Đại gia tiết lộ lý do đầu tư vào Bianfishco

Thứ sáu, ngày 18/05/2012 11:32 AM (GMT+7)
Ông Trần Kim Minh cho hay đã rà soát hết các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đi Mỹ, được biết Bianfishco được hưởng thuế suất 0% và thị trường Mỹ đã biết đến tên tuổi Bianfishco.
Bình luận 0

Dư luận đang rất quan tâm đến năng lực bản thân của Công ty 584 (NTB). Đến cuối quý I, theo báo cáo của riêng công ty mẹ, NTB chỉ có 616 triệu đồng tiền mặt. Bản thân công ty mẹ đang đi vay nợ 860 tỷ đồng, ông nghĩ sao về điều này?

img
Chủ tịch HĐQT Công ty 584 Trần Kim Minh cho biết đầu tư vào Bianfishco vì đầu ra, thương hiệu và có tên tuổi tại Mỹ.

- Chúng tôi đang có hai dòng nợ: Nợ của công ty về các dự án và nợ ngân hàng. Ví dụ, nợ dự án ở đường Trịnh Đình Trọng (Q Tân Phú, TP HCM) của Ngân hàng Phương Nam 106 tỷ đồng. Nhưng khoản này không quá lo nguồn tiền vì là dự án phục vụ tái định cư cho TP HCM.

Đáng lo nhất là 96 tỷ đồng nợ Ngân hàng Nam Á. Đây là tiền đầu tư vào dự án nhà cao cấp nhưng chưa bán được sản phẩm. Thật ra, với vị trí này, chúng tôi không thể làm nhà cho người thu nhập thấp. Vì nếu có làm, phải làm ngay năm 2008 thì sẽ tốt, nhưng không kịp. Và sau đó thị trường xuống nhanh, gây khó khăn.

Tiếp theo là khoản nợ 59 tỷ đồng với BIDV và khoản lớn nhất với Agribank Nam Sài Gòn gần 600 tỷ đồng. Song đây hoàn toàn là dự án hợp tác đầu tư, ngân hàng cũng đã chấp nhận nợ này bằng đảm bảo của chính nợ và tài sản dự án đó. Phía đối tác đứng ra chịu trách nhiệm cho khoản nợ này. Tôi cố gắng trong vòng 2 năm nữa sẽ qua được khó khăn. NTB sẽ vay thêm tiền và sẽ luân chuyển dòng tiền một cách rõ ràng hơn.

Đến giờ tôi vẫn cho rằng NTB đã đưa ra một quyết định rất quan trọng trong năm 2011 là ngưng hết việc xây dựng các dự án, nên chúng tôi đã rất khỏe. Nếu cứ làm tiếp thì sẽ không bán được hàng và mất niềm tin với cổ đông.

Là một doanh nghiệp thuần về xây dựng và bất động sản, tại sao NTB lại quyết định đầu tư vào thủy sản?

- Hai năm trở lại đây, tình hình hoạt động của Công ty 584 gặp khó. Xây dựng khó thu tiền, bất động sản khó bán dù sản phẩm chỉ có mức giá trung bình. Vì vậy, tôi đã tính đến chuyện mở rộng một số ngành nghề tương đối trái với ngành chính, trong đó có nông thủy sản.

Trước khi đi Mỹ, anh Trần Văn Trí, chồng chị Hiền có cho tôi số điện thoại của chị Hiền, nhưng tôi cũng không gặp ngay được vì chị cũng ngại.

Trước khi về mấy ngày, tôi mới gặp được chị Diệu Hiền ở California. Thật sự sức khỏe chị rất xấu. Và đúng là nếu không gặp trực tiếp chị Diệu Hiền, chúng tôi sẽ không thể quyết định việc sẽ đầu tư vào Bình An, vì không hiểu bức tranh thật của Bình An là gì, chỉ biết rằng họ có một số nhà máy, có thương hiệu.

Khi gặp rồi, trao đổi trực tiếp cũng như tự mình tìm hiểu, tôi mới biết thương hiệu của Bianfishco tại Mỹ quá lớn, có thể coi là một thương hiệu quốc gia. Phải tốn kém biết bao nhiêu tiền của để làm thương hiệu, Bình An mới được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận cho tham gia vào thị trường Mỹ với tư cách là sản phẩm sạch, được hưởng thuế 0%.

Đó được coi là thành tích của chị Hiền, nhưng chưa được gặt hái. Như vậy, tôi thấy đầu ra của Bianfishco quá tốt, thứ hai là thương hiệu, thứ ba là đã được Mỹ chấp nhận.

Ý tưởng táo bạo, nhưng thuyết phục các cổ đông chấp thuận hình như không dễ dàng, thưa ông?

- Tôi thực hiện việc này rất nhanh và quyết liệt. Gặp chị Diệu Hiền ngày 2.5, về Việt Nam ngày 6.5, ngày 7.5 tổ chức đại hội cổ đông, tôi xin mở thêm ngành nghề nông thủy hải sản xuất khẩu, và đề nghị tham gia một phần vốn vào Bình An, nhưng phải tìm hiểu kỹ.

Dù đồng ý, nhưng các cổ đông cũng băn khoăn vì công ty đang quen làm bất động sản, nay chuyển sang làm nông thủy hải sản thì biết gì mà làm, không khéo có thể mất tiền cổ đông, mất tiền vay ngân hàng.

Tôi phải thuyết phục rằng, bản thân tôi năm 1985 - 1986 là thanh niên xung phong, nhưng đã chuyên làm về xuất khẩu thủy hải sản ở một loạt công ty thủy sản. Đến năm 1989, tôi từng làm phó giám đốc Công ty chế biến hàng xuất khẩu Tân Định ở quận 3. Năm 1991 tôi trực tiếp qua Canada lập công ty thủy sản.

img
Ông Trần Kim Minh cho biết, hiện 584 đang có 2 dòng nợ nhưng gắng trong vòng 2 năm nữa sẽ vượt qua khó khăn. Ảnh: Thiên Phước.

Trước đó ông từng có mối quan hệ cá nhân với bà Diệu Hiền và Công ty Bình An chưa?

- Chưa bao giờ tôi gặp chị Diệu Hiền. Tôi đón nhận thông tin về Bình An từ một số bạn bè. Gặp tôi trước khi tôi đi Mỹ, anh Trí nói: “Anh Minh có nhiều bạn hàng bên Mỹ, hãy gặp vợ tôi tìm hiểu lo giúp đầu ra cho Bình An. Bởi các hợp đồng nếu cứ dở dang thì trong vòng 1 - 2 tháng nữa sẽ mất vì khách hàng nước ngoài không chờ được”.

Trong nhóm nông sản xuất khẩu mạnh và ổn định có gạo và thủy sản nhờ đầu ra tốt. Bản thân tôi “biết nghề” nên không sợ lỗ khi làm thủy sản. Quyết định đầu tư vào thủy sản, trước đó tôi đã rà soát hết các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đi Mỹ, được biết Bianfishco được hưởng thuế suất 0%.

Thứ hai, thị trường Mỹ đã biết đến tên tuổi Bianfishco thông qua nhiều sự kiện được chị Hiền tổ chức tại Mỹ, trong đó có cả bà Hillary Clinton từng đến tham dự.

Thứ ba, nếu làm được điều này, chỉ cần đưa một lượng tiền vài trăm tỷ đồng vào, thì thủy sản miền Tây sẽ “bốc” lên. Người hưởng lợi nhất sẽ là nông dân. Nhà nước thu ngoại tệ, công ăn việc làm cho 5.000 lao động, và lợi nhuận từ xuất khẩu thủy sản rất tốt.

Nếu thuận buồm xuôi gió trong hợp tác với Bình An, ông có mua 30% cổ phần của công ty được dành cho NTB?

- Đầu tư của tôi vào Bình An theo lộ trình. Đầu tiên là hỗ trợ sản xuất, để công nhân có việc làm, nông dân có nguồn mua và không gián đoạn hoạt động xuất khẩu. Nếu được, trong tháng này tôi sẽ bay sang Mỹ kết nối để ký lại hết các hợp đồng với đối tác.

Nhưng các bước xử lý tại Bình An vẫn còn khá chậm vì phải làm từ gốc là mua bán nợ ngân hàng, cổ phiếu, sản xuất. Riêng tôi thì làm phần ngọn là đưa tiền cho sản xuất và xuất khẩu cho các hợp đồng cũ. Do đó, nếu làm không xong phần gốc sẽ dính đến phần ngọn.

Bình An là công ty cổ phần, mà tài sản của chị Diệu Hiền lại nằm trong ngân hàng. Tôi đang đi trên ngọn rất có lợi là đưa tiền vào và quản lý được dòng tiền của mình, lấy tiền đi xuất khẩu, đem tiền về trả nợ cho ngân hàng, chia lợi nhuận cho Bình An. Nhưng đắn đo ở chỗ là phần chia lợi nhuận này có đủ cho việc tính toán và khoanh nợ cho Bình An hay không. Hiện chúng tôi đang chờ giải quyết điều này. Nếu bên Bình An đồng ý, chúng tôi sẽ ký kết hợp tác.

Sau đó tôi sẽ qua Mỹ làm lại hết các hợp đồng dang dở, nhưng với điều kiện các ngân hàng không được siết hết tiền. NTB không đưa tiền cho Bình An trả nợ, chỉ để mua nguyên liệu xuất khẩu. Bước một thành công thì bước hai chúng tôi sẽ tính đến chuyện có mua 30% cổ phần hay không.

Sau sự cố của Bình An, ông có lo ngại phía đối tác nước ngoài sẽ dè chừng hơn với công ty này không?

- Đúng là có dè chừng. Vì vậy, nếu không kết nối sớm lại với khách hàng, thương hiệu Bianfishco sẽ mất và họ sẽ có thương hiệu khác. Hiện thương hiệu Vĩnh Hoàn đang rất nổi tại thị trường Mỹ. Do đó, từ nay đến 20.5 sẽ có một hợp tác cụ thể, rõ ràng giữa NTB với Bình An.

Theo Doanh nhân Sài Gòn
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem