dd/mm/yyyy

Đàn gà tiến vua, gà "chân voi" được bảo vệ thế nào trước dịch cúm?

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà Hồ đặc sản tiến vua, gà "chân voi" Đông Tảo trước dịch cúm gia cầm, vào những ngày này, người dân tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đang gấp rút tiến hành phun, rắc vôi khử trùng, tiêm vaccine và tích cực che chắn bảo vệ đàn vật nuôi của mình.

Túc trực 24/24 giờ

Là địa phương tiếp giáp tương đối gần với 2 ổ dịch cúm A/H5N6, thời điểm này ông Nguyễn Đăng Chung - Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà hồ Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đang tất bật với công việc chăm sóc những con gà Hồ - giống gà đặc sản trước đây được dùng để tiến vua của gia đình.

Thay vì thả rông gà như mọi ngày, thời điểm này ông Chung đã đưa các con gà "tiến vua" của gia đình vào khu chuồng có ngăn lưới nhỏ. Theo đó, hằng ngày vợ chồng ông thay nhau ngâm ủ thóc mầm phục vụ đàn vật nuôi của mình.

 
Đàn gà tiến vua, gà "chân voi" được bảo vệ thế nào trước dịch cúm? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Chung bỏ thóc mầm chăm sóc đàn gà tại chuồng trại của gia đình ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: Hải Đăng


"Trong thời gian này, các thành viên của CLB và HTX chăn nuôi gà Hồ đã vận động bà con kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm vào làng, mọi người cũng tạm thời ngừng việc mua bán, trao đổi và không cho người ngoài vào các khu vực chăn nuôi để tránh lây lan dịch cúm cho đàn gà Hồ”.

Ông Nguyễn Đăng Chung

Hôm chúng tôi đến thăm trang trại nhà ông Chung và ngỏ ý xin vào chuồng trại thăm quan, chụp ảnh đàn gà, ông Chung vội ngăn lại và bảo: "Các chú thông cảm, ngày thường thì không sao nhưng thời điểm này người ngoài không ra vào chuồng được".

Vừa nói ông Chung hướng dẫn chúng tôi tìm hướng đưa ống kính máy ảnh để chụp hình đàn gà "tiến vua" qua hàng rào lưới xung quanh chuồng. "Những ngày dịch bệnh phức tạp, chúng tôi phải triển khai biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập” may ra mới đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi được"- ông Chung nói.

Không chỉ hộ nhà ông Chung mà các hộ chăn nuôi khác ở làng nuôi con đặc sản này cũng đều đoàn kết cùng nhau bảo vệ đàn gà bằng mọi giá. Bên cạnh các biện pháp phun sát trùng, đến giờ đàn gà lớn, nhỏ trong làng Lạc Thổ đều đã được tiêm phòng vaccine cẩn thận.

Bên cạnh đó, các cán bộ trong HTX và Hội Chăn nuôi gà Hồ do ông Chung đứng đầu cũng luôn túc trực 24/24 giờ để tuyên truyền, phổ biến kiến thức và hỗ trợ người dân trong công tác phòng bệnh và bảo đảm sức khỏe, chất lượng tốt nhất cho đàn gà đặc sản của địa phương nhằm duy trì thu nhập, cũng như đáp ứng đủ sản phẩm cho khách hàng.

Theo ông Chung, hiện đàn gà đặc sản của làng còn khoảng gần 3.000 con (gồm cả gà giống và gà thương phẩm, gà bố mẹ) với 37 hộ chăn nuôi truyền thống và chuyên nghiệp. Trong đó, hộ nuôi nhiều nhất khoảng 300 con, còn lại trung bình mỗi hộ nuôi trên dưới 100 con.

Dù là giống gà quý, giá trị và chất lượng thịt thương phẩm rất cao nhưng nhiều năm nay, người dân ở đây đều thống nhất giữ giá bán gà khoảng trên dưới 400.000 - 500.000 đồng/kg, tùy loại. "Tết Nguyên đán vừa qua khách mua gà rất nhiều, bà con trong làng "cháy hàng" nhưng chúng tôi vẫn quyết giữ giá bán để làm thương hiệu và duy trì chăn nuôi bền vững"- ông Chung chia sẻ.

 
Đàn gà tiến vua, gà "chân voi" được bảo vệ thế nào trước dịch cúm? - Ảnh 2.

Những ngày này đàn gà đặc sản của gia đình ông Chung và bà con ở Lạc Thổ được nuôi, bảo vệ trong khu vực chuồng, rào lưới. Ảnh: Hải Đăng


Do việc nhân giống tự nhiên gặp khó khăn, thời gian gần đây các hộ chăn nuôi gà Hồ ở Lạc Thổ đã đầu tư áp dụng thêm các công nghệ trong việc thụ tinh nhân tạo và đưa lò ấp trứng hiện đại về phục vụ việc bảo tồn và nhân giống gà quý của quê hương. Nhờ vậy, công việc chăn nuôi của bà con ở đây ngày càng thuận lợi và có thu nhập cao hơn trước.

Cũng là hộ nuôi khá nhiều gà Hồ, anh Nguyễn Minh Trường ở Lạc Thổ đang tập trung vệ sinh chuồng trại, vây thêm rào lưới xung quanh chuồng để tránh chuột ra vào làm lây nhiễm dịch cho đàn gà quý của gia đình.

"Đàn gà không chỉ là nguồn thu chính của gia đình mà còn liên quan đến việc phát triển thương hiệu làng nghề truyền thống của quê hương nên bằng mọi giá chúng tôi sẽ bảo vệ, chăm sóc đàn gà tiến vua thật tốt"- anh Trường khẳng định.

Tự tin bảo vệ đàn gà "chân voi" Đông Tảo 

Thời điểm này, tại các làng nuôi gà "tiến vua" ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), bà con cũng đang tích cực che chắn chuồng trại, bổ sung thêm các thức ăn bổ dưỡng đảm bảo sức khỏe cho đàn gà.

Anh Lê Quang Thắng - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo cho biết, người dân chăn nuôi gà đặc sản ở Đông Tảo luôn chủ động phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, chứ không phải cứ đến lúc có dịch bệnh xảy ra ở một số nơi mới làm.

 
Đàn gà tiến vua, gà "chân voi" được bảo vệ thế nào trước dịch cúm? - Ảnh 3.

Anh Lê Quang Thắng kiểm tra sức khỏe đàn gà Đông Tảo tại trại của gia đình. Ảnh: Hải Đăng


"Mấy năm gần đây, các hộ nuôi gà ở Đông Tảo đã tiến hành chuyển đổi dần sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, từ nguồn nước đến thức ăn, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại... luôn được mọi người chú ý thực hiện đúng quy trình, đảm bảo đàn gà luôn khỏe mạnh"- anh Thắng nói.

Theo anh Thắng, để nuôi được các con gà Đông Tảo có chất lượng tốt nhất phục vụ cho các "thượng đế", người dân ở Đông Tảo luôn có bí quyết riêng. Theo đó, khâu ưu tiên hàng đầu là con giống để nuôi phải đạt chuẩn, cùng với đó, trong quá trình nuôi bà con thường tiêm phòng vaccine định kỳ 6 tháng/lần.

Thức ăn phục vụ đàn gà chủ yếu là thóc, ngô… và các thức ăn xanh. Đến khi gà được từ 1 năm tuổi trở lên, các chủ gà chọn thời điểm tỉa lông để đảm bảo tính thẩm mỹ cho các con đặc sản.

"Đặc biệt, bà con thường xuyên cho gà ra vườn chạy nhảy, nhờ đó đàn gà khoẻ mạnh, thịt gà rất săn chắc, thơm ngon, bán được giá cao”- anh Thắng tiết lộ.

Anh Thắng cho biết, dù các giống gia cầm khác luôn biến động về giá, thị trường nhưng gà Đông Tảo luôn có thị trường riêng và được khách hàng tại các thành phố lớn rất ưa chuộng, mua với giá cao từ 250.000 đồng đến trên 300.000 đồng/kg, tùy loại, có những con gà Đông Tảo loại "khủng" giá lên đến 2 - 4 triệu đồng/con.

Hải Đăng