Đắk Lắk: Nhiều nhà hàng, quán cà phê tại TP.Buôn Ma Thuột 'đắp chiếu' trong mùa dịch Covid-19
Là một trong những đô thị nhộn nhịp nhất Tây Nguyên, TP.Buôn Ma Thuột cũng không tránh khỏi ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Đến nay, toàn TP.Buôn Ma Thuột vẫn đang thực hiện đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lần thứ hai. Hiện số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn tăng lên từng ngày, nhiều nhà hàng, quán cà phê, karaoke vì thế phải tạm "đắp chiếu ngủ đông".
Đường Nguyễn Khuyến (P.Tân Lợi) từng là con đường rộn ràng bậc nhất TP.Buôn Ma Thuột với nhiều nhà hàng, quán cà phê,… Tuy nhiên, trong dịch Covid-19 con đường này vì thế mang vẻ ngoài hẩm hiu, khác hẳn thường thấy.
Trước sân nhiều quán xá là những bụi bặm, lá cây vì lâu này không mở cửa, không ai dọn dẹp. Đến tối, những bảng hiệu ngập tràn sắc màu cũng đã tắt hẳn.
Một chủ nhà hàng trên đường Nguyễn Khuyến chia sẻ: "Quán tôi đã đóng cửa hơn một tháng nay, từ khi có văn bản dừng các hoạt động nhà hàng. Trước đây, thực hiện Chỉ thị 15, quán vẫn được phép bán mang về nên vẫn còn người mua, nhưng nay thực hiện Chỉ thị 16 nên chúng tôi đóng cửa hẳn. Chỉ mong mọi người chấp hành tốt những quy định của Nhà nước đề ra để chúng ta có thể sớm kiểm soát được dịch bệnh chứ với đà này, đóng cửa thêm vài tháng nữa gia đình tôi cũng không biết lấy gì để sống. Quán thì đóng nhưng lãi ngân hàng vài chục triệu, tiền mặt bằng vài chục triệu chúng tôi vẫn phải trả đều đều mỗi tháng, …".
Trong khi đó, từ đầu tháng 5/2021, karaoke, club, rạp chiếu phim, khu vui chơi trẻ em,…là những loại hình dịch vụ được yêu cầu ngừng hoạt động sớm nhất. Tính đến nay, loại hình dịch vụ này đã ngừng được khoảng 4 tháng. Theo nhiều chủ quán karaoke, club, rạp chiếu phim, khu vui chơi trẻ em,… nhiều tháng nay vì không thể kinh doanh, không có nguồn thu nhập nên phải tạm cho một số lượng lớn nhân viên nghỉ việc, một số khác vẫn cố gắng duy trì số nhân viên ổn định nhưng tiền lương đã bị cắt đi đáng kể, thêm đó, không có việc gì làm, từ đầu mùa dịch nhiều nhân viên đi làm xa nhà đã về quê hết.
"Đã hai năm công việc làm ăn của chúng tôi bấp bênh, do dịch bệnh mà quán lúc đóng lúc mở, khách hàng cũng giảm đi nhiều. Chúng tôi buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh nhưng mỗi tháng vẫn phải chi trả tiền mặt bằng, tiền điện, tiền lương nhân viên,…nên rất khó khăn. Số lượng lớn nhân viên đã được cho tạm nghỉ để về quê, chỉ còn lại bảo vệ vẫn phải ở lại để bảo vệ cơ sở vật chất quán. Thời gian đóng cửa quán thì ngày càng dài nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang rất căng thẳng. Mong sao nhà nước có một số chính sách liên quan đến thuế, giảm giá mặt bằng, lãi ngân hàng,… để cùng chúng tôi vượt qua mùa dịch này", một chủ quán karaoke xúc động chia sẻ.