Tuy nhiên, mấy năm qua, khu vực khiến nhiều người "kiêng dè" này bỗng dưng trở thành điểm đến của dân du lịch khắp trong và ngoài nước. Người ta truyền tai nhau, mạng xã hội lan tỏa các bức ảnh biển mây, "Điểm Săn Mây" tuyệt sắc. Homestay mọc lên nhan nhản, từ Y Múa đến A Páo, A Dơ, A Dính… Các vườn đào cổ bung sắc, đặc biệt là các vườn nương mận to, xù xì, uốn éo, hoa trắng tinh khôi trong các thung lũng sâu hun hút. Phong cảnh cứ như chỗ đóng Hoa Quả Sơn trong phim Tây Du Ký vậy.

Một người góp sức quan trọng cho "nàng công chúa ngủ trong rừng" Hang Kia thức giấc làm du lịch, đó là anh Khà A Vấu, "ông chủ" của Điểm Săn Mây huyền thoại. Vấu hơn 40 tuổi, mười mấy năm làm người dẫn khách Tây đi bộ chinh phục con đường đẹp 15km từ quê mình qua Cun Pheo về huyện lỵ "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" (thơ Quang Dũng). Hóa ra, anh Vấu đi tiên phong xây nhà nghỉ nơi này từ hơn chục năm trước rồi. Và, gã người Mông Khà A Vấu đã 2 khóa vừa rồi liên tiếp làm Chủ tịch UBND xã Hang Kia, nay lại đương chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 1.

Giữa bận rộn công việc của người đứng đầu Ủy ban xã, không hiểu anh Vấu lấy đâu thời gian để đi thiết kế và xây dựng cả "Điểm Săn Mây" - các công trình ở khu nương rộng tới 5.000m2, lại ở tít trên núi cao không điện nước?

- Đúng là mấy năm qua, miệt mài thức đêm hôm để làm, tự tay hàn xì các cây cầu ngắm mây "bồng bềnh" trong tình trạng… không có điện lưới, mình cứ tự biên tự diễn làm thôi. Nước sạch cũng phải dẫn ống đi qua mấy cây số đường núi non. Quá là khó khăn.

Mà không có ai tư vấn cho mình làm đâu. Mình tự làm theo ý định của mình thôi, tất cả mọi cái mình phải tự vạch ra. Cổng để đâu, đá nào thì để nguyên, đá nào rút bỏ ra nó ra cho đỡ vướng lối đi. Gỗ không được dùng gỗ tươi, không chặt phá cây rừng. Vì đây là khu rừng bảo tồn nghiêm ngặt.

Anh bắt đầu có ý tưởng làm du lịch từ khi nào?

- Từ năm 2013, thời đấy tôi tham gia đón khách nước ngoài, tổ chức cho họ đi bộ khám phá bản làng, rừng núi. Tour đi khoảng 15km từ quê tôi (xã Hang Kia), đi bộ mãi qua Khun Pheo, xuống thị trấn Mai Châu. Từ lúc đó, tôi đã để ý thấy: khách nước ngoài và khách trong nước, khi qua vùng thung lũng và đỉnh "cổng trời" họ cứ mê mẩn ngắm mây. 

Họ bảo, không hiểu sao trời đất lại đem đến các biển mây mênh mông, đẹp như tiên cảnh cho chỗ này nhỉ? Đi trên sườn núi mà cứ thấy bồng bềnh tiên cảnh. Mây di chuyển cuồn cuộn, mây ngũ sắc óng ánh. Đứng ở nương nhà mình, chỉ thấy mờ mờ cái cây ngay trước mặt. Gần đó, hang núi lại thổi ra toàn khí nóng. Nóng đến mức khó mà chịu đựng nổi. Góc kia, lòng núi lại phụt ra khí mát lạnh.

Từ đó, mình muốn làm dịch vụ để đưa khách đến ngắm mây.

Thế thì ban đầu rất khó khăn, bởi vì nương của mình cũng ít quá. Vừa đủ để gieo hết một gói ngô giống. Bấy giờ là Chủ tịch UBND xã, bà con cũng quý mình. Mình phải trình bày với những người có nương ở bên cạnh rằng: Đổi nương cho tôi với. Tôi chấp nhận thiệt: Lấy nương rộng của tôi, đổi lấy nương hẹp hơn nhà ông. Tôi cần đất để ngắm mây.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 2.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 3.

"Tầm nhìn" của anh với khu nhiều mây đó là gì?

- Ý tưởng của mình là: Khách lên Hang Kia rồi thì ta có cái gì cho họ khám phá. Phải có gì khiến họ thấy thú vị, bổ ích, hay khác lạ chứ. Mình phải hành động, chứ không thể cứ trông chờ vào sự đầu tư của ai đó, của dự án nào đó. Mình lại đang làm Chủ tịch UBND xã, phải gương mẫu đi đầu chứ. 

Mời họ đến Hang Kia săn mây. Đọc trên mạng thì thấy cũng nhiều điểm ở Việt Nam tổ chức săn mây rồi đấy. Nghe loáng thoáng thế thôi, nhưng đến tận bây giờ, mình ở bản Mông xa xôi, cũng chưa đến khu săn mây nào bao giờ cả.

Mình nghĩ để thực sự "tôn vinh" cảnh đẹp nơi này, quan trọng nhất là không được phá vỡ cảnh quan sẵn có. Mình bắt tay làm từ năm 2018.

Diện tích ruộng nương nhà mình ở đấy ban đầu là hơn 2.000m2, còn lại về sau thì vừa đổi vừa thầu thêm, nay có gần 5.000m2. Nếu diện tích khu vực "biển mây" mà nhỏ quá thì không có chỗ cho khách đi chơi, mây không phải lúc nào cũng ngùn ngụt kéo đến trắng toát, hồng rực hay mênh mông như trên máy bay nhìn xuống. 

Mà có những ngày thung lũng đẹp, nhìn ra xa tít, xa sang núi bên kia. Lúc đó, cần có không gian để khách tham quan, có chòi, có cầu thò ra mép vực, có cầu mây "bỗng dưng" đứt giữa chừng để khách đứng ở đó lúc trời nhiều mây sẽ tạo hiệu ứng vô cùng thích thú. 

Tôi cùng các em, các con trồng cây, trồng hoa, làm các "điểm vãn cảnh". Trồng hoa cải mênh mông… Bởi, khách có những ngày, "Điểm Săn Mây" đón gần 1.000 khách đến đây ngắm cảnh trời cho. 

Tôi thấy nhiều thanh tre anh còn viết cả "thơ" (kiểu như: "Người ta có bạn có đôi/ Còn tôi lẻ bóng đơn côi xứ người") rồi "Cầu mây Như Ý". Nhiều cái cây được giữ gìn rất tinh tế để khi mây đùn lên thì dáng cây sẽ là thứ tuyệt vời cho người ta "tự sướng" với ảnh, video qua smartphone và mạng xã hội. Cái này rất trúng ý của dân "phượt" thời mới đấy. Ai bày cho anh cách làm này?

- Tất cả cái đó đều là mình tự nghĩ ra. Động não lắm. Có những cây, hòn đá nó to, mình muốn gửi gắm một câu "tự sự" vào đấy, để làm sao người ta có trách nhiệm với cây này, đá này như mình. Thời gian đi với người nước ngoài, đọc sách, mình hiểu được điều đó.

Gần như là lúc nào rảnh mình lại ngồi và tự vẽ các ý tưởng ra sơ đồ chi tiết: Góc này, vị trí này có trò gì. Có chỗ làm cái chòi, có chỗ làm wc với các kết cấu cành cây uốn lượn, có chỗ treo lên trời mấy cái lốp xe ô tô hỏng. Phải tính làm sao để lúc mây đùn về, bốn bề bát ngát mờ ảo, các hình trên sẽ rất "ăn ảnh".

Tôi thích các cây cầu, bắc từ điểm này sang điểm kia, cho người ta đi, lúc mây về sẽ trông như tiên đang đang bay… Ý tưởng của mình tất. Chỉ có việc cầm máy hàn, hàn các công trình kiên cố và to lớn thì mình phải tìm thuê thợ hàn thôi. Vì mình chưa hàn giỏi. 

Tuy nhiên, mình vẫn cầm máy hàn, tự tay làm được nhiều thứ vừa phải. Địa hình núi cao, vực sâu, thung lũng hun hút, các điểm chân của công trình luôn cập kênh, thi công khó lắm. 

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 4.

Ngay ở "Điểm săn mây" của anh, rất đông du khách, và cơ quan kiểm lâm cũng cắm biển "Rừng đặc dụng", vậy việc làm du lịch và bảo tồn khu vực rừng quan trọng này không dễ gì "cân đối" được, cả nghìn người đến mỗi ngày. Anh lại làm bao nhiêu công trình trên đất và rừng đó? Anh đã làm thế nào?

- Mặc dù mình đi tham gia công tác xã hội rất bận thật; nhưng tất cả mọi vấn đề diễn ra ở khu Săn mây thì mình đều phải kiểm soát chặt chẽ và kiểm soát được hết. Ban đầu tôi chỉ thu 10 nghìn đồng/lượt khách. Về sau, tôi phải thuê người quản lý, trả công ngày 200 nghìn đồng/người. Mình lại thiết kế, dựng thêm nhiều công trình, vườn hoa, cây cảnh tốn kém nữa. Thế nên, buộc phải tăng giá vé lên 20 nghìn đồng/người lớn. 

Quan điểm của mình là phải kiểm soát làm sao để các công trình không gây hại gì đến cảnh quan và rừng bảo tồn của nhà nước. Trước, rừng già, không đi vào được, tôi phải mất cả tháng để mở lối mòn đi bộ vào, giờ có thể đi xe máy vào khu săn mây, ô tô thì để ngoài, đi bộ vài trăm mét.

Các cầu săn mây, các khu ngắm cảnh dù trên cao mép vực hay ở mỏm đá, đều làm bằng chất liệu tre gỗ có sẵn ở đó, chỉ việc dựng lên. Khách không làm bẩn cảnh quan, rác không ném lung tung. Cây không bị dẫm nát hay chặt phá. Đá vẫn ở nguyên hiện trường. Mình đã phải cứu cả mấy cái cây bị bão gió làm ngã đổ sắp chết. 

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 5.

Hóa ra, anh Vấu có đầu óc làm du lịch từ lâu nhỉ. Chắc ở xã Hang Kia này, người ta thấy anh là rất lạ kì khi đi… mở khu ngắm mây?

- Trước đó tôi cũng kinh doanh du lịch, từ 2003, tức là đã 18 năm rồi. Thời đấy, đường vào hiểm trở, lại là "điểm nóng" buôn bán ma túy với các chuyên án khổng lồ, suốt bao năm hầu như không có khách trong nước đến nghỉ lại. Khách nước ngoài cũng chỉ coi đây là chỗ nghỉ chân qua đêm, rồi tiếp tục đi bộ về phía "cổng trời" (nay là Điểm săn mây) và xuống phía Cun Pheo. Người ta thường gọi tuyến này là đường mòn của Tây Ba Lô. 

Bây giờ, thì các đoàn khách bắt đầu biết đến "Điểm săn mây" của tôi và đến thăm đông dần lên.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 6.

Tôi đã chứng kiến biển mây đẹp "dã man" ở đó, quả là xứng đáng "Điểm săn mây" đang HOT của cả nước. Cả nghìn người đến thăm một ngày cũng có lý. Nhưng đã bao giờ anh thử lý giải xem, tại sao chỗ này lại nhiều mây quá thể, mà chỗ khác nó lại… không như thế?

- Vì nhiều lý do. Về vị trí địa lí thì nó không cao bằng các nơi khác đâu. Nhưng ở đó là cái khe thoát, mây và gió thoát khỏi sự chặn đường của các dãy núi và cánh rừng rồi thoát dần lên ở khu vực này. Mọi người đến cũng coi như đó là cái cổng trời. Cảm giác như thế đấy. Ở đấy thì không có nơi nào gió lớn bằng. Đến thời điểm này nếu tôi không hiểu hết và vượt qua được các cơn gió cổng trời rất lớn đó thì "Điểm Săn Mây" đã không thể nào "tồn tại" được. 

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 7.

Đến mức, nhà cửa lều trại, vách gỗ, mái nứa, xây không kiên cố và không nắm được bí quyết chống chọi với gió là đổ ngay lập tức. Tôi vẫn bảo người làm của tôi, các anh dựng là đổ, tôi dựng thì may ra mới đứng được. Ai cũng chiêm nghiệm và thừa nhận thực tế đó. Gió to quá, họ cứ làm công trình rồi lại bị thổi bay. 

Sau này tôi tìm ra bí quyết: Sáng tạo ra cái kết cấu thật bền của mỗi công trình và các công trình với nhau. Để chống lại gió lớn giữa rừng già, giữa "cổng trời".

Vừa là "ông chủ" khu săn mây, anh em, con cháu cùng làm bận rộn, đông khách; trong khi bao năm qua anh vẫn làm Chủ tịch rồi Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã; mà lại là xã "nóng bóng" với nhiều vấn đề của "tuyến lửa" phòng chống ma túy. Vậy anh dành thời gian chăm sóc "Điểm săn mây" như thế nào?

- Quá trình làm khu Săn mây, mình làm tính đến nay đã mất 2 năm rồi, mà vẫn còn đang làm thêm các ý tưởng nữa. Tối nay vẫn phải vào đó, ngủ trong đó qua đêm, để sửa đường ống nước. Điện lưới không có, hàn phải dùng máy nổ, nước thì dẫn mấy cây số đường ống mới vào tới nơi. Cứ làm ròng rã không dứt. 

Trong giờ hành chính thì làm trong xã rồi, mình muốn quản lý được nhân viên thì phải chấp hành và gương mẫu rất nghiêm túc. Còn vào trong khu săn mây kia, muốn biết mình phải đi vào thực địa, kiểm soát xem là anh em con cháu họ đang làm thế nào. Có theo đúng ý của mình không. Ai không làm được thì nói lại hoặc tự tay mình hướng dẫn họ làm lại. Tôi lái xe ô tô bán tải đi, xe này chở đồ tốt lắm, nên lúc nào cũng chất ngất toàn vật liệu với dụng cụ để chế tạo các thứ thật "thiên nhiên" cho khu săn mây.

Hiện nay, mình thuê người vừa làm vừa giúp, ngày đông khách thì tập trung vào khách, còn thời gian không có khách thì tập trung làm các công trình cho khu Săn mây. Bởi vì đồ toàn là gỗ khô… thì phải thay thế định kỳ, chứ tôi không làm bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, để bảo tồn rừng và không gian thật tự nhiên.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 8.

Xin hỏi, chưa từng đi săn mây ở các điểm khác, chưa từng hỏi ý kiến ai, anh có nhờ "bác Google" để làm, vậy, bác ấy giúp được cho anh có nhiều không?

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 9.

- Bởi vì khi bắt đầu làm thì tôi truy cập "google" và biết đến mỗi săn mây ở Tà Xùa thôi. Nhưng mình đã không làm giống Tà Xùa vì mình chưa đặt chân đến đó bao giờ. Lại không ai tư vấn cả. Mình cứ tìm hiểu thông tin, mình đối chiếu với thực tế của vùng núi non thung lũng Hang Kia nhà mình như thế nào. Thì phát hiện ra, vẻ đẹp quê mình hơn của người ta là ở chỗ… lắm cái đẹp trời cho. Hoang sơ hơn nhiều, từ bản sắc đến cảnh quan, rừng già đến sự bí ẩn của gió và mây ở tít trên cao. Cảnh núi đá là không ai mua được, không ai bê đi được. Thế mạnh của mình là ở chỗ đó. 

Theo anh, đi săn mây ở Hang Kia thì phải lưu ý nhất điều gì?

- Mùa tháng 4 thi thoảng có cơn mưa, rồi nhiều trận mưa cứ to dần. Kinh nghiệm của mình, vì chỗ Hang Kia này là nó gần giáp cả 3 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La. Nhưng, theo kinh nghiệm nhiều năm của tôi, khi xem thông tin dự báo thời tiết để đi ngắm mây, mình nên dựa vào "thời tiết" bên tỉnh Thanh Hóa. Muốn đi săn mây thành công (thấy biển mây và mây đẹp) cứ đêm hôm nay mưa, mai kiểu gì thì kiểu là mây sẽ đẹp.

Có những người mê mải, họ lên chỗ chúng tôi săn từng sắc thái của mây suốt ba, bốn chục lần trong 2 năm vừa rồi. Dùng từ đi săn mây như kiểu mình đi săn con lợn, săn con sóc ấy (bây giờ họ cấm đi săn thú hoang), may mắn thì gặp, có kinh nghiệm thì săn tốt hơn. 

Với săn mây, những người có kinh nghiệm, rồi xem thời tiết kĩ và lại còn có thông tin từ thực tế ở địa phương nữa (gọi điện, nhắn tin) thì sẽ thành công. Phải chọn hôm trời vừa mưa - giả dụ là sáng nay hoặc chiều nay ở đó có mưa không, nếu có, mai là lên là gặp biển mây ngay. 

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 10.

Anh nhận nhiều lời khen chê về cách tổ chức, thiết kế "Điểm Săn mây" này rồi nhỉ?

- Người khen thì nhiều. Mình lại thích nghe lời chê. Có người bảo mình làm khu này rất lung tung. Nhưng mình giữ quan điểm của mình là cái lung tung kia chính là ý tưởng của tôi. Vì phải làm thế nó mới nguyên sơ và mới đáp ứng được nguyên tắc bảo tồn. Mình tôn trọng các góp ý, vì họ muốn tốt cho mình thì họ mới góp ý chứ. Còn nhiều người cũng góp ý là nên sửa cái này, làm thêm cái. Mình bảo, làm được thế thì rất hay, nhưng có lẽ vì các bác ấy không biết mình ở cận kề với kiểm lâm đây. Đây là rừng bảo tồn. 

Các em các cháu ở đây, nếu ai mà lấy đồ tươi (giết thú rừng, chặt cây rừng) trong rừng bảo tồn là mình phản đối, yêu cầu xử lý ngay. Vì thế, có những người họ còn ông Vấu là người cũng không bình thường. Cái "không bình thường" mà họ nói ở đây là mình muốn bảo vệ thiên nhiên thật tốt. Muốn làm du lịch nguyên sơ, dùng cây rừng ngã đổ chết khô và vật liệu thật đơn giản sẵn có để kết cấu công trình, không muốn người ta nói về cái "làm hại thiên nhiên" của mình. 

Bây giờ, nếu như cơ quan chức năng khoán bảo vệ thì mình sẵn sàng nhận rừng để bảo vệ cho nghiêm ngặt hơn. Vì tất cả ở khu đó, giờ đây, khi mình đã "ở rừng" chăm sóc, các đồng chí kiểm lâm và công an đến đó chỉ việc ngồi uống nước với mình thôi. Chứ không lo bị kẻ xấu vào phá rừng nữa. Bởi tôi làm việc và bảo vệ "hộ" họ rồi. Cứ những trường hợp nào không tự tay tôi bảo vệ được, thì tôi sẽ "ới" (gọi) các anh tới giúp. 

Cái đấy không phải chỉ là lợi ích của mình mà nó là sự cần thiết của mọi người. Đó là chân lý, chẳng qua là vì đôi khi ai đó và ở đâu đó họ chưa nhận thức được, thế thì mình cần nhắc nhở giúp họ làm theo điều phải.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 11.

Mở đường, dựng công trình trong tình trạng không có điện, làm đêm làm ngày, lại dẫn nước với đường ống dài gần 4km từ bản vào "Điểm săn mây". Không nói thì cũng biết là rất công phu. Vậy, giờ nhớ lại, khâu nào là vất vả nhất anh Vấu nhỉ?

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 12.

- Riêng vấn đề xử lý các núi đá lổng chổng ở đây là vất vả nhất. Bởi vì làm thủ công, phải bê từng hòn, một hòn nhỏ cũng phải khiêng nó vào vị trí hợp lý, chứ không dùng máy móc, không phá cảnh quan rừng bảo tồn. Trông đơn giản thôi nhưng rất mất sức. Đá làm vật liệu là không được lấy ở nương nhà mình (giữ nguyên cảnh quan) mà phải dọn ở khu xung quanh về. Các vật liệu như gỗ, tre nứa khác thì tất nhiên là chúng không vĩnh cửu như sắt thép bê tông.

Tuy nhiên, cũng phải chọn gỗ, củi, tre nứa già, vững chãi, để tuổi thọ của các công trình to lớn như cầu ngắm mây, chòi săn mây, cầu Như Ý, lan can ngoài mép vực… phải dài một tí. Chứ không lẽ vài tháng phải thay một lần! Vì thế, các vật liệu đó là đích thân mình phải dành thời gian đi chọn mua theo cách riêng.

Làm gì thì làm, nguyên tắc đầu tiên là không để bà con, kiểm lâm, công an người ta kêu ca khiển trách mình là làm ảnh hưởng đến rừng bảo tồn. Bởi vì ở chỗ đó chênh vênh, một xe máy dừng cũng không có chỗ thì mình phải tính làm sao phải có chỗ đỗ xe ô tô ngoài đường lớn, rồi họ đi bộ vào điểm săn mây. Tính toán cái gì trước, cái gì sau. 

Mình mà làm không khéo, nếu như mà khách săn mây họ chụp hình mà thấy toàn là cảnh xẻ gỗ, cảnh nhà vệ sinh xấu xí bẩn thỉu thỉu, là không ổn. Nên tiêu chí của mình là phải đảm bảo cái bền, sạch, phải có gì che phủ các công trình không thật sự hòa hợp với cảnh quan. Gần như nhà vệ sinh cũng như nhà chòi là phải kiên cố phần đá. Tất cả chân móng cao khoảng độ 1m phải là đó kiên cố vì chúng tọa lạc ở sườn núi dốc chênh vênh, chỉ sơ hở một tí là xói mòn trôi hết. Có khi tai nạn nguy hiểm.

Mọi thứ ở đó, mình phải tự nghĩ, tự làm mới yên tâm được, vì nó khó lắm, gió bão rất khắc nghiệt. Núi lại cao. Và, đại đa số người ta đều rất thích cái "Chòi săn mây" mình thiết kế, có khi mình cũng thấy hãnh diện đấy. Chòi bằng gỗ, vỏ gỗ sần sùi, cong vẹo để nguyên. Mình tự nghĩ, với các cây rất đẹp đã chết khô kia, mình đi nhặt trong rừng về, làm gì thì làm nhưng cái phần vỏ gỗ của nó phải để nguyên xi. Phải chọn loại gỗ không mọt, thoải mái vài năm dựng lều, dựng cầu "Như Ý Săn Mây" giữa giông bão.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 13.

Năm nay 2021, anh có làm thêm công trình gì cho khu "Điểm Săn Mây" đó không? Tôi thấy nhiều đôi uyên ương lội rừng vào đây chụp ảnh đám cưới, kỳ công quá nhỉ.

- Hiện nay, mình cũng đang vẽ một số cái gọi là "Thang lên trời" để chụp hình, lúc mây nhiều, leo lên đấy, mây chạy xung quanh đầy màu sắc. Còn đẹp hơn trên… thiên đường. Rất nhiều, ngày càng nhiều các đám cưới đến chụp ảnh ở khu săn mây này. 

Buổi tối thì mình ở trên rừng săn mây đó, làm việc đến khuya mới về nhà ngủ. Buổi tối mình cũng không hàn xì gì, sợ ánh sáng chói lóa quá thì ảnh hưởng đến bà con dưới chân núi. Nhìn lên họ sẽ khó chịu. Mình cũng là người bản địa, cũng là dân tộc Mông - không phải mình nói xấu đâu nhưng bà con cứ vẫn giữ tập quán vào rừng lấy củi, chặt gỗ làm củi, nên công tác bảo vệ rừng cần phải được đề cao hơn nữa. Đây là bức ảnh tôi trực tiếp đi với kiểm lâm, gắn biển lên từng cây gỗ lớn, kêu gọi bảo vệ rừng và chống cháy rừng.

Điều gì ở cảnh quan khu vực này làm anh thấy lạ kỳ nhất?

- Ở trong khu rừng đó có hai cái hang động, một cái lạnh và một cái nóng. Nên mình đang lên ý tưởng khai thác du lịch. Nhưng chưa bật mí cho bất kỳ ai. Hang nó bé thôi nhưng nó lạ đến mức, mình ước mình là nhà thám hiểm để đến tìm hiểu được về nó. 

Với hang thổi ra khí nóng, nếu mà đi đến thì gần như là có lửa bốn bề, nó bốc hơi nóng lên ghê lắm. Hơi ra nhiều mà cũng là tạo ra mây luôn. Nếu mà đứng thẳng ở đó là gần như không thở được. Hang lạnh không có biểu hiện nhiều kiểu khó chịu vì quá lạnh. Nhưng, đủ để bất kì ai cũng phải ngạc nhiên: ở đó mát lắm. Cái hang đấy nếu như chưa có ai làm là mình phải làm sớm để khoe với bà con cả nước sự kì thú của thiên nhiên quê mình.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 14.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 15.

"Vừa rồi, sau thời gian làm du lịch, mình đã được Ban thường vụ Huyện ủy tặng Giấy khen. Khách đến đây rất đông, homestay, dịch vụ ăn uống, bán hàng phát triển, nông lâm sản được tiêu thụ ầm ầm, du lịch được kích cầu đặc biệt ở vùng "Đất lửa" bao năm khiến người ta e dè như thế này. Mình nghĩ, "chiến công" này của mình phải xứng đáng được tỉnh tặng Bằng khen", A Vấu cười hồn nhiên.

Nói xong, trời đã gần về nửa đêm, sau cả ngày làm lụng vất vả trên núi, Khà A Vấu cười vang, gọi vợ ra làm chứng cho các chuyện anh vừa kể. Hai cô con gái sinh đôi của anh đều học lớp 12, cũng đem smart-phone ra khoe các cảnh đẹp "Điểm săn mây" của bố cháu rồi cười hích hích. Khuya khoắt, trăng lênh láng bản làng, gió lạnh như Âu châu mùa tuyết đổ, tôi chia tay. A Vấu bảo: Mình lên trên núi đây. Mai gặp nhau ở chỗ săn mây nhé. Mình đón.

Hôm sau, giữa núi rừng mĩ miều, Vấu và vợ như tiên ông tiên bà đi trong cuồn cuộn nghi ngút của mây, họ vác một bó rau cải Mèo với ngồng và hoa vàng rực ra tặng… nhà báo. Nhờ Y Múa nấu giúp với thịt treo gác bếp bản Mông đang độ phủ kín vườn, kín núi, kín hiên nhà toàn hoa đào phai. Rau nhà Vấu ủ mây mù ở nơi thanh sạch ấy có một vị nhằng nhặng đắng rất ám ảnh. Nó cứ theo tôi mãi như là một nỗi nhớ mây rừng xa ngái.

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 16.

Trả lời báo chí, ông Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Nhiều năm qua, chính quyền địa phương luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao nguồn thu nhập cho đồng bào hai xã Hang Kia, Pà Cò. Ðến nay, phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng được xác định sẽ là hướng đi để người dân hai xã vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa đặc sắc".

Theo đó, Ban chỉ đạo du lịch huyện Mai Châu đã tổ chức nhiều cuộc họp với người dân để động viên, khuyến khích những hộ có tiềm năng đăng ký phát triển loại hình dịch vụ homestay, các hộ còn lại được vận động sản xuất nông nghiệp sạch để phục vụ du lịch, từ đó từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ làm nông nghiệp hoàn toàn sang du lịch, dịch vụ. Những hộ dân đang kinh doanh homestay được tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý kinh doanh và kỹ năng phục vụ du lịch".

Và, cánh chim đầu đàn trong phong trào "du lịch hóa" miền đất bao năm "khét tiếng là "chảo lửa ma túy" kia chắc chắn là Khà A Vấu. Đảng ủy, UBND xã Hang Kia cũng đánh giá cao các đóng góp của A Vấu cho phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho bà con sở tại, đồng thời bảo vệ rừng già và cảnh quan thiên nhiên cho toàn khu vực. 

Dân Việt trò chuyện:Khà A Vấu - vinh danh “Thiên đường mây” trên “Miền đất lửa” - Ảnh 17.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem