Dân Trung Quốc tiêu thụ chậm, xuất khẩu cá tra chưa hết khó

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 28/05/2020 18:53 PM (GMT+7)
Xuất khẩu cá tra trong tháng 4/2020 đã có những tín hiệu khả quan khi nhiều thị trường đã có sự tăng trưởng dương. Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra khó thoát khỏi tăng trưởng âm trong quý II do những thị trường chính như Trung Quốc vẫn tiêu thụ chậm.
Bình luận 0

Thị trường Trung Quốc phục hồi chậm

Theo báo cáo của VASEP, tính đến hết tháng 4/2020, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá tra đạt 449,5 triệu USD, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm 2019.

 Phần lớn các thị trường XK lớn trong top 10 thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam đều giảm về giá trị, ngoại trừ XK sang Singapore tăng 12,7% và Anh tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cá tra chưa thoát cảnh “ngụp lặn”  - Ảnh 1.

Chế biến cá tra tại Công ty Caseamex Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Tính đến hết tháng 4/2020, tổng giá trị XK cá tra của cả nước đạt 449,5 triệu USD, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích nuôi mới cá tra cả nước là 777ha, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hongkong bắt đầu phục hồi và tăng trưởng trở lại sau khi các nhà máy chế biến của Trung Quốc quay trở lại làm việc. 

Tính tới hết tháng 4/2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 111,1 triệu USD, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Cho tới tháng 3-4/2020, mặc dù khách hàng Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu cá tra trở lại nhưng chủ yếu với mục đích trữ hàng.

 người dân Trung Quốc vẫn còn tâm lý lo sợ khi ăn bên ngoài hoặc nhiều nhà hàng còn đóng cửa sau đại dịch nên sức tiêu thụ chậm.

Tại thị trường Mỹ, sau khi tháng 3 tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2019, thì bước sang tháng 4/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường này lại giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 4/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 74,6%, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sau Trung Quốc, EU là thị trường thứ 2 bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, nhất là tại các thị trường nhập khẩu lớn trong khối như Italy, Tây Ban Nha, Anh... Sự đình trệ kinh doanh khiến các nhà phân phối thủy sản phải giảm giá, ảnh hưởng đến giá thủy sản nhập khẩu. Tính tới hết tháng 4/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 48,3 triệu USD, giảm 36%.

"Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường XK lớn như Mỹ, EU, Brazil… nên XK cá tra trong quý II khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm. Nếu quý III, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì XK cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại" – VASEP dự báo.

Không mở rộng diện tích

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, diện tích nuôi mới cá tra cả nước là 777ha, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thu hoạch là 602ha, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng đạt gần 180.000 tấn, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, Trung Quốc hiện đã kiểm soát được dịch và hoạt động giao thương đang bắt đầu hồi phục. Hơn nữa, hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu chính hiện ở mức thấp.

Dự báo, khả năng ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý III/2020 và riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5/2020 nên cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Ngoài ra, ông Luân dự báo Ấn Độ có thể là một thị trường tiềm năng của ngành hàng cá tra Việt Nam trong thời gian tới.

Để ngành cá có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm cá tra và xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết.

Các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi cần tập trung cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống; khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực và nguồn lực tham gia chọn tạo, sản xuất cá tra bố mẹ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao...

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Thời gian tới, Bộ NNPTTNT sẽ phối hợp Bộ Công Thương và các hiệp, hội đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cá tra vào các thị trường tiềm năng như Nga, Brazil…; làm việc với các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước để đẩy mạnh tiêu thụ cá tra trong nước, tránh không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu".

Để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL không mở rộng diện tích nuôi cá tra và làm bằng được giống cá tra ba cấp, trong đó có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong phát triển con giống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem