Đạm Cà Mau: Triết lý kinh doanh gắn với lợi ích nhà nông, lợi nhuận 6 tháng đạt gần 330 tỷ đồng

Phượng Vỹ Thứ bảy, ngày 25/07/2020 05:07 AM (GMT+7)
Khép lại quý I, II/2020, dù tình hình vô cùng bất lợi do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và tình trạng hạn hán xâm nhập mặn phức tạp ngay tại thị trường trọng điểm, nhưng bằng nỗ lực vượt bậc, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - HOSE:DCM) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu quan trọng.
Bình luận 0

PVCFC giữ vững vị thế là doanh nghiệp đang nằm trong chiếm lĩnh top đầu thị trường phân bón trong nước hiện nay.

Sức mạnh nội lực

Được biết 6 tháng đầu năm 2020, kết quả kinh doanh khả quan đã góp phần giúp thị giá cổ phiếu DCM tăng trên 50%; hoạt động tiêu thụ hàng tự doanh và các sản phẩm mới khác cũng được đẩy mạnh, tăng sản lượng tiêu thụ, giảm hàng tồn kho trong điều kiện diện tích canh tác trong nước bị thu hẹp bằng cách xuất khẩu trên 30.000 tấn urê sang các thị trường tiềm năng, lợi nhuận của công ty vẫn vượt cao so với kế hoạch. Ngoài ra, một số dự án PVCFC đang đầu tư cũng đã đi vào quỹ đạo, tiến độ được kiểm soát.

Nguyên nhân thứ nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu giảm sâu nên giá khí cũng giảm, bình quân bằng khoảng 80% giá kế hoạch, dẫn đến chi phí vốn trong kỳ thấp.

Thứ hai, dịch Covid-19 khiến giá lúa gạo, nông sản, thực phẩm tăng, tạo động lực cho nông dân một số vùng không bị ảnh hưởng hạn mặn quay trở lại canh tác lúa gạo, lượng tiêu thụ urê vẫn duy trì không kém hơn những năm trước.

Triết lý kinh doanh gắn với lợi ích nhà nông - Ảnh 1.

Cán bộ kỹ thuật của Đạm Cà Mau trao đổi với nông dân về giải pháp sản xuất ứng phó hạn mặn. Ảnh: P.V

Thứ ba, nhờ nguồn cung cấp khí ổn định, nhà máy Đạm Cà Mau duy trì sản xuất ở công suất 110%, ổn định, an toàn; bên cạnh đó là đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản trị doanh nghiệp, tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng…

Nhưng đặc biệt hơn cả, không thể không kể đến yếu tố nội lực là tập thể cán bộ nhân viên - người lao động của công ty. Đội ngũ nhân sự PVCFC hiện nay đã trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả cả về năng lực lẫn kinh nghiệm. Năm 2019, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa hoạt động sản xuất do đội ngũ cán bộ nhân viên - người lao động PVCFC đóng góp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho công ty lên tới 173 tỷ đồng, đạt tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận năm. Hiệu quả của những sáng kiến đó dự kiến sẽ vẫn tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong năm nay và những năm tới.

Yếu tố cuối cùng là nhờ công tác quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Công nghệ kỹ thuật số được đưa vào ứng dụng ngày càng sâu vào việc vận hành các hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP), hệ thống quản lý kênh phân phối (DMS), xây dựng kho dữ liệu khách hàng…

Tất cả những yếu tố trên đã mang lại lợi nhuận vượt bậc của quý I và dự kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Đạm Cà Mau khả năng đạt xấp xỉ 330 tỷ đồng, vượt rất xa so với kế hoạch cả năm đã được phê duyệt là 54 tỷ đồng.

Kiên trì triết lý kinh doanh

Cuối năm 2019, Ban lãnh đạo PVCFC đã xây dựng và trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kế hoạch chiến lược phát triển 5 năm, tầm nhìn 10 năm tiếp theo; dự kiến năm 2025 tổng doanh thu sẽ đạt mức 15 nghìn tỷ đồng. 

Trong đó mục tiêu trọng tâm của Đạm Cà Mau trong giai đoạn này là tiếp tục các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa sản xuất; sau khi thực hiện bảo dưỡng tổng thể năm 2021 nghiên cứu nâng công suất xưởng urê lên 115% so với thiết kế; trước năm 2023 tìm được nguồn nguyên liệu thay thế nguồn khí PM3-CAA như LNG, Biomass, Lô B...; phát triển bộ sản phẩm phân bón ngoài urê đáp ứng theo yêu cầu của thị trường như NPK, phân bón hữu cơ vi sinh…

Triết lý kinh doanh của Đạm Cà Mau là đem đến những giải pháp dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp và cho bà con nông dân. Xuất phát từ triết lý này, trong quá trình duy trì và phát triển thị trường, Đạm Cà Mau luôn hướng đến việc nâng cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm; tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới phù hợp, hiệu quả hơn trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ với đối tượng cây trồng mà còn ứng phó được với điều kiện hạn mặn, những thách thức về thời tiết, hướng đến cung ứng nguồn phân bón dinh dưỡng chất lượng, tốt cho đất, xanh cho cây, an toàn về môi trường, lợi cho người nông dân và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Song song đó, Đạm Cà Mau luôn đồng hành cùng bà con trong các chương trình xúc tiến thương mại bằng cách nghiên cứu những nhu cầu cấp thiết, thiết thực của bà con nông dân để hỗ trợ. 

Hiện tại, Đạm Cà Mau cũng đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức một loạt hội thảo nghiên cứu giải pháp ứng phó với điều kiện hạn mặn ở ĐBSCL và các vùng duyên hải. Chú trọng thực hiện những hoạt động đáp ứng nhu cầu thiết thực của bà con nông dân mới chính là triết lý kinh doanh mang tính lâu dài, mang đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem