Đại hội XII của Đảng ghi dấu những thành tựu đối ngoại nổi bật: Nâng tầm vị thế quốc gia (Bài 1)

Vĩnh Nguyên Thứ tư, ngày 20/01/2021 09:57 AM (GMT+7)
Những dấu ấn ngoại giao 5 năm qua minh chứng Việt Nam đã thực hiện thành công đường lối đúng đắn về đối ngoại được đề ra cho nhiệm kỳ XII của Đảng. Những chỉ đạo có tầm nhìn chiến lược, hòa nhịp cùng những biến động thời đại đã góp phần đưa Việt Nam chủ động vượt qua thách thức, nhằm bảo vệ và phát triển đất nước.
Bình luận 0

Đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc

Bối cảnh thế giới và khu vực 5 năm qua có những biến động sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến môi trường đối ngoại của Việt Nam, tạo ra cả thuận lợi, thách thức và nhiều vấn đề mới. Chưa bao giờ chúng ta có thể thấy một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn quyết liệt đến như vậy, hay một đại dịch kinh hoàng như Covid-19 trong lịch sử hiện đại, làm đảo lộn toàn bộ đời sống chính trị, an ninh, kinh tế xã hội của toàn thế giới. 

Đã xảy ra sự đối đầu giữa chủ nghĩa đa phương và đơn phương, sự toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ. Sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của công nghệ đã tạo ra những xu thế mới cho đời sống quốc tế nhưng cũng gây ra những sự cạnh tranh khốc liệt. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội. Tại Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao tháng 8/2020 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định về thành tựu đối ngoại 5 năm qua: "Đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, để phục vụ phát triển, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước".

Để tạo đà cho những thành tựu đó, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng 1/2016, Đảng ta đã định ra đường lối mới, kế thừa những nội dung cơ bản của đường lối đối ngoại được thông qua tại các kỳ đại hội trước, và có những bổ sung, phát triển. 

Một trong những điểm mới của đường lối đối ngoại nhiệm kỳ XII là mục tiêu đối ngoại được đề cập rõ hơn và ở mức cao nhất. Mục tiêu đối ngoại "vì lợi ích quốc gia, dân tộc" được nêu lần đầu trong Văn kiện Đại hội XI. Văn kiện Đại hội XII làm rõ hơn và phát triển thành "Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi".

Thành tựu đối ngoại Việt Nam nhiệm kỳ XII: Bài 1: Nâng tầm vị thế quốc gia - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao, tháng 8/2020. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, phương châm, quan điểm chỉ đạo các hoạt động đối ngoại được nêu rõ hơn, đó là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh", "kiên quyết, kiên trì" khi triển khai nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa là những nội hàm cốt lõi của lợi ích quốc gia - dân tộc. Với điều này, Đảng ta khẳng định mạnh mẽ hơn quyết tâm bảo vệ đến cùng các lợi ích đó.

Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh công tác đối ngoại đa phương với định hướng "chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương"; "chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp quốc".

Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy ngành ngoại giao Việt Nam đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Với chủ trương kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng ta giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, các vấn đề phát sinh được xử lý hiệu quả. Thế và lực của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới, chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế coi trọng như hiện nay.

Đại hội XII của Đảng ghi dấu những thành tựu đối ngoại nổi bật: Nâng tầm vị thế quốc gia (Bài 1) - Ảnh 3.

Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. (Ảnh: BTC)

Tháng 11/2007, Việt Nam chủ trì Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng, quy tụ hàng chục nhà lãnh đạo của các nền kinh tế APEC, trong đó có những người định hình chính trường thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin… Hội nghị cấp cao APEC thể hiện chính sách đối ngoại coi trọng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược với khu vực này. 

Tiếp đó, tháng 2/2019, hơn 2.600 nhà báo quốc tế đến Việt Nam đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, cũng là đưa ra cho thế giới hình ảnh một Việt Nam năng động, tự tin, chủ động, một biểu tượng của hòa giải và xây dựng lòng tin để từ cựu thù biến thành đối tác.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã củng cố quan hệ với các nước ngày càng vững chắc, thực chất, đi vào chiều sâu, tạo dựng khuôn khổ bền vững.  

Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến chúng ta không còn chứng kiến những hoạt động ngoại giao sôi động như đã thấy. Các quốc gia lãnh thổ đóng cửa, các sân bay vắng lặng. Những tưởng nhiều hoạt động đối ngoại rất lớn mà Việt Nam đã chuẩn bị từ trước đó cả năm trời sẽ bị đình hoãn, trì trệ. Nhưng thực tế cho thấy hoàn toàn ngược lại, các hoạt động đối ngoại đã được triển khai theo hình thức mới một cách linh hoạt và chủ động. 

Trên 33 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đến Chủ tịch Quốc hội và các cấp khác với lãnh đạo hầu hết các nước quan trọng trên thế giới cũng như các nước khu vực đã diễn ra. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với New Zealand lên cấp đối tác chiến lược, nâng mạng lưới đối tác chiến lược lên 17 quốc gia, cùng với 13 đối tác toàn diện.

Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với trên 550 cuộc họp trực tuyến, trong đó có 20 cuộc họp cấp cao thường xuyên, thường niên như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, lần thứ 37 và các cuộc họp cấp cao liên quan với các đối tác đặc thù.

Việt Nam chủ động, tích cực cùng các thành viên trong cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới liên quan đến hòa bình, an ninh, phát triển và thúc đẩy quyền con người dựa vào luật pháp quốc tế.

Năm đầu tiên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đã được hoàn thành, mà theo đánh giá của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: "Việt Nam đảm nhiệm cương vị này với một tâm thế lớn lao và vững vàng do đã nhận được số phiếu bầu lớn nhất trong lịch sử của Hội đồng Bảo an (192/193)", điều đó cũng cho thấy sự tin tưởng mà các quốc gia dành cho Việt Nam. Sự tham gia tích cực và các sáng kiến của Việt Nam với hòa bình, an ninh và hợp tác quốc tế được đánh giá rất cao.

Thành tựu đối ngoại Việt Nam nhiệm kỳ XII: Bài 1: Nâng tầm vị thế quốc gia - Ảnh 5.

Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an tháng 1/2020. (Ảnh: TTXVN)

Tại LHQ, lần đầu tiên Việt Nam đã dự thảo Nghị quyết thành lập Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hàng năm và được thông qua, ghi nhận dấu ấn vươn tầm của ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Thành tích chống dịch trong nước của Việt Nam khiến nhiều nước phải kinh ngạc, và như đánh giá của các nhà ngoại giao nước ngoài: Được sống ở Việt Nam vào thời điểm đại dịch này là một may mắn.

Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với trên 550 cuộc họp trực tuyến, trong đó có 20 cuộc họp cấp cao thường xuyên, thường niên như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, lần thứ 37 và các cuộc họp cấp cao liên quan với các đối tác đặc thù.

Về vấn đề Biển Đông, cho dù những bất ổn, song về cơ bản Việt Nam giữ được môi trường ổn định thông qua nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp song phương với các nước. 

Biển Đông được đặt ra trong tất cả các cuộc trao đổi của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước cũng như tiếp xúc của các cấp và quan điểm của Việt Nam được sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ. 

Vấn đề Biển Đông luôn được Việt Nam nêu ra với yêu cầu đảm bảo được môi trường hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, không làm phức tạp tình hình trên thực địa. Trong ASEAN và ASEAN với các đối tác, Việt Nam đã nêu vấn đề Biển Đông. Cho đến giờ Việt Nam vẫn tiếp tục các hoạt động kinh tế bình thường trên những vùng biển hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết khi trả lời báo chí cuối năm 2020.

Định hình các thể chế đa phương

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam còn đẩy mạnh hội nhập quốc tế và công tác ngoại giao kinh tế, thu hút thêm nhiều nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đối ngoại đa phương được nâng tầm, từ chủ động tích cực tham gia sang từng bước đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. 

Việt Nam cũng đã đóng góp thúc đẩy hình thành, ký kết và và triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại cấp cao APEC 2017; thúc đẩy đàm phán và chủ trì vận động chính trị - ngoại giao để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Tại Cấp cao ASEAN 37, Việt Nam đã thúc đẩy để các bên đi tới ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thành tựu đối ngoại Việt Nam nhiệm kỳ XII: Bài 1: Nâng tầm vị thế quốc gia - Ảnh 6.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU được ký kết năm 2019 đã có hiệu lực từ 1/8/2020 và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam ngay trong dịch Covid-19. (Ảnh: P.V)

Những nỗ lực của Việt nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.  Trong báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF, Việt Nam đã tăng hạng từ vị trí 77 năm 2006 lên vị trí 55 năm 2017. Trong xếp hạng Thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cũng tăng hạng từ 104 năm 2007 lên 68 năm 2017.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cập nhật GDP đánh giá lại của Việt Nam giai đoạn 2010-2019. Qua đó, Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á (329,5 tỷ USD năm 2019), bình quân đầu người vượt qua Philippines.

Cũng vừa qua Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã công bố dự báo rằng đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình, và năm 2035 GDP của Việt Nam sẽ vượt Đài Loan.

Giữa những thử thách của đại dịch Covid-19, công tác bảo hộ công dân và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai kịp thời, hiệu quả. Tính đến đầu tháng 1/2021, Việt Nam đã thực hiện hơn 290 chuyến bay đưa hơn 80.000 người Việt từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn, thể hiện lòng bao dung, nhân ái, cam kết "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Những thành tựu ngoại giao trong nhiệm kỳ qua là bước tiến mới để phát huy vai trò Việt Nam trên trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành nước dẫn dắt trong khu vực, bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước và góp phần làm cho đất nước phồn vinh, thịnh vượng, người dân được hạnh phúc, "sánh vai cùng các cường quốc 5 châu".

Việt Nam là đối tác đáng tin cậy

"Từ tháng 11/2017, tôi có vinh dự được lãnh đạo Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam trải qua một quãng thời gian vô cùng bận rộn và hiệu quả với những thành tựu lớn đáng ghi nhận.

Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy quốc gia này có thể tổ chức các sự kiện có tầm quan trọng quốc tế. Cuối năm 2017, Việt Nam đã tổ chức APEC tại Đà Nẵng. Tại đây, Tổng thống Trump đã phát biểu về tầm nhìn của mình đối với mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việt Nam chứng minh mình là một đối tác đáng tin cậy trong việc thiết lập hòa bình và an ninh trong khu vực thông qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội vào tháng 2/2019 cho đàm phán giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Năm nay, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong một khoảng thời gian đặc biệt khó khăn. Ngoại trưởng Pompeo ca ngợi Việt Nam vì những nỗ lực triệu tập các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác đối thoại trong thời điểm chưa từng có tiền lệ này".

(Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Krittenbrink trả lời phỏng vấn Dân Việt tháng 11/2020)

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem