Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang: Vì sao nhiều cán bộ bị khởi tố? (Bài 2)

Nhóm PV Thứ hai, ngày 22/03/2021 13:00 PM (GMT+7)
Đại dự án sông Tích (Hà Nội) với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng không chỉ chậm tiến độ, mà đã "kéo" nhiều cán bộ rơi vòng lao lý khi tiếp tay, cấu kết với người dân để làm sai lệch hồ sơ, nguồn gốc sử dụng đất khi giải phóng mặt bằng dự án. Chuyện xảy ra ở huyện Ba Vì cách đây chưa lâu.
Bình luận 0

Theo đó, đã có hàng loạt cán bộ ở các xã và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì bị khởi tố, xét xử. Vụ việc khiến quá trình giải phóng mặt bằng dự án bị... "trầm lắng".

"Mất" cả hàng chục cán bộ vì bị điều tra, xét xử liên quan đến dự án

Ông Đinh Công Sơn- Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NNPTNT Hà Nội) không khỏi suy tư khi nhắc đến dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích). Đến nay, dự án không chỉ chậm tiến độ, mà còn khiến nhiều cán bộ trên địa bàn UBND huyện Ba Vì vướng vòng lao lý, tù tội. 

Hiện dự án cải tạo sông Tích mới thi công được khoảng 70% khối lượng của đoạn 1 (giai đoạn I). Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh đã thi công xây dựng cơ bản các cống phai, nhà điều hành, các cầu dân sinh qua sông cùng các công trình trên sông; đã nạo vét được 18/27km lòng dẫn sông Tích, còn 9km chưa nạo vét được vì chưa có mặt bằng sạch; đơn vị thi công đã đào mới được 11,5km sông Tích...

"Đại dự án" sông tích chậm tiến độ: Nhiều cán bộ huyện Ba Vì bị khởi tố, tiếp tục gia hạn dự án đến 2022 - Ảnh 1.

Một đoạn sông Tích đã được nạo vét, nhưng các hạng mục xung quanh vẫn còn rất ngổn ngang. Việc chậm tiến độ đã làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án và nhiều hệ lụy khác.

Nguyên nhân khiến dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích không thể cán đích, bàn giao đưa vào sử dụng trong nhiều năm được xác định là do UBND huyện Ba Vì chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Không có mặt bằng để làm, nhiều hạng mục của dự án "nằm im bất động". 

Theo tìm hiểu của PV, quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) ở huyện Ba Vì đã gặp nhiều vướng mắc, kéo dài trong nhiều năm, một phần nguyên nhân là do một số cán bộ ở nhiều xã của huyện Ba Vì đã buông lỏng quản lý đất đai, tiếp tay cho người dân hợp thức hóa sai phạm để trục lợi tiền từ GPMB. 

"Đại dự án" sông tích chậm tiến độ: Nhiều cán bộ huyện Ba Vì bị khởi tố, tiếp tục gia hạn dự án đến 2022 - Ảnh 2.

Trong tổng số 287ha thu hồi phục vụ dự án cải tạo sông Tích (xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Hà Nội), nhiều diện tích bị cán bộ xã kê khống, khiến ngân sách bị trục lợi.

Theo thông tin từ Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và thông tin tổng hợp mà chúng tôi thu thập được: Năm 2011, khi có quyết định thu hồi đất phục vụ dự án, nhiều hộ dân đã tranh thủ xây dựng nhiều công trình trên phần diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để kê khai trục lợi. Nghiêm trọng hơn là một số cán bộ xã và huyện Ba Vì lại sẵn sàng hợp thức hóa nguồn gốc đất sai phạm nói trên cho người dân.

"Đại dự án" sông tích chậm tiến độ: Nhiều cán bộ huyện Ba Vì bị khởi tố, tiếp tục gia hạn dự án đến 2022 - Ảnh 3.

Chậm giải phóng mặt bằng, nên dự án sông Tích nhiều năm nay thi công cầm chừng. Nhiều công trường chất đống vật liệu, nhưng thiếu bóng dáng công nhân. Ảnh: Minh Đức

Hay như việc trước đây nhiều hộ chỉ được 1.000m2 đất sản xuất nông nghiệp, nhưng khi đi đo đạc đất nhiều cán bộ trưởng thôn lại có quan hệ thân thiết với nhiều người dân nên cả nể đo lên hẳn 1.500m2. Hàng năm, những hộ này chỉ đóng thuế 1.000m2, quá trình làm hồ sơ đền bù cán bộ xã lại hợp thức hóa cho hộ này 1.500m2. Nhà này làm được, nhà khác không làm được nên dẫn đến việc kiện tụng. 

"Đại dự án" sông tích chậm tiến độ: Nhiều cán bộ huyện Ba Vì bị khởi tố, tiếp tục gia hạn dự án đến 2022 - Ảnh 4.

Theo ông Sơn- Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều năm nay dự án thi công cầm chừng, chỉ đi vào hoàn thiện các công trình đã thi công trước đó. Khu lán trại tạm của công nhân này đóng cửa đã lâu, chưa rõ bao giờ sẽ hoạt động trở lại.

Có tới hàng trăm đơn kiện tụng, nên UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra TP và công an vào điều tra. Năm 2017 cơ quan thanh tra tiến hành rà soát lại gần 300ha diện tích GPMB của hơn 7.000 hộ nên công tác GPMB bị chậm lại. Thanh tra phát hiện nhiều cán bộ xã và lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì làm sai lệch hồ sơ đất đai, nên chuyển hồ sơ sang công an huyện Ba Vì. Một loạt cán bộ xã Cẩm Lĩnh, Tiên Phong, Vật Lại và lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì đã phải hầu tòa, lĩnh án. 

"Cuối năm vừa rồi, xét xử khoảng 2- 3 vụ, có khoảng trên dưới 10 cán bộ huyện Ba Vì bị khởi tố. Trong đó, có 1 Giám đốc và 1 Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì; cùng 4 – 5 cán bộ xã, trong đó có 2 cán bộ địa chính, 2 Chủ tịch xã bị khởi tố...", ông Sơn thông tin.

Sau khi nhiều cán bộ huyện Ba Vì vướng vòng lao lý, hệ thống cán bộ GPMB ở Ba Vì gần như bị tê liệt. Công tác GPMB bị đình trệ. 

 Đã giải ngân 1.700 tỉ đồng cho nhà thầu thi công, lại tiếp tục gia hạn dự án đến năm 2022

Theo tìm hiểu của PV, tổng diện tích GPMB trên địa bàn huyện Ba Vì để phục vụ dự án cải tạo sông Tích là 287ha, hiện còn 55ha bị vướng mắc, huyện Ba Vì chưa giải phóng được. 

Theo kế hoạch, hết quý II/2021, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn. 

"Đại dự án" sông tích chậm tiến độ: Nhiều cán bộ huyện Ba Vì bị khởi tố, tiếp tục gia hạn dự án đến 2022 - Ảnh 5.

Không thi công, công tác bảo vệ duy tu công trình dường như cũng bị bỏ ngỏ. Người dân tận dụng phơi sắn trên phai phòng lũ Thuần Mỹ.

"Trong các năm 2016, 2017 đến nay vướng giải phóng mặt bằng. Tổng giải phóng mặt bằng trên huyện Ba Vì là 287ha, đến nay bọn anh còn xấp xỉ 55ha, mấy năm nay chưa bàn giao được. Bàn giao xôi đỗ bọn anh không thể thi công được. Trong 55ha, cuối năm 2020 mới phê duyệt chi trả được khoảng 40ha, 15ha còn lại theo kế hoạch của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì sẽ phấn đấu hết quý II/2021 mới hoàn thành được và bàn giao mặt bằng. Như vậy hết quý II/2021 bọn anh mới triển khai được… Hiện còn khoảng 9km nữa chưa nạo vét được vì huyện Ba Vì chưa giải phóng bàn giao xong mặt bằng", ông Sơn nói.

Trước vướng mắc về mặt bằng đơn vị sẽ xin UBND TP Hà Nội điều chỉnh, gia hạn lại thời gian thực hiện. Dự kiến sẽ xin gia hạn hết 2022 mới hoàn thành đoạn 1.

Có thể thấy dự án cải tạo sông tích nghìn tỉ sẽ lại lỡ hẹn. Theo thiết kế, dự án chia làm  2 giai đoạn và 3 đoạn thi công. Giai đoạn 1 từ năm 2010-2013, sẽ tập trung thực hiện đoạn từ Lương Phú về đến cầu Ó, nhằm khôi phục, tiếp nước làm sống lại dòng sông Tích. Giai đoạn này gồm 2 đoạn. Đoạn 1 từ cống lấy nước đầu mối Lương Phú đến cầu Trắng, xã Đường Lâm, TX Sơn Tây có chiều dài 27,5km, mức đầu tư của gói thầu này lên tới 2.400 tỷ đồng. Trong đó, đoạn này sẽ đào mới 12km kênh dẫn để lấy nước từ sông Đà vào; đoạn 2 đi qua địa bàn TX Sơn Tây có chiều dài 13,5km, từ cầu Trắng đến cầu Ó; đoạn 3 từ cầu Ó đến Ba Thá, Mỹ Đức có chiều dài 70km, thực hiện từ năm 2014-2015.

Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang: Vì sao nhiều cán bộ bị khởi tố? (Bài 2) - Ảnh 7.

Ông Đinh Công Sơn- Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT Hà Nội

Tuy nhiên, cho đến nay Hà Nội mới triển khai được đoạn 1 (giai đoạn I); còn đoạn 2 (giai đoạn I) và giai đoạn II của dự án vẫn "án binh bất động", chưa tìm được đầu ra. Bởi, trước đó, UBND TP Hà Nội có chủ trương cho phép đoạn 2 (trong giai đoạn I- PV) và giai đoạn II thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT), tuy nhiên lại không tìm được nhà đầu tư. 

Mặt khác, thời gian sau đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng các dự án BT nên đến nay 2 đoạn này hiện chưa có chủ trương triển khai.

Trong tổng mức trên 4.253 tỷ đồng vốn đầu tư đoạn 1, giải phóng mặt bằng chiếm 1.200 tỷ; còn lại 2.500 tỷ là xây lắp. Đến nay, khối lượng thực hiện của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, hiện Bình Minh đã được chủ đầu tư giải ngân khoảng 1.700 tỷ đồng...

Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bình Minh được chỉ định thực hiện 2 gói thầu: Gói thầu 12a thi công xây lắp phần thủy Cụm công trình đầu mối, trị giá hơn 90 tỷ đồng, ký vào tháng 5-2011; gói thầu 12b toàn bộ phần xây lắp công trình thuộc đoạn I, trị giá hơn 2.100 tỷ đồng, ký vào đầu tháng 12-2011.

*Đón đọc bài 3 sẽ xuất bản trên Báo điện tử Dân Việt vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày 23 tháng 3 năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem