Dân sung túc nhờ cây thuốc quý giá nửa triệu/kg

25/01/2020 07:00 GMT+7
Mặc dù dự án trồng cây thuốc quý mới được đưa vào thử nghiệm nhưng 2 năm nay, 4 hộ dân tại xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) có cuộc sống cải thiện hơn nhờ nguồn thu nhập từ cây Khôi Nhung.

Hết thời chắt chiu từng quả trứng gà để sắm Tết

Những năm trước đây, để có đủ tiền sắm sửa đồ Tết cho gia đình, bà Ma Thị Nhu (56 tuổi, ở thôn Thắm, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) phải chắt chiu từng quả trứng gà để mang bán.

Thế nhưng, từ tháng 9/2018 trở lại đây, nhờ thu nhập từ việc trồng cây thuốc quý, cuộc sống bà Nhu và gia đình đã khấm khá hơn.

Bà Ma Thị Nhu là một trong bốn hộ gia đình trồng thử nghiệm cây Khôi Nhung tại xã Hùng Mỹ. Đây là cây dược liệu quý, không chỉ hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, kháng viêm và điều trị bệnh dị ứng với thuốc kháng sinh, mà trong quá trình điều trị, cây Khôi Nhung không gây tác dụng phụ.

Hết thời bán từng quả trứng gà để sắm Tết nhờ trồng cây thuốc quý, giá gần nửa triệu 1kg - Ảnh 1.

Đoàn chuyên gia thăm mô hình trồng cây Khôi Nhung tại gia đình bà Ma Thị Nhu, thôn Thắm, xã Hùng Mỹ vào tháng 7/2019. Ảnh: NVCC

Bà Nhu cho biết, gia đình bà hiện đang trồng khoảng 3ha cây lâu năm, một năm hai lần phải phát quang những cây dại dưới tán rừng, rất vất vả. Trong khi, nếu có một loại cây nào đó vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa tốn ít công chăm sóc thì chắc chắn, cuộc sống của người dân trong vùng sẽ khấm khá hơn. Vừa lóe lên suy nghĩa đó thì thông tin về một dự án liên kết về trồng cây dược liệu sắp "ra đời" tại địa phương, bà Nhu đã tìm hiểu, lắng nghe và tiên phong trồng thử nghiệm.

Hết thời bán từng quả trứng gà để sắm Tết nhờ trồng cây thuốc quý, giá gần nửa triệu 1kg - Ảnh 2.

Nhờ nguồn thu nhập từ cây Khôi Nhung, Tết năm nay, bà Nhu không còn phải chắt chiu từng quả trứng gà mang bán lấy tiền mua sắm Tết.

Bà Nhu cho biết: "Từ tháng 9/2018, tôi chính thức trồng thử gần 1.000 cây dưới tán rừng. Ban đầu thì rất lo lắng, lúc nào cũng canh cánh nỗi lo liệu cây Khôi Nhung có hợp với thổ nhưỡng nhà mình không, liệu mình có đủ tiềm lực mua phân bón hay không, trong khi số lượng gần 1.000 là rất lớn, chưa kể công chăm sóc. Những lo lắng cứ đau đáu trong đầu cho đến khi, những tháng đầu tiên, cứ 40 ngày tôi hái lá Khôi Nhung một lần và giá thu về là 27.000 đồng/kg lá tươi, khoảng 300.000 - 350.000 đồng/kg lá khô, tôi thấy phấn khởi".

"Tết năm nay, tôi không còn phải chắt chiu từng quả trứng gà để mang bán lấy tiền sắm Tết. Việc mua phân bón cho ruộng đồng cũng vì thế nhẹ gánh hơn", bà Nhu cho hay.

Hết thời bán từng quả trứng gà để sắm Tết nhờ trồng cây thuốc quý, giá gần nửa triệu 1kg - Ảnh 3.

Năm 2018, ông Ma Văn Toán trồng thử nghiệm 1.500 cây Khôi Nhung.

Ông Ma Văn Toán (62 tuổi) cũng tương tự. Là hộ gia đình khó khăn điển hình của thôn Thắm khi thu nhập chỉ dựa vào cây lúa, cây ngô thì năm vừa qua, thu nhập của gia đình đã ổn định hơn nhờ 1.500 cây Khôi Nhung.

Ông Toán cho biết: "Vì là dự án liên kết của một đơn vị dược ở Hà Nội nên chúng tôi rất yên tâm về nguồn ra, cứ thu hoạch bao nhiêu là hàng chuyển đi bất nhiêu".

Trồng dược liệu là hướng đi cho dân nghèo

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết: "Đây là dự án liên kết với Trung tâm Đào tạo nghề Nông nghiệp và tư vấn phát triển nông thôn (Hà Nội) trong việc cung ứng cây giống, kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi khép kín.

Tại xã Hùng Mỹ, hiện đang trồng thử nghiệm khoảng 4.000 cây Khôi Nhung giống dưới tán rừng tự nhiên, tại 4 hộ gia đình ở thôn Thắm".

Cũng theo ông Hiếu, với tổng diện tích khoảng 1.000 cây thì sản lượng thu hoạch khoảng  30 - 40kg/lần thu hoạch (40 ngày 1 lần), tương đương khoảng 300 - 350kg/năm thì doanh thu đạt từ 7.000.000 đồng - 10.000.000 đồng/năm. Trong khi, ưu điểm của việc trồng Khôi Nhung là không tốn công chăm sóc.

Hết thời bán từng quả trứng gà để sắm Tết nhờ trồng cây thuốc quý, giá gần nửa triệu 1kg - Ảnh 4.

Tại Việt Nam, cây Khôi Nhung phân bố rộng ở nhiều tỉnh như: Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Giang,..

Cũng theo ông Hiếu: "Năm vừa qua, đã có đoàn chuyên gia từ nước ngoài về địa phương thăm và khảo sát địa chất, thổ nhưỡng về việc canh tác mở rộng vùng trồng cây dược liệu này. Mặc dù quy mô hiện tại khá nhỏ lẻ, tuy nhiên, trồng dược liệu là hướng đi mới cho dân nghèo nên chúng tôi đã có kế hoạch trong năm 2020 và những năm tới đây là có phương án hỗ trợ người dân cải thiện thu nhập, bằng cách mở rộng diện tích trồng cây Khôi Nhung. Đồng thời, thành lập tổ hợp tác liên kết nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất".

Theo Trung tâm Đào tạo nghề Nông nghiệp và tư vấn phát triển nông thôn (thuộc trường Cao đẳng Nông nghiệp & PTNT Bắc Bộ), cây Khôi Nhung có đặc điểm thuộc loại cây bụi, cao khoảng 2m, mọc thẳng đứng, thân rỗng xốp, ít phân nhánh, lá mọc so le, chịu bóng, ưa độ ẩm, thường mọc dưới tán rừng nhiệt đới.

Tại Việt Nam, cây Khôi Nhung phân bố rộng ở nhiều tỉnh như: Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Nam.

Với những đặc điểm và tác dụng của cây Khôi Nhung nên hiện nay có rất nhiều gia đình trồng tại nhà để làm cây dược liệu quý cho gia đình.




Theo GĐ&XH
Cùng chuyên mục