Đắk Nông: Nuôi cá lồng ven sông Krông Nô, vừa nuôi vừa run, miếng ăn tới miệng có khi còn mất

Duy Hậu Thứ năm, ngày 18/03/2021 19:22 PM (GMT+7)
Những năm qua, nghề nuôi cá lồng dưới hạ du thủy điện dọc sông Krông Nô mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân Đắk Nông. Nhưng những rủi ro mà người dân đối mặt cũng không hề nhỏ. Người dân và cả chính quyền đề mong có một lá "bùa hộ mệnh" để khai thác hết tiềm năng từ vùng hạ du này.
Bình luận 0

Nuôi cá lồng ven sông, trắng tay sau một đêm

Cuối năm 2020, chỉ một trận lũ đi qua, người dân nuôi cá lồng dưới hạ du thủy điện thuộc hai huyện Krông Nô và Cư Jút của tỉnh Đắk Nông đã mất hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng gia đình bà Nguyễn Thị Hoan, ở tổ dân phố 7, thị trấn Cư Jút, huyện Cư Jút đã mất khoảng 5 tỷ đồng.

Người dân nuôi cá lồng dưới hạ du thủy điện mong có "bùa hộ mệnh" - Ảnh 1.

20 lồng cá trị giá khoảng 5 tỷ đồng của gia đình bà Hoan mất sạch sau trận lũ cuối năm 2020.

"Tôi có 12 lồng cá lăng nha đuôi đỏ, mỗi lồng 600 con đã nuôi được 3 năm. Trong đó có 2 lồng cá lăng nha đuôi đỏ giống nuôi được 1 năm, 2 lồng cá trắm nuôi được 3 năm và 2 lồng cá trê và cá rô phi. Thế nhưng trận lũ vào cuối tháng 12/2020 đã cuốn sạch tất cả. Chỉ tính riêng tiền cá, gia đình tôi đã thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng"- bà Hoan cho biết.

Người dân nuôi cá lồng dưới hạ du thủy điện mong có "bùa hộ mệnh" - Ảnh 2.

Nghề nuôi cá lồng dưới hạ du thủy điện ở Đắk Nông cho thấy tiềm năng kinh tế rất lớn.

Khu vực gần nơi bà Hoan nuôi cá cũng có nhiều hộ dân lâm vào cảnh tương tự. Chỉ sau một đêm, họ từ "tỷ phú" đã trở thành tay trắng. Những lồng cá trị giá hàng trăm triệu đồng bị cuốn phăng xuống sông. 

Đối với bà Hoan cũng như nhiều gia đình khác, các lồng bè cá gần như là tất cả những gì họ gom góp được. Thế nhưng miếng ăn tới miệng đã bị ông trời hất đổ.

Tại huyện Krông Nô, cũng sau trận lũ cuối năm 2020 đã làm người dân mất trắng khoảng 170 lồng cá, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. 

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, trong đợt lũ này, người dân nuôi cá lồng bè bị thiệt hại đã được tỉnh hỗ trợ 2,7 tỷ đồng. Số tiền này thực ra chỉ mang tính động viên để người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống trước mắt chứ không thấm vào đâu so với những mất mát quá lớn của họ.

Dân tha thiết có "bùa hộ mệnh"

Tại Bình Giang, xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô), nhiều năm qua gia đình ông Phạm Văn Thành khấm khá lên nhờ nuôi cá lồng. Hơn 20 năm sống ở vùng đất này, ông Thành đã thử qua nhiều nghề, nuôi trồng nhiều thứ nhưng chỉ có việc nuôi cá lồng mới giúp gia đình ông có cái ăn, cái để.

Người dân nuôi cá lồng dưới hạ du thủy điện mong có "bùa hộ mệnh" - Ảnh 3.

Nhiều năm qua, nghề nuôi cá lồng đã giúp hàng trăm gia đình ở Đắk Nông có cuộc sống kinh tế ổn định.

Ông Thành cho biết, cách đây gần 10 năm, gia đình ông làm lồng nuôi cá diêu hồng trên sông Krông Nô. Chỉ với khoảng 30-40 triệu đầu tư, ông đã có từ 8-10 tấn cá thịt/năm. 

Không chỉ thế, cá diêu hồng nuôi trên sông phát triển nhanh hơn so với nuôi trong ao, hồ, chất lượng cá cũng tốt hơn. Lồng cá đầu tư một lần có thể sử dụng được nhiều năm, chỉ sửa chữa lặt vặt như lưới, dây buộc...

Ở Buôn Choáh, không chỉ gia đình ông Thành mà rất nhiều người dân có kinh tế khá giả nhờ nghề nuôi cá lồng. Lãnh đạo xã này cho hay, toàn xã có khoảng 200 lồng cá, năng suất mỗi năm khoảng 2.000 tấn cá. Do chất lượng cá ở đây rất đảm bảo nên thương lái đến tận nơi để thu mua.

Người dân nuôi cá lồng dưới hạ du thủy điện mong có "bùa hộ mệnh" - Ảnh 4.

Mỗi lồng cá người dân chỉ đầu tư từ 30-40 triệu đồng và dùng được nhiểu năm chỉ sửa chữa nhỏ.

Tại nhiều xã khác của huyện Krông Nô như Đức Xuyên, Nâm N’đir…, nơi có sông Krông Nô đi qua, nghề nuôi trồng thủy sản cũng phát triển mạnh, cho thấy vùng hạ lưu thủy điện này có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản.

Thế nhưng trên thực tế, hầu hết người dân nuôi cá ở đây đều tự phát. Ông Thành cho biết, người dân nuôi cá trên sông nhưng chưa được cơ quan chức năng nào cho phép. 

"Nhiều lần tôi lên chính quyền nhờ hướng dẫn thủ tục thuê mặt nước để nuôi cá, nhưng chưa được. Do đó, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh thiệt hại cũng chẳng biết kêu ai. Chúng tôi rất mong cấp trên xem xét để việc nuôi cá của chúng tôi trở nên bài bản, đúng theo quy định"- ông Thành nói.

Ông Doãn Gia Lộc khẳng định, nghề nuôi cá lồng trên sông Krông Nô là một tiềm năng kinh tế không nhỏ đối với địa phương. Nhưng những rủi ro mà người dân gặp phải cũng không ít. 

Những năm qua, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo nông dân nên canh thời vụ để làm sao thu cá lồng trước mùa mưa bão. 

Tuy nhiên, do mùa mưa rơi vào thời điểm cuối năm - lúc này nhu cầu thị trường tăng mạnh nên người dân muốn kéo dài thời gian thu hoạch cá đến cận Tết nhằm tăng thêm thu nhập. Do đó, không chỉ trận lũ cuối năm 2020 mà nhiều năm trước, người dân nuôi cá lồng ở địa phương cũng đã bị thiệt hại.

Tuy nhiên, do hầu hết người dân đều tự phát nên khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, chính quyền rất khó để hỗ trợ. Trong trận lũ cuối năm 2020, số tiền mà người dân được nhận hỗ trợ là tiền vận động chứ không phải ngân sách của địa phương.

Về việc cấp phép cho người dân nuôi cá lồng trên sông, ông Ngô Xuân Đông - Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, thời gian qua, chính quyền nhận rất nhiều đơn kiến nghị của tổ chức, cá nhân tha thiết xin được cấp phép.

Tuy nhiên, đây là việc không hề đơn giản. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý nhưng chưa có kết quả. Một phần do việc nuôi cá trên sông liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như môi trường, giao thông…một phần sông Krông Nô lại nằm trên ranh giới của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

"UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị lên các sở, ban, ngành có liên quan, nhưng do một số vướng mắc nên tới nay vẫn chưa được giải quyết. Huyện rất mong được UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn để sớm được khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn từ diện tích mặt nước sông Krông Nô"- ông Đông nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem