ thuộc 7 xã của vùng dự án du lịch Kênh Gà – Tràng An khi có lũ trên sông Hoàng Long hiện ước tính khoảng 15 triệu m3, như vậy với việc khi có dự án, dung tích trữ lũ cũng sẽ bị mất đi tương đương khoảng 15 triệu m3, khiến áp lực thoát lũ vào mùa mưa trên sông Hoàng Long theo đó cũng sẽ tăng lên. Bài toán đang đặt ra cho dự án này, đó là làm cách nào để đảm bảo thoát lũ an toàn cho hệ thống sông Hoàng Long, khi vùng trữ lũ không còn nữa?

Để giải quyết bài toán thoát lũ an toàn cho hệ thống sông Hoàng Long, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phòng chống lũ chi tiết cho sông Hoàng Long để trình Bộ NNPTNT thỏa thuận phê duyệt. Đáng chú ý, ngày 22.6.2015, Phó Thủ tướng lúc đó là ông Hoàng Trung Hải đã đồng ý để UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức việc lập, thẩm định và trình duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình theo quy định.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho rằng: Đối với trình tự triển khai dự án và thực hiện điều chỉnh quy hoạch, chủ trương là phải thống nhất triển khai quy hoạch thủy lợi, mở rộng, nạo vét sông Hoàng Long trước để đảm bảo lũ an toàn cho dân, sau đó mới triển khai dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình.

“Việc triển khai cải tạo mở rộng sông cũng không được triển khai dần dần, hôm nay mở 5m, năm sau mở thêm 10m, mà chủ dự án phải quyết định quy mô dự án, mức đầu tư để chốt một phương án cuối cùng” – ông Hoài cho hay.

Theo ông Hoài, việc phải rà soát lại quy hoạch thoát lũ sông Hoàng Long chủ yếu là do có dự án Kênh Gà - Vân Trình. Trước đây, quy hoạch thoát lũ ngoài giải pháp đê, còn có giải pháp trữ lũ. Theo đó, chủ trương trước đây là “chôn lũ” ngay tại chỗ, đảm bảo không được tăng mực nước lũ trên sông Hoàng Long. Tuy nhiên nếu vùng trữ lũ không còn, chúng ta buộc phải tính lại phương án thoát lũ, theo đó sẽ có việc nâng mực nước lũ trên sông. “Mặc dù theo tính toán, nếu có giải pháp nạo vét, mở rộng sông Hoàng Long thì mực nước lũ chỉ tăng từ 6-12cm, nhưng nếu sau này, mỗi công trình, mỗi dự án lại phải nâng nước lũ thêm mấy cm thì sau này hệ thống đê điều sẽ lại có nhiều thay đổi phát sinh. Vì vậy, quan điểm của Tổng cục Thủy lợi là phải hạn chế thấp nhất mức nâng lũ khi có dự án” – ông Hoài nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem