Hà Nam: Đan đồ đẹp từ thứ cây dại xưa toàn vứt đi, nhiều người ngồi nhà vẫn tranh thủ kiếm ra tiền

Thứ ba, ngày 12/04/2022 13:00 PM (GMT+7)
Tháng 2/2021, nhờ có mối quan hệ với Công ty Quang Minh (Ninh Bình) – công ty chuyên về các sản phẩm mỹ nghệ, đan lát từ mây giang đan, từ bèo tây (còn gọi là lục bình)... chị Đinh Thị Thọ, thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã quyết định nghiên cứu, học hỏi, đưa nghề đan bèo tây về địa phương.
Bình luận 0

Sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, đến thời điểm này, nghề đan bèo tây đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 25-30 lao động nữ, độ tuổi từ trên 50 đến 80 ở thôn Đồng Ao với mức thu nhập từ 1 đến hơn 2 triệu đồng/người/tháng. 

Các sản phẩm làm từ bèo tây rất đa dạng về mẫu mã: Đó là những chiếc giỏ, chiếc sọt, chiếc khay... thân thiện với môi trường, được xuất khẩu ra nước ngoài.   

Hà Nam: Đan đồ đẹp từ thứ cây dại xưa toàn vứt đi, nhiều người ngồi nhà vẫn tranh thủ kiếm ra tiền - Ảnh 1.

Sản phẩm từ bèo tây khô đã được hoàn thiện.

Nói về quyết định đưa nghề mới về địa phương, chị Đinh Thị Thọ cho biết: Năm 2020 tôi bắt đầu tham gia Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ (HPN) thôn Đồng Ao. Qua các buổi họp thôn, họp chi HPN tôi biết số lượng hội viên phụ nữ trên 50 tuổi ở thôn Đồng Ao không có việc làm, nhất là thời điểm nông nhàn khá nhiều. 

Ở độ tuổi này, chị em khó có thể xin việc làm ở các công ty, doanh nghiệp. Sức khỏe còn nhưng chị em chỉ ở nhà lo công việc đồng áng, trông cháu, cơm nước... Nhiều chị em hội viên mong có việc làm thêm để nâng cao thu nhập. B

iết được mong muốn, nguyện vọng của chị em hội viên, nhưng trước khi đưa nghề mới về địa phương tôi cũng lo lắng lắm, tôi luôn trăn trở suy nghĩ: Không biết chị em có đồng hành cùng mình, có sẵn sàng đón nhận nghề mới không? Tuy nghề mới học làm rất đơn giản (người trẻ, người nhanh chỉ cần hướng dẫn vài tiếng đồng hồ là có thể làm được), nhưng đối tượng lao động học nghề toàn là những người tuổi đã trên 50, không biết chị em có kiên trì, quyết tâm học và làm nghề? 

Lo lắng vậy, nhưng thật may, khi nghề mới được đưa về, nhiều chị em hội viên Chi HPN thôn Đồng Ao phấn khởi đón nhận và kiên trì học hỏi. Người nhanh chỉ học một hai ngày, người chậm từ ba đến năm ngày. Tuần đầu các bà, các cô vừa học vừa làm ngay tại nhà chị Thọ. 

Khi đã quen tay, mọi người nhận khung về làm tại nhà mình. Lô hàng đầu tiên chị em vừa học, vừa làm, chưa quen tay nên bện còn chậm. Để kịp đơn giao hàng, tranh thủ mọi thời gian, nhiều hôm chị phải thức làm đến 11-12 giờ đêm.  

Ngoài làm nghề, để nâng cao thu nhập, nhiều chị em còn tranh thủ đi lấy bèo tây (độ dài từ 50-60 cm) trên những con kênh, ao, sông ngòi... về phơi khô làm nguyên liệu. Giá bèo khô được tính từ 35-36 nghìn đồng/kg. Nghề mới đan bèo tây ngày công tuy không cao nhưng phù hợp với mọi lứa tuổi, lại không độc hại. 

Hằng ngày, chị em vẫn trông cháu, đi chợ, làm việc nhà, đồng thời vẫn tranh thủ thời gian rỗi để làm nghề, có thêm thu nhập. Được biết, ngoài thôn Đồng Ao, hiện hội viên ở một số chi HPN của xã Thanh Thủy cũng đang mong muốn được truyền nghề, học nghề, làm nghề để có thêm thu nhập. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, những ngày đầu tháng 8 chị chưa thể thuê xe đi lấy nguyên liệu. Mới nghỉ khoảng chục ngày nhưng nhiều chị em hội viên sốt ruột gọi hỏi chị bao giờ mới có nguyên liệu làm hàng?

Là một trong những lao động gắn bó với nghề mới ngay từ những ngày đầu tiên, bà Nguyễn Thị Thao, 80 tuổi, thôn Đồng Ao cười chia sẻ: Nghề đan bèo tây không khó, tôi năm nay đã 80 tuổi, mắt mờ, chân tay chậm nhưng cũng chỉ học ba ngày là làm được. Ngày công tuy không cao, nhưng “năng nhặt chặt bị”, tranh thủ mọi thời gian rỗi tôi làm thêm, mỗi tháng cũng được khoảng một triệu đồng. 

Ở nông thôn có việc làm thêm là mừng rồi, như vậy là có nguồn thu để trang trải cuộc sống hằng ngày. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mấy hôm nay không có nguyên liệu, đang làm quen tay, giờ hết việc chơi cũng thấy chán. Giờ chúng tôi chỉ mong dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát để có việc làm. 

Trao đổi về hướng phát triển nghề mới trong thời gian tới, chị Đinh Thị Thọ bộc bạch: Lợi nhuận của nghề đan bèo tây không cao. Tuy nhiên, nghề mới thực sự giúp chị em hội viên cao tuổi có việc làm thêm, có nguồn thu nhập, với tôi, đây cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc. 

Thời gian tới, tôi mong được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng, phát triển nghề nhằm tạo việc làm thêm cho nhiều lao động nữ cao tuổi ở các chi HPN khác trên địa bàn xã. Đặc biệt, mong sao dịch bệnh Covid - 19 nhanh chóng được kiểm soát để nguồn hàng được vận chuyển thông suốt, bảo đảm việc làm thường xuyên, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của hội viên nữ cao tuổi trên địa bàn. 

Vĩnh Linh (Báo Hà Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem