Đại gia ô tô lấn sân bất động sản: Nhiều nỗi lo

27/03/2019 13:32 GMT+7
Sức hút bất động sản là rất lớn nhưng khi doanh nghiệp ô tô không toàn tâm toàn ý với công nghiệp ô tô, ngành ô tô sẽ ra sao?

Sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam là rất lớn, có tiềm năng để phát triển và thu lợi nhuận

Bàn tiếp về việc nhiều đại gia ngành công nghiệp ô tô lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho hay, ở Việt Nam, đa phần các tỉ phú, những người giàu có đều đi lên từ bất động sản.

Bởi kinh nghiệm đầu tư bất động sản ở Việt Nam là chưa có nên dù thị trường mở ra nhiều cơ hội, trong số những người lao vào, người thành công không nhiều, còn người thất bại cũng không ít.

Trong khi đó, sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam là rất lớn, có tiềm năng để phát triển và thu lợi nhuận.

Các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế đều nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới bởi quá trình đô thị hóa đang tăng nhanh, thu hút dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài và cả các doanh nghiệp ngoài ngành ở trong nước.

"Đã là nhà kinh doanh, hễ nghiên cứu thị trường thấy lĩnh vực nào làm ăn lợi nhuận cao thì doanh nghiệp sẽ tham gia. Nhưng thực ra thị trường bất động sản không hề dễ dàng, không phải ai cũng thành công, mà đợt khủng hoảng, suy thoái hoặc đóng băng vào các thời điểm năm 1995 - 1999, 2008-2009 và 2011 – 2013 là minh chứng rõ ràng.

Vì lẽ đó, bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả các đại gia ô tô, muốn nhảy vào thị trường bất động sản đều phải nghiên cứu cẩn thận, có chiến lược rõ ràng, bài bản.

Tuy nhiên, lĩnh vực doanh nghiệp đã đầu tư và đã thành công thì nên duy trì, phát triển", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Chia sẻ với việc doanh nghiệp ô tô lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết, điều đó một phần là do chính chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô còn chung chung của Nhà nước.

Theo đó, về nguyên tắc, khi đường lối phát triển kinh tế đã chọn phát triển lĩnh vực nào thì Nhà nước sẽ "chọn mặt gửi vàng", lựa chọn doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đến cùng để phát triển ngành then chốt ấy.

Tuy nhiên, dường như Nhà nước ta chưa làm được việc ấy, mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra chính sách chung chung, doanh nghiệp làm đến đâu thì hỗ trợ đến đấy, không hứa hẹn giúp đỡ, hỗ trợ trong mọi khâu phát triển, hay gặp khó khăn gì thì sẽ giúp.

Vì lẽ đó, doanh nghiệp phải tính toán để đảm bảo phát triển, có chiến lược kinh doanh của mình bởi nếu doanh nghiệp thất bại thì cái họ mất chính là vốn của doanh nghiệp.

"Vấn đề ấy đến đây không còn là của doanh nghiệp nữa mà là của cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước có khẳng định xây dựng, phát triển ngành công nghiệp ô tô hay không? Ô tô ấy là ô tô gì, có bao nhiêu doanh nghiệp làm? Phải có chính sách, chiến lược để xây dựng ngành công nghiệp ô tô vững mạnh.

Nếu thấy doanh nghiệp đủ tầm cỡ để phát triển thì phải đầu tư để cho doanh nghiệp lớn lên. Đó là việc của Nhà nước, Bộ Công thương... Nếu Nhà nước không làm rõ, không có cam kết rõ ràng, doanh nghiệp đương nhiên sẽ không dám đi con đường ấy vì cạnh tranh với các thương hiệu ô tô ngoại không hề dễ dàng.

Dự án bất động sản của một DN ô tô

Trường hợp của Vinaxuki là một bài học khi ban đầu thì khuyến khích họ, nhưng đến khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì ngoảnh mặt làm ngơ.

Nhà nước cũng phải tạo cho doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược: không dừng lại ở lắp ráp, mà phải thiết kế, chế tạo, mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực và toàn cầu, từ đó có chiến lược, sách lược rõ ràng, làm ô tô giá cả ra sao, chất lượng thế nào để cạnh tranh được", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.

Đây cũng chính là câu trả lời của vị chuyên gia trước lo ngại khi các doanh nghiệp ô tô lấn sân sang lĩnh vực bất động thì ai sẽ lo phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Theo vị chuyên gia, khi doanh nghiệp ô tô đổ vốn vào bất động sản, chính doanh nghiệp sẽ là người chịu rủi ro đầu tiên bởi tiền là tiền của doanh nghiệp, được hay mất họ đều là người thụ hưởng.

Đó là trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh có vốn lớn, còn nếu doanh nghiệp vay ngân hàng, làm ăn thua lỗ, nợ đọng thì khi ấy không chỉ doanh nghiệp chịu mà cả ngân hàng phải gánh chịu.

"Vì thế, rất cần đến vai trò của Nhà nước, phải có chiến lược, quy hoạch rõ ràng, cái gì khuyến khích, cái gì cần hạn chế và đưa ra khuyến cáo phù hợp.

Nếu cơ quan quản lý thiếu tầm nhìn, không có quy hoạch, chiến lược rõ ràng, không tổ chức thực hiện từ đầu đến cuối, sống chết mặc bay thì doanh nghiệp sẽ chết", ông lưu ý. 

 

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục