Dân lại nhấp nhổm giá xăng dầu tăng

Bạch Dương Thứ tư, ngày 04/05/2016 16:51 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp xăng dầu cho biết, chênh lệch giá bán các mặt hàng xăng dầu so với giá cơ sở đang lên tới hơn 1.000 đồng/lít.
Bình luận 0

img

Giá xăng dầu dự báo tăng vào ngày mai

Theo đúng lịch điều chỉnh, ngày mai (5.5) sẽ đến chu kỳ 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

Số liệu cập nhật giá xăng dầu thành phẩm trong khoảng 2 tuần qua tại thị trường Singapore được Bộ Công Thương công bố cho thấy, giá xăng dầu thế giới có biến động tăng lên so với chu kỳ trước.

Giá trung bình mặt hàng xăng RON 92 tại Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam tính đến cuối tháng 4, dao động quanh mức 55-56 USD/thùng. Mức giá này cao hơn so với chu kỳ điều chỉnh giá hôm 20.4 vừa qua là khoảng 5,5 USD/thùng. Riêng những ngày gần đây, dù giảm song giá xăng RON 92 nhập khẩu vẫn ghi nhận mức trung bình 54,17 USD/thùng, tăng khoảng 7,5% so với chu kỳ tính giá trước đó (50,4 USD/thùng, được công bố trong lần điều chỉnh ngày 20.4).

Trao đổi với Dân Việt chiều nay, một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ở TP.HCM cho biết, chênh lệch giá bán các mặt hàng cả xăng lẫn dầu so với giá cơ sở đang lên tới hơn 1.000 đồng/lít song chúng tôi không dự báo được giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh ra sao vào ngày mai. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn đang bù giá cho mặt hàng xăng hơn 600 đồng/lít và trích cho dầu diesel 560 đồng/lít; trích cho dầu hỏa 878 đồng/kg nên giá xăng dầu tăng bao nhiêu ngày mai phụ thuộc rất lớn vào việc điều chỉnh quỹ này.

“Nhiều khả năng, nhà điều hành có thể thực hiện giải pháp song song là vừa dùng quỹ bình ổn vừa cho xăng tăng giá. Mức điều chỉnh giá xăng vào ngày mai có thể khoảng 400-500 đồng/lít”-doanh nghiệp này dự báo.

Tuy nhiên trước đó, không ít doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo, giá xăng bán lẻ trong nước ngày mai có thể tăng tới 1.000 đồng/lít bởi số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn dư dả nhiều cho việc tăng sử dụng quỹ để bù cho giá xăng dầu. Số dư quỹ này đã giảm từ mức gần 4.000 tỷ đồng cuối năm 2015, xuống còn hơn 2.000 tỷ vào ngày 20.4 vừa qua để bù đắp cho chênh lệch giữa giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu.

Hiện mức giá bán lẻ áp dụng đối với mặt hàng xăng RON 92 là 14.940 đồng/lít; xăng sinh học E5 14.440 đồng; dầu diesel 10.370 đồng, dầu hỏa là 8.900 đồng và dầu madút là 7.560 đồng/kg. Khép lại phiên giao dịch ngày 3.5, giá dầu thế giới đánh dấu phiên giảm giá thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh thị trường lại dấy lên quan ngại về tình trạng dư cung trên quy mô toàn cầu. Cụ thể, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Sáu giảm 1,13 USD xuống khép phiên ở mức 43,65 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Bảy cũng giảm 86 xu Mỹ xuống còn 44,97 USD/thùng. Theo nhận định của giới chuyên gia, sở dĩ dầu giảm giá trong phiên này là do giới đầu tư đang đua nhau bán tháo “vàng đen” sau khi nhận được thông tin về số liệu kinh tế Mỹ cũng như Trung Quốc kém khả quan.

Xăng dầu kêu bị thiệt vì cách tính giá cơ sở

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng phản đối cách tính giá cơ sở xăng dầu mới áp dụng của Bộ Tài chính.

Cụ thể, sau vụ việc “lỗ hổng thuế, DN xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ”, kể từ ngày 21.3.2016, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.

Theo đó, mức thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với diezel và 0% đối với dầu hỏa và madut.

Thế nhưng, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cách tính này vẫn còn bất cập. Đó là việc luôn phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân.

Hiệp hội Xăng dầu cũng nhìn nhận, cách tính này tạo sự không minh bạch cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành giá bán xăng dầu.

Để khắc phục, Hiệp hội Xăng dầu đề nghị Thủ tướng cho phép giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Bởi, mức thuế nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế là 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu. Do vậy, Hiệp hội đề nghị lấy mức thuế này để tính giá cơ sở.

Việc giảm thuế theo đề xuất của Hiệp hội Xăng dầu có thể làm giảm thu ngân sách ở khâu nhập khẩu. Do đó, Hiệp hội Xăng dầu đã “hiến kế”, cần tăng thu thuế nội địa, cụ thể là với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,...

Riêng thuế bảo vệ môi trường, Hiệp hội đề nghị tiếp tục áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường ở khâu bán ra, có nghĩa tính vào giá bán cho người tiêu dùng.

Hiện thuế nhập khẩu xăng ở thị trường ASEAN vẫn ở mức 20%, còn Hàn Quốc là 10%. ASEAN là thị trường nhập xăng dầu chủ yếu của các DN xăng dầu đầu mối Việt Nam.

(Theo Vietnamnet)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem