Đại học FPT lý giải việc cho đóng học phí bằng "tiền ảo" bitcoin

Nguyên Phương – Tùng Anh Thứ sáu, ngày 27/10/2017 16:40 PM (GMT+7)
Rủi ro trượt giá, sinh viên đóng học bằng bitcoin giả, chưa có khung pháp lý bảo vệ là những vấn đề được các chuyên gia đặt ra xung quanh câu chuyện Đại học (ĐH) FPT tuyên bố sẽ chấp nhận cho sinh viên đóng học phí bằng bitcoin - đơn vị tiền ảo có khối lượng giao dịch lớn nhất trên thị trường.
Bình luận 0

img

Nhận thanh toán học phí bằng bitcoin có thể khiến ĐH FPT chịu nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa)

Tỷ lệ rủi ro tỷ giá giữa Bitcoin và ngoại tệ là tương đương

Vừa qua, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng tuyên bố: “Đại học FPT chấp nhận cho các đối tượng đang là sinh viên hoặc chuẩn bị là sinh viên của trường nộp học phí bằng bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại”. 

Trao đổi với báo chí, ông Tùng cho biết, trường sẽ bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại ĐH FPT. Đó là những sinh viên châu Phi, đặc biệt là từ Nigeria, họ rất khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí.

Ông Tùng chia sẻ, Bitcoin thực tế là một công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí của sinh viên. Sinh viên dùng bitcoin để chuyển tiền sang Việt Nam, sau đó có thể đổi từ bitcoin sang tiền mặt để nộp cho trường.

img

Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng cho rằng tỷ lệ rủi ro tỷ giá giữa bitcoin và ngoại tệ là tương đương. (Ảnh. PV)

Đánh giá về mức độ rủi ro của việc thu học phí bằng tiền ảo Bitcoin, ông Tùng cho rằng, việc thu phí bằng Bitcoin hay thu phí bằng ngoại tệ như hiện nay đối với sinh viên nước ngoài thì tỷ lệ rủi ro tỷ giá là tương đương. Mặt khác theo TS Tùng, hiện Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến bitcoin. Nhiều trường đại học trên thế giới cũng đã chấp nhận cho sinh viên sử dụng bitcoin để thanh toán học phí.

Ông Lê Trường Tùng chia sẻ thêm: "Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Chúng tôi muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của Cách mạng Công nghiệp 4.0, là một trường ĐH đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0”.

Sinh viên đóng Bitcoin giả, FPT chịu thiệt?

Trao đổi với Dân Việt, TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra một số hạn chế của hình thức thanh toán học phí bằng tiền ảo bitcoin.

img

TS. Cấn Văn Lực chỉ ra những rủi ro của thanh toán bằng bitcoin

TS. Lực phân tích: “Rủi ro tất nhiên là có bởi đồng tiền ảo bitcoin chưa được Việt Nam công nhận. Đầu tiên, đó là việc quy đổi từ đồng Việt Nam qua bitcoin. Nếu xảy ra tranh chấp, rất khó để xử lý vì đồng tiền này chưa được công nhận ở Việt Nam.

Thứ hai, với đối tượng sinh viên, số lượng người sở hữu bitcoin không nhiều. Ngoài ra, giá trị bitcoin hiện rất lớn, hơn 5.800USD/bitcoin trong khi số tiền đóng học nhỏ hơn rất nhiều. Vậy hình thức thanh toán học phí này có thực sự khả thi?

Thứ ba, ĐH FPT có công nghệ để nhận diện đồng tiền ảo bitcoin là thật hay giả hay không? Tiền thật có thể nhận diện, phân biệt được chứ với tiền ảo sinh viên hoàn toàn có thể lợi dụng công nghệ để lừa đảo.

Thứ tư, nếu sinh viên chuyển bitcoin qua ngân hàng, rồi tiền từ ngân hàng chuyển về tài khoản của FPT, tôi không biết là ngân hàng đó có chấp nhận chuyển tiền hay không?”.

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng giá trị của đồng tiền ảo bitcoin biến đổi rất nhanh và mạnh, ĐH FPT hoàn toàn có thể phải chịu rủi ro về tỉ giá khi giá trị đồng bitcoin sinh viên nộp thay đổi so với giá trị ban đầu.

img

LS. Trương Thanh Đức cho rằng sử dụng bitcoin để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp. (Ảnh: I.T)

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, đồng tiền Bitcoin chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thừa nhận là đồng tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy, việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Song Luật sư Trương Thanh Đức cũng chia sẻ thêm, giao dịch thu học phí khác với các hợp đồng dân sự trao đổi hàng hóa, tài sản theo quy định tại Điều 455 về “Hợp đồng trao đổi tài sản” của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo quy định, Khoản 6, Điều 6 về “Các hành vi bị cấm”, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: “sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Về việc xử phạt, theo Điểm d, Khoản 6, Điều 27 về “Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán”, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ về “Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiển tệ và ngân hàng”, quy định phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm “sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem