Dân Ấn Độ biểu tình chống cải cách nông nghiệp, quan chức lo kinh tế tê liệt

23/12/2020 09:36 GMT+7
Một quan chức chính phủ Ấn Độ trả lời tờ CNBC cho hay ông quan ngại cuộc biểu tình hiện tại của nông dân Ấn Độ sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.
Dân Ấn Độ biểu tình chống cải cách nông nghiệp, quan chức lo kinh tế tê liệt - Ảnh 1.

Dân Ấn Độ biểu tình chống cải cách nông nghiệp do lo sợ tthu nhập giảm, làm không đủ bù lỗ

Hàng nghìn nông dân Ấn Độ đã biểu tình trong nhiều tuần liền để chống lại ba cải cách nông nghiệp dự kiến sắp được ban hành thành luật trong năm nay. Trong đó có dự luật cho phép nông dân tự do bán nông sản ra thị trường thay vì chỉ bán cho các chợ đầu mối do nhà nước quản lý. Họ cho rằng cải cách như vậy sẽ làm giảm giá nông sản do không đảm bảo mức giá tối thiểu, qua đó giảm thu nhập chung của nông dân.

Theo ông Hardeep Singh Puri, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, hạ tầng, kiêm Bộ trưởng Bộ Hàng không và Công thương Ấn Độ; các cuộc biểu tình của nông dân Ấn Độ đang làm tổn thương ngành nông nghiệp và nhiều ngành liên quan khác. “Chúng ta phải vào cuộc. Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế đang dần trở lại mức trước đại dịch. Chúng ta không nên cho phép (các cuộc biểu tình chống cải cách nông nghiệp) tiếp tục vô thời hạn - điều có thể tạo nên lực cản lớn cho các nỗ lực phục hồi nền kinh tế”.

Ông Hardeep Singh Puri bảo vệ các biện pháp cải cách nông nghiệp của chính phủ. Ông nhấn mạnh những cải cách này sẽ mang lại lợi ích cho nông dân thay vì làm giảm mức thu nhập như họ quan ngại.

Vị Bộ trưởng Bộ Kinh tế, hạ tầng, kiêm Bộ trưởng Bộ Hàng không và Công thương Ấn Độ khẳng định các biện pháp hỗ trợ giá tối thiểu vẫn sẽ được duy trì. Đây là mức giá sàn do chính phủ Ấn Độ quy định cho giá mua một số loại cây trồng nhất định để đảm bảo người dân thu về lợi nhuận tối thiểu cho vụ thu hoạch bất chấp điều kiện thị trường ra sao. Các công đoàn từng lo ngại giá chung cho các loại cây trồng có thể giảm nếu biện pháp hỗ trợ giá tối thiểu bị loại bỏ.

Đồng tình với Bộ trưởng Hardeep Singh Puri, nhiều nhà kinh tế học cũng khẳng định ngành nông nghiệp Ấn Độ cần một sự cải cách nhất định. Nông nghiệp hiện là nguồn sinh kế chính của khoảng 58% dân số Ấn Độ, nhưng chỉ đóng góp khoảng 15% vào GDP quốc gia.

Theo Cục Hồ sơ tội phạm Quốc gia Ấn Độ, gần 10.350 nông dân và lao động nông nghiệp đã tự sát trong năm 2018 - chiếm gần 8% tổng số vụ tự tử ở quốc gia Đông Á này và trở thành vấn đề nan giải, "đau đầu" với chính phủ. Chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần tổ chức các cuộc gặp gỡ đại diện nông dân trong nỗ lực giải quyết các bất bình về cải cách nông nghiệp. Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi đã cố gắng đảm bảo với nông dân rằng những thay đổi sẽ mang lại cho họ những cơ hội mới nhưng đã không thuyết phục được đám đông. Nhiều vòng đàm phán đã thất bại.

“Dù vấn đề có nghiêm trọng đến đâu, luôn có cách giải quyết cho nó. Chính phủ cam kết sẽ tìm ra giải pháp. Tôi chắc rằng những người nông dân - bộ phận chủ lực trong xã hội Ấn Độ - sẽ ngồi lại với chính phủ để tìm ra một hướng đi cho tương lai” - ông Hardeep Singh Puri nhấn mạnh.

Các cuộc biểu tình của nông dân Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang quay cuồng vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Ấn Độ đã chứng kiến GDP giảm tốc kỷ lục -23,9% trong quý II năm nay sau đợi đóng cửa quốc gia nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan đại dịch. Đến quý III, GDP Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng -7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế Ấn Độ có nguy cơ giảm tốc -10,3% trong năm tài chính 3/2020-3/2021 khi nước này trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Á.


NTTD
Cùng chuyên mục