Đắk Lắk đang có bao nhiêu nông sản đạt sản phẩm OCOP, đã có sản phẩm nào đạt 5 sao chưa?

Ngọc Giàu Thứ năm, ngày 17/11/2022 11:41 AM (GMT+7)
Để xây dựng những mặt hàng nông sản chủ lực, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân.
Bình luận 0

Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ama Thuột (ở tổ dân phố 9, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu kinh doanh 2 mặt hàng là cà phê rang xay và mật ong.

Bà Trần Thị Hòa, đại diện công ty cho biết, để có vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng ổn định thì đơn vị đã ký hợp đồng liên kết với 20 trại ong và 10 hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Ea H'leo. Các hộ liên kết sẽ được trợ giá thu mua cao hơn thị trường từ 3.000 - 4.000 đồng/kg cà phê nhân và 10.000 - 20.000 đồng/lít mật ong nuôi lấy mật từ hoa cà phê.

Ngoài ra, quy trình sản xuất, thu hoạch nông sản đều được kỹ thuật viên của công ty giám sát, hướng dẫn cụ thể, bảo đảm tính khoa học, tối ưu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm OCOP: Nâng cao giá trị nông sản cho Đắk Lắk - Ảnh 1.

Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ama Thuột giới thiệu về sản phẩm cà phê OCOP cho khách hàng

Theo bà Hòa, đầu năm 2022, 2 sản phẩm của công ty là Cà phê rang xay Ama Thuột và Mật ong hoa cà phê Ama Thuột đã được đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được địa phương hỗ trợ, hướng dẫn thiết kế bao bì, nhãn mác, mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều khách hàng trong và ngoài nước đã biết đến sản phẩm, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Mỗi tháng, doanh thu của công ty ước đạt hơn 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, sau gần 6 năm dấn thân với cà phê hữu cơ, thương hiệu Cà phê Vương Thành Công (của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công) đã định vị được thương hiệu của mình qua cuộc xếp hạng sản phẩm OCOP của Đắk Lắk, với số sao đạt được cao nhất: 4 sao (sản phẩm cà phê mộc).

Sản phẩm OCOP: Nâng cao giá trị nông sản cho Đắk Lắk - Ảnh 2.

Quy trình sản xuất các sản phẩm từ cây cà phê của Công ty Vương Thành Công

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (gọi tắt là Công ty Vương Thành Công) chia sẻ, vì muốn tạo ra sản phẩm cà phê tốt cho sức khỏe cộng đồng nên công ty đã lựa chọn cà phê hữu cơ để phát triển và định vị sản phẩm của mình trong vô vàn sản phẩm cà phê rang xay trên thị trường. Lý do là bởi, cà phê hữu cơ không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và những kim loại nặng gây hại sức khỏe người dùng, đồng thời tạo ra cà phê có hương vị khác biệt so với cà phê thông thường, nếu phát triển thành công sẽ mang lại lợi nhuận rất cao cho nông dân.

Theo ông Vương, để xây dựng được vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ, công ty đã đi tìm các vườn có thổ nhưỡng tốt, nông dân mạnh dạn thay đổi phương pháp canh tác để liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân quy trình canh tác cà phê hữu cơ ở tất cả các khâu, từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch, sơ chế.

Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn đều được công ty bao tiêu với giá cao hơn cà phê canh tác thông thường khoảng 40%. Hiện nay, công ty đã liên kết với 13 hộ dân, 2 hợp tác xã với tổng diện tích 65 ha.

Sản phẩm OCOP: Nâng cao giá trị nông sản cho Đắk Lắk - Ảnh 3.

Các sản phẩm làm từ cà phê của Công ty Vương Thành Công

Bên cạnh những dòng cà phê mộc rang xay dành cho pha máy và pha phin, ông Vương cho hay, công ty còn chế biển các sản phẩm khác làm từ cà phê, như: cà phê hòa tan sấy lạnh, rượu vang cà phê, trà cascara (làm từ vỏ cà phê hữu cơ chín), trà hoa cà phê, cà phê làm đẹp từ cà phê hữu cơ… được thị trường đón nhận.

Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận 72 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (8 sản phẩm đạt 4 sao, 64 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí, nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay, để sản phẩm OCOP đáp ứng được các yêu cầu thị trường thì nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ về trang thiết bị để phục vụ sản xuất hay hỗ trợ cả về kết cấu hạ tầng của các cơ sở sản xuất, hỗ trợ đào tạo tập huấn. Bên cạnh đó là hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, kinh phí xây dựng nhãn mác... Đó là những vấn đề trong chương trình OCOP giai đoạn đến đã xác định và đang tập trung để hỗ trợ cho các chủ thể để hoạt động hiệu quả hơn.

Được biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Đề án sản phẩm OCOP của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến 2030. Trong đó, đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, có ít nhất 200 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; đến 2030 toàn tỉnh sẽ có 300 sản phẩm OCOP; có ít nhất 150 chủ thể kinh tế tham gia OCOP. Các sản phẩm phải nâng dần chất lượng, nâng hạng sao và tiếp cận nhiều hơn đến thị trường trong và ngoài nước để mang lại hiệu quả thiết thực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem