Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Ukraine

Thứ sáu, ngày 28/03/2014 09:59 AM (GMT+7)
Theo Itar-tass, trưa ngày 27.3 (giờ New York, Mỹ) Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết "Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Bình luận 0
Được biết 11 nước bỏ phiếu chống là Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Triều Tiên, Nicaragua, Nga, Sudan, Syria, Venezuela và Zimbabwe.

img
Quang cảnh cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 27.3

Một số nước độc lập trước đây từng thuộc Liên bang Xô Viết như Moldova bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc, Kazakhstan và Uzbekistan bỏ phiếu trắng, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan đã không bỏ phiếu.

Các nước thuộc khối BRICS như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi bỏ phiếu trắng.

Được biết, dự thảo nghị quyết "Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" do Ukraine soạn thảo và đề xuất với sự đồng bảo trợ của một số nước gồm Botswana, Ba Lan, Canada, Costa Rica và Qatar. Nội dung nghị quyết kể trên là khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine, đồng thời không thừa nhận cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của vùng Crimea.

Theo TTXVN, nghị quyết không đề cập cụ thể tới Nga, thay vào đó đề cập một cách chung chung rằng "Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các cơ quan đặc biệt không thừa nhận bất kỳ một sự thay đổi nào về thực trạng của khu vực Crimea và thành phố cảng Sevastopol."

Theo Itar-tass sau cuộc biểu quyết, ông Vitaly Churkin, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết, kết quả bỏ phiếu dẫu sao cũng cho thấy Nga không bị cô lập. Đồng thời, ông Vitaly Churkin cũng khẳng định lập trường của Nga là phản đối dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp Quốc.

Ông Churkin tin rằng “dự thảo nghị quyết đã nghi ngờ về ý nghĩa của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea, một sự kiện lịch sử quan trọng. Đó là quyết định phản tác dụng trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp”.

Giới truyền thông bình luận, Nghị quyết trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc không có sự ràng buộc về mặt pháp lý như những nghị quyết của Hội đồng Bảo an mà chỉ phản ánh quan điểm của các nước thành viên Liên hợp quốc về những vấn đề quốc tế.
Văn Biên (theo Itar-tass/TTXVN) (Văn Biên (theo Itar-tass/TTXVN))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem