Đang “ăn nên làm ra”, các ngân hàng có ngấm đòn Covid-19 trong nửa cuối năm 2021?

Nhật Minh Thứ hai, ngày 02/08/2021 11:04 AM (GMT+7)
Đặt trong bối cảnh Covid lần thứ 4 diễn biến phức tạp, lan rộng nhanh chóng, buộc các thành phố trung tâm như TP.HCM, Hà Nội phải giãn cách xã hội, một số tổ chức phân tích nhận định, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng từ nay tới cuối năm chỉ đạt khoảng 13%.
Bình luận 0

Bất chấp dịch Covid-19, ngân hàng vẫn "ăn nên làm ra"

Thống kê của FinnGroup cho thấy, tính đến 31/7 đã có 674/1.738 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCOM (chiếm 86,1% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh chính thức hoặc ước tính cho quý II/2021.

Trong đó bao gồm 26 ngân hàng (chiếm 99,5% vốn hóa ngành) và 622 doanh nghiệp (chiếm 81,4% vốn hóa khối Phi tài chính).

Đáng chú ý, trong quý II, doanh thu của khối ngân hàng tăng 44,2% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng chậm lại do gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn của nhà nước bao gồm Vietcombank (VCB) và Vietinbank (CTG).

Đang “ăn nên làm ra”, liệu các ngân hàng có ngấm đòn Covid-19 trong nửa cuối năm? - Ảnh 1.

Trong quý II/2021, doanh thu của khối ngân hàng tăng 44,2% so với cùng kỳ. (Ảnh: VCB)

Đánh giá về kết quả kinh doanh của ngành này trong nửa đầu năm, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI Research cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận phần lớn các ngân hàng tăng 50 - 70%.

Nguyên nhân là do nửa đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, lợi nhuận doanh nghiệp và ngân hàng đều bị ảnh hưởng, do đó nền dữ liệu so sánh sẽ thấp hơn.

Mặt khác, lãi suất huy động giảm và ở mức thấp trong thời gian dài, điều này tạo thuận lợi cho ngành ngân hàng giảm chi phí huy động vốn.

Một nguyên nhân chủ quan cũng được Giám đốc SSI Research đưa ra, là do khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng đã tốt hơn trước, phương pháp quản trị hiệu quả hơn. Chi phí hoạt động thấp hơn và đã giảm liên tục 4 năm qua, chủ yếu liên quan đến bán lẻ.

"Các ngân hàng đang xây dựng các sản phẩm tài chính, bảo hiểm nhân thọ, thẻ thanh toán, giúp nguồn thu của ngân hàng đa dạng hơn", bà Phương phân tích thêm.

Ông Lý Hoài Văn, Phó Tổng giám đốc OCB chỉ ra 4 yếu tố giúp cho các ngân hàng có kết quả kinh doanh tích cực trong 2 năm qua, bất chấp đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, là sự khác nhau giữa khủng hoảng dịch bệnh với khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Mức tác động là khác nhau.

Theo ông Văn, trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn 1 thập kỷ, thị trường gần như mất thanh khoản, rủi ro về đối tác ảnh hưởng lớn đến thanh khoản toàn ngành ngân hàng.

Tuy nhiên trong cuộc khủng hoảng lần này, hệ thống tài chính vẫn đang hoạt động tốt nhờ chính sách của NHTW can thiệp kịp thời hỗ trợ nền kinh tế đặc biệt là doanh nghiệp.

Thứ hai, trong 2 năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khả quan với GDP trên 6%, lạm phát và lãi suất được duy trì ổn định giúp ngành ngân hàng hoạt động tốt.

Thứ ba, sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, Chính phủ đã đi qua giai đoạn cơ cấu 5 năm lần thứ nhất và ngân hàng đã đáp ứng được năng lực tài chính, đặc biệt về vốn.

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, phần lớn các ngân hàng đã xử lý được nợ xấu bán cho VAMC giúp nâng cao nền tảng của ngân hàng tốt hơn.

Thứ tư, các ngân hàng đã mở rộng các sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu. Trước đây, thu tín dụng trên 90% thì đến nay các ngân hàng đã giảm được sự phụ thuộc vào tín dụng. Đây là nền tảng giúp ngân hàng hoạt động tốt.

Lợi nhuận ngân hàng sẽ "giảm tốc"

Đánh giá về triển vọng lợi nhuận, bà Hoàng Việt Phương cho rằng nửa cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ của các nhà băng sẽ chậm hơn so với nửa đầu năm do các yếu tố thuận lợi không nhiều như giai đoạn đầu năm.

"Chúng tôi ước tính lợi nhuận tăng trưởng nửa cuối năm toàn ngành khoảng 13%. Tuy nhiên, đến năm 2022, con số này sẽ nâng lên 21% - mức này vẫn cao hơn so với các công ty niêm yết được ước tính", chuyên gia của SSI Research nói.

Đang “ăn nên làm ra”, liệu các ngân hàng có ngấm đòn Covid-19 trong nửa cuối năm? - Ảnh 3.

Không ít nhà đầu tư e ngại, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ sụt giảm mạnh. (Ảnh: TPB)

Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho hay, thông thường, ngân hàng truyền thống có 70-80% thu nhập đến từ tín dụng, tức là phần thu từ cho vay trừ đi phần chi trả lãi cho người gửi tiền, ngoài ra có 10-20% từ phí dịch vụ, trên dưới 10% từ hoạt động kinh doanh khác (như hoạt động đầu tư, hoạt động liên quan đến nắm giữ các trạng thái kinh doanh ngoại tệ, hay kinh doanh giấy tờ có giá).

Đặt trong bối cảnh Covid lần thứ 4 diễn biến phức tạp, lan rộng nhanh chóng, buộc các thành phố trung tâm như TP.HCM, Hà Nội phải giãn cách xã hội đã tác động mạnh tới thu nhập, chi tiêu của người dân. Cũng vì vậy, không ít nhà đầu tư e ngại, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ sụt giảm mạnh, bởi như nói ở trên, nguồn thu chính, tỷ trọng lớn của ngân hàng đến từ tín dụng.

Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, room tín dụng hiện nay không dồi dào, thậm chí khá ít. Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của toàn bộ nền kinh tế chỉ khoảng 12% và NHNN đang kiểm soát chặt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, phân bổ cho các ngân hàng rất khác nhau.

Với tỷ lệ tăng trưởng đợt 2 vừa được NHNN cấp thêm cho một số ngân hàng chỉ vài phần trăm, thì các ngân hàng vẫn đang còn thiếu room tín dụng kể cả có dịch bệnh, nên không quá lo lắng về tăng trưởng tín dụng. Thậm chí, trong kịch bản kế hoạch của TPB cũng không đưa ra tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quá cao.

Việc của ngân hàng là làm sao giảm được giá thành, giảm chi phí và thậm chí là xác định trước lãi suất cho vay sẽ hạ, đều đã tính. 

Dù dịch bệnh diễn ra có phần căng thẳng hơn so với dự báo, nhưng ông Hưng kỳ vọng, nếu dịch không kéo dài quá 2 tháng, thì vẫn trong nằm trong sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng.

Đang “ăn nên làm ra”, liệu các ngân hàng có ngấm đòn Covid-19 trong nửa cuối năm? - Ảnh 4.

Các ngân hàng đã lường trước rui ro do ảnh hưởng của Covid-19. (Ảnh: BID)

Cũng phải nhắc lại, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng không phải chuyển nhóm nợ sang nợ xấu, tuy nhiên phải trích lập dự phòng như chưa tái cơ cấu.

"Ở đây, chỉ có một ân huệ đó là cho phép vẫn tính các khoản nợ xấu là nợ bình thường, còn ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng phần đó, để không ăn trước trả sau và đừng lạc quan quá về kế hoạch lợi nhuận", ông Hưng nói.

Thực tế, TPBank đã lường trước được vấn đề này. Trong kế hoạch kinh doanh đầu năm, ngân hàng đã ước con số phải trích lập bổ sung thêm khoảng vài trăm tỷ vào kế hoạch lợi nhuận.

"Do đó, sẽ không ảnh hưởng nhiều tới việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận 6 tháng cuối năm", Tổng giám đốc TPBank khẳng định.

Lãnh đạo một số nhà băng cũng cho rằng, ngân hàng vẫn có nguồn để bù đắp vào phần trích lập dự phòng rủi ro và giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng.

Chẳng hạn, trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay, việc tiếp cận khách hàng, tiếp xúc tư vấn, làm dịch vụ.... sẽ gặp nhiều khó khăn.

Song, các ngân hàng vẫn duy trì được các hoạt động như bình thường trên nền tảng online, đặc biệt là giao dịch trên nền tảng điện tử sẽ giúp giảm chi phí cho ngân hàng rất lớn.

Ví dụ, hiện nay 92% tổng giao dịch của TPBank thực hiện trên nền tảng số. Điều này tiết kiệm được rất nhiều, chi phí chỉ khoảng bằng 1/30 hoặc 1/50 so với chi phí truyền thống khi phải duy trì bằng con người.

Bên cạnh đó, các mảng dịch vụ khác như: bancassurance, trái phiếu, chứng khoán... vẫn hoạt động tăng trưởng tốt.

"Những nghiệp vụ chính về sinh lời, kể cả trên những kênh đầu tư, các mạng dịch vụ trên thị trường tiền tệ, tỷ giá... vẫn có những cơ hội tốt", ông Hưng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem