Đằng đẵng 140 năm chờ đợi, ơn Bác Hồ, ơn Đảng, làng này ở tỉnh Bắc Ninh mới có cái tên

Thứ tư, ngày 22/09/2021 19:01 PM (GMT+7)
Trăm năm chỉ là cách nói cho vần, kỳ thực hành trình từ thân phận những người dân ngụ cư trở thành công dân chính thức trên mảnh đất mang tên Đông Thái (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là một cuộc trường chinh dâu bể, dằng dặc hơn 140 năm.
Bình luận 0

 Từ đầu những năm 1800 đến tháng Tám 1945, khi Cách mạng thành công, ơn Đảng, ơn Bác Hồ, làng mới có địa vị pháp lý và có tên là Đông Thái.

Người khai sinh ra cái tên Đông Thái (tức đông đúc và thái bình, thịnh vượng) là cụ Nguyễn Bỉnh Niệm, quê Nam Định nhưng định cư ở làng mấy chục năm. 

Cụ Niệm là nhà giáo yêu nước đi theo cách mạng và giác ngộ cách mạng cho những đảng viên đầu tiên của xã Đông Tiến, huyện Yên Phong.

Chuyện Đông Thái cuốn hút tôi qua một người con dòng họ Cao đang đau đáu những khát vọng đẹp cho quê hương. Đó là ông Cao Văn Hà, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh. 

Ở Đông Thái, nếu hỏi ai là người đầu tiên lập ấp xây làng thì cần thời gian và có lẽ phải nhờ đến các sử gia, nhưng nhiều người biết công lao tập thể và nòng cốt xây dựng, phát triển làng suốt hơn hai trăm năm chính là 2 dòng họ, họ Cao và họ Trương. 

Đằng đẵng 140 năm chờ đợi, ơn Bác Hồ, ơn Đảng, làng này ở tỉnh Bắc Ninh mới có cái tên - Ảnh 1.

Vẻ trù mật của làng Đông Thái, (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bên dòng sông Cầu thơ mộng.

Trong quá trình cộng sinh, phải nương tựa nhau nơi xa xứ, Trương - Cao nhị tộc vì thế ngày càng gắn kết nhờ những mối nhân duyên giữa trai/gái họ này với gái/trai họ kia, thành người một nhà.

Lật cuốn Địa chí Yên Phong được biết, đầu những năm 1800, trên đường đi tha hương cầu thực, một nhóm người từ vùng “chiêm khê mùa thối” ở Nội Dối, xã Bảo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam), đã dừng chân tại bến Đông Xuyên, xã Đông Tiến bây giờ. 

Trên đường phiêu bạt tìm quê mới, đám người ấy mang theo nghề truyền thống là đan nong, đan cót, đẽo đòn gánh và làm thuyền nan. Sau một số lần dịch chuyển, họ tụ cư tại xóm Bến chợ Đông Xuyên, phía lòng sông Cầu.

Ngày ấy, lòng sông Cầu từ khu vực ngã ba Xà đến làng Choá, nay thuộc xã Dũng Liệt không có người ở, nhưng với đám người ngụ cư thì rất gắn bó, bởi cận giang dễ vận chuyển tre nứa làm nghề, nhưng lý do quan trọng hơn là không có đất cắm dùi nên phải bám bãi sông, ở đó mùa lụt rất khổ, nước ngập cả nóc nhà. 

Chuyện không tấc đất cắm dùi cứ đeo bám họ, dần thành xóm ngụ cư đằng đẵng hơn 140 năm. Trong suốt thời gian ấy, họ phải nhờ đất của dân làng Đông Xuyên, ngôi làng cổ nghìn tuổi trước kia “nhất thôn”, nhất xã”, thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong.

Người Đông Xuyên cũng có nghề đan nia, giần, sàng. Bởi thế, họ cũng dễ tiếp nhận những người hàng xóm mới.

Ngụ cư bến Đông Xuyên, người gốc Nội Dối phần đông khoẻ mạnh, khéo tay lại năng động với nghề truyền thống mang theo, từ bến sông Cầu, họ ngược lên mạn Thái Nguyên, Bắc Cạn mua tre, nứa rồi lại đóng bè về xuôi. 

Từ thứ cây dân dã ấy, dưới bàn tay tài khéo của người Nội Dối, đã trở thành những vật hữu dụng với đời sống nông dân. Cây nứa thì pha thành đoạn bỏ đốt, chẻ từng thanh. Từ thanh lột thành nan, nan lòng để đan cót, nan cật bán cho dân Đông Xuyên làm nia, giần sàng. 

Cây tre cũng được pha thành nhiều món, gốc tre cái dùng đẽo đòn gánh, thân tre đan nong, ngọn tre làm giát giường…

Những vật dụng ấy không chỉ được trao đổi, lưu thông tại bến sông mà còn được phân phối khắp nơi. Tại bến sông, công việc mua bán tre, nứa rất nhộn nhịp nhưng không hề có tên. Rồi người ta quen miệng gọi là bến Gốc, tức là điểm bắt đầu, bến Gốc từ đó thành tên của làng một cách không chính thức?

Thuận lợi ở vùng đất mới, người làng Nội Dối kéo nhau đến ngày một đông, người đến sau nương tựa vào người đến trước. Họ bám vào bãi sông, triền đê, lựa theo ý tứ của dân bản địa. 

Vì là dân ngụ cư, là người thiên hạ nên khi sống gần dân bản địa, họ phải rất khéo léo thậm chí nhịn nhục để được yên ổn làm ăn. Cũng vì thế dần hình thành trong họ sự khôn khéo, cả trong ý ăn ý ở và buôn bán. 

Dẫu vậy, căn tính của nông dân và nông thôn Việt Nam một thời là cục bộ, hẹp hòi, ít chịu đổi mới nên trong quá trình chung sống, dân Nội Dối và dân bản địa vẫn không tránh khỏi những va chạm, nhiều khi dẫn đến đổ máu. 

Dân gốc Nội Dối bị dân bản địa cạnh khoé nói là “dân phố phường”, “dân chợ búa”, vì thế mà từ bến Gốc thành phố hàng tre, phố hàng nong rồi hàng cót…

Nhưng như một định mệnh, dẫu bị cạnh khoé thì đám dân được coi là ngụ cư ấy vẫn bám riết con sông Cầu huyền thoại, dòng sông yêu thương, dòng sông ân tình đã nuôi dưỡng, ôm ấp, chở che biết bao phận đời, trong đó có người Nội Dối.

Trong bài thơ “Sông Cầu ơi”, tác giả Cao Văn Hà đã viết: Sông Cầu ơi!/Sông có tự bao giờ mà tình xanh đến thế?/Mà lưng cong ôm chặt đất chẳng rời/Sông với người, chuyện kể mãi không vơi…

Là dân ngụ cư, cuộc sống khá giả nhưng thân phận của ngôi làng không tên cứ ám ảnh những lớp người Nội Dối. Suốt 140 năm, những cái tên được đặt ở bến sông đều gắn với Đông Xuyên, ngôi làng sát cạnh như một định mệnh nào Phố Đông Xuyên, bến Gốc Đông Xuyên, bến phà Đông Xuyên…

Phải đến tháng Tám năm 1945, khi cách mạng thành công, ơn Đảng ơn Bác, làng mới có địa vị pháp lý với cái tên thật ý nghĩa: Đông Thái, tức đông đúc và thái bình.

Trong cải cách rộng đất, người làng Đông Thái cũng được chia đất, mà phần lớn là đất của Đông Xuyên, vì thế trong tâm khảm họ luôn biết ơn “người anh lớn” Đông Xuyên. Có đất, người Đông Thái lại được làm ruộng như ở Nội Dối quê gốc. 

Nghề nông thành nghề chính, đan lát thành nghề phụ, nhưng trên thực tế thì nghề phụ vẫn giữ vị trí trọng yếu trong đời sống kinh tế nhiều gia đình.

Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, dân Đông Thái đã thể hiện lòng yêu nước lớn lao. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong 8 năm từ 1964 đến 1972, quân dân Đông Thái đều được nhận cờ Quyết thắng. Có cái lạ là ngay trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, nghề đan lát và đi bè vẫn rất phát triển ở bến Đông Xuyên. Bến Đông Xuyên được gọi là phố vì thế. Câu ca dao một thời cho thấy mức độ khá giả của 2 làng: Thóc Đông Xuyên, tiền Đông Thái.

Trải hơn 200 năm kể từ khi đám người tha hương gốc Nội Dối tìm đến bám chặt lấy bến sông Cầu và 76 năm kể từ khi ngôi làng chính thức có địa vị pháp lý, Đông Thái đang phát triển đúng như tên gọi. Làng có 480 hộ với gần một ngàn rưỡi nhân khẩu. 

Người Đông Thái thời đổi mới vẫn phát huy được cái nguyên bản kể từ khi tìm đến vùng đất này, đó là năng động với cơ chế; mềm dẻo, khéo léo trong giao tiếp ứng xử và quyết liệt tháo gỡ những khó khăn?

Ông Cao Văn Hà là dân kỹ thuật nhưng mê văn thơ, từ dạo thôi chức Giám đốc Sở Xây dựng, từ chỗ ấp ủ, ông đã làm được nhiều việc trọng cho quê hương Đông Tiến nói chung và làng Đông Thái quê ông, được bà con đồng tình hưởng ứng. 

Những việc ông làm chỉ mong được góp sức nhỏ vào khát vọng SANG - GIÀU của quê hương, Mô hình Khuyến học mới và Quỹ Ước mơ lớn mà ông là Chủ tịch danh dự đang ươm mầm những khát vọng đẹp ấy.

Nặng lòng với quê hương, trong bút ký LÀNG TÔI (viết tháng 4-2021), Kiến trúc sư Cao Văn Hà có mấy dòng miêu tả về quê hương Đông Thái:

Làng tôi. Đó là một ngôi làng ven sông Cầu, nơi có bến phà Đông Xuyên. Nhìn từ trên cao, sông Cầu ôm trọn làng tôi vào lòng, tạo thành một dải xanh mềm mại. Người ta bảo, làng mà ở vào khúc lõm của dòng sông là thế “tụ thủy”. Chả thế mà, trải bao thăng trầm, dâu bể, làng tôi cứ dần đông đúc lên, từ khi chỉ có mươi nhà trở thành một làng nghề sầm uất…

Đông Thái đang trên hành trình mới với khát vọng lớn lao hơn, đó là khát vọng SANG - GIÀU. Lịch sử hơn 200 năm lập làng đã minh chứng bản lĩnh, trí tuệ cùng sự năng động của người Đông Thái trong làm ăn, buôn bán. 

Như vậy GIÀU với họ không phải vấn đề lớn, cái lớn lao hơn là phải SANG, mà muốn sang thì càng phải học, học tập không ngừng. 

Đây là vấn đề mà ông Cao Văn Hà và những người đồng chí hướng muốn gửi gắm và nuôi khát vọng trong Mô hình khuyến học mới và Quỹ ước mơ lớn đang được triển khai và lan toả mạnh mẽ trong nhiều gia đình, dòng họ quê hương Đông Thái, rộng hơn là Đông Tiến thân yêu.

Thanh Tú (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem