Đắk Lắk: 7 hợp tác xã, doanh nghiệp kí hợp tác với các tổ khuyến nông cộng đồng

Thư Anh Thứ sáu, ngày 23/12/2022 08:49 AM (GMT+7)
Chiều 22/12, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn "Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên".
Bình luận 0

Tham dự diễn đàn có hơn 200 đại biểu là thành viên các Tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất, tiêu thụ cà phê ở Tây Nguyên.

Phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn “Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên”

Theo số liệu của Cục trồng trọt, đến năm 2021, diện tích cà phê của Việt Nam đạt hơn 710.000 ha, năng suất hơn 28 tạ/ha. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91% về diện tích và 93% về sản lượng cà phê cả nước. Hai tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất hiện nay là Đắk Lắk và Lâm Đồng. 

Mặc dù diện tích lớn, năng suất cao nhưng mối liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong cơ chế thị trường.

Phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên - Ảnh 2.

Đại biểu tham dự trao đổi ý kiến tại diễn đàn.

Giai đoạn 2022-2025, Bộ NNPTNT triển khai "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu", trong đó các tỉnh Tây Nguyên được chọn để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê.

Ngoài ra, xác định công tác khuyến nông cần phải kiện toàn về tổ chức, đặc biệt là khuyến nông cơ sở, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng và triển khai Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng" tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu, kết quả đã xây dựng được 26 tổ khuyến nông cộng đồng.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, đã thành lập thí điểm 8 tổ khuyến nông cộng đồng với 42 thành viên. Sau thời gian thực hiện thí điểm, các tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững đã cơ bản phát huy được vai trò của mình khi truyền tải kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ đến nông dân, tham gia vào tổ chức lại phương thức sản xuất, bổ sung kiến thức kinh tế thị trường thay vì chỉ kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt.

Phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên - Ảnh 3.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trả lời các câu hỏi đại biểu đặt ra tại diễn đàn.

Tuy nhiên, tại diễn đàn các đại biểu đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của tổ khuyến nông cộng đồng hiện nay như: Công tác đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ khuyến nông một số nơi chưa thường xuyên; Một số tổ chức khuyến nông cộng đồng sau thành lập hoạt động chưa hiệu quả do thiếu kinh phí; Tổ khuyến nông cộng đồng không có dấu pháp nhân, dẫn đến gặp khó khăn trong ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng tư vấn, đào tạo…

Các đại biểu cũng đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững như: Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều kênh khác nhau giúp người dân tiếp cận được đa chiều. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác khuyến nông để thu hút người dân tham gia. Tăng cường xã hội hoá hoạt động khuyến nông nhằm kêu gọi nguồn lực của xã hội chung tay trong hoạt động khuyến nông nói chung và tổ khuyến nông cộng đồng nói riêng…

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng các nội dung liên quan đến kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và thông tin thị trường.

Phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên - Ảnh 4.

Lễ ký kết hợp tác hoạt động giữa tổ khuyến nông cộng đồng, doanh nghiệp và hợp tác xã.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến, hoàn thiện ban hành các hướng dẫn hoạt động để tổ cộng đồng khuyến nông hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo ông Thanh, việc xây dựng và đưa vào hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng là chưa có tiền lệ, chưa có mô hình mẫu. Khuyến nông các tỉnh cần nghiên cứu, vận dụng, xây dựng những nguyên tắc hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng dựa trên nguyên tắc chung và thực tiễn của địa phương, bám sát nhu cầu sản xuất và yêu cầu của doanh nghiệp. 

Ngoài ra, tổ khuyến nông cộng đồng cần bám sát tình hình thực tiễn của từng chuỗi ngành hàng để tìm ra hướng đi phù hợp, năng động, sáng tạo, đồng hành cùng nông dân.

Tại diễn đàn, đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác hoạt động giữa 7 hợp tác xã với tổ khuyến nông cộng đồng và doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem