Dân Myanmar đổ xô đi rút tiền, dự trữ thực phẩm sau chính biến

01/02/2021 14:12 GMT+7
Người dân Myanmar đang đổ xô đến các cây ATM để rút tiền hoặc cửa hàng, siêu thị để dự trữ thực phẩm khi chính biến bất ngờ ập đến.

Nhiều phóng viên Reuters tại Myanmar đã gửi đi những tấm ảnh hàng dài người dân đứng xếp hàng trước cây ATM chờ rút tiền. Một phóng viên khác cho hay các mạng di động, dịch vụ internet ở Yangon đã không còn tín hiệu do nhà mạng ngừng hoạt động. Một số cây ATM cũng ngừng hoạt động và ngân hàng thì đóng cửa.

Trưa 1/2, tờ Reuters cho hay tại thủ đô Myanmar và thành phố Yangon, nhiều người dân đang đổ xô đến các chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hoá để dự trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm. Tình hình trái ngược với buổi sáng, khi nhiều người dân vẫn đi ăn sáng ở các con phố trung tâm và bàn tán về chính biến mà chưa có dấu hiêu hoảng loạn.

Dân Myanmar đổ xô đi rút tiền, dự trữ thực phẩm sau chính biến - Ảnh 1.

Dân Myanmar đổ xô đi rút tiền, dự trữ thực phẩm sau chính biến

Sự kiện chính biến nổ ra sáng 1/2 sau khi bà Aung San Suu Kyi và hàng loạt nhân vật cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị bắt giữ bởi lực lượng quân đội sau nhiều tuần cuộc bầu cử tháng 11/2020 bị cáo buộc là gian lận. Hiện Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền. Văn phòng Tổng thống Myanmar đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.

Vụ binh biến không chỉ làm tê liệt tạm thời mạng di động tại nhiều thành phố mà còn khiến đài truyền hình Myanmar không thể phát sóng do “lỗi kỹ thuật”.

Trước đó, Myanmar từng được coi là trường hợp hiếm hoi trong giới chính trị quốc tế khi lực lượng quân đội chủ động nhường một phần quyền lực cho các lãnh đạo dân sự và tôn trọng kết quả bầu cử năm 2015. Nhưng chỉ 5 năm sau đó, quốc gia này rơi vào khủng hoảng khi quân đội cáo buộc cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 là gian lận.

Đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn đã cáo buộc Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) gian lận bầu cử với số phiếu bị nghi ngờ gian lận lên tới 10 triệu. Nhiều đảng thiểu số khác cũng dấy lên nghi vấn tương tự, rằng cử tri của họ bị tước quyền bỏ phiếu ngay trước thềm bầu cử, dẫn đến thắng lợi áp đảo cho đảng NLD.

Cụ thể, đảng NLD giành tới gần 400 ghế, tương đương hơn 60% số ghế trong Quốc hội, chiếm áp đảo ghế. Ngoại trừ 1/4 số ghế tự động do phía quân đội nắm giữ, các Đảng còn lại chỉ thắng rất ít ghế. Đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển thân với quân đội chỉ giành được khoảng 30 ghế, một con số thấp đáng ngạc nhiên.

Nhiều nhà quan sát và phía quân đội đã chỉ trích mạnh mẽ sự thiếu minh bạch từ phía Uỷ ban bầu cử khi đóng cửa hòm phiếu ở các địa phương có người dân tộc thiểu số, khiến ít nhất 1,5 triệu cử tri mất quyền bỏ phiếu hợp lệ. 

Trước đó, khi mâu thuẫn giữa lực lượng quân đội và đảng cầm quyền NLD bùng lên vì nghi vấn gian lận phiếu bầu, các đảng thiểu số đã kêu gọi hai bên hoà giải, giải quyết khủng hoảng chính trị thông qua đối thoại để tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Cho đến nay, Myanmar ghi nhận ít nhất 140.000 ca nhiễm Covid-19 và khoảng 3.100 ca tử vong.


NTTD
Cùng chuyên mục