Dang dở giấc mơ ô tô “made in Việt Nam”, khoản nợ 1.300 tỷ của Vinaxuki bị rao bán

21/02/2020 09:26 GMT+7
Ngân hàng rao bán khoản nợ gần 1.300 tỷ đồng của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki với tài sản đảm bảo cho khoản nợ là hàng trăm nghìn mét vuông đất tại Mê Linh, Hà Nội; quyền khai thác mỏ quặng tại Đăk Nông; tài sản tại Vinaxuki Thái Nguyên...

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) vừa phát đi thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Công ty Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên).

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội với tổng diện tích đất là hơn 138,8 nghìn m2; Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỷnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.

Giá khởi điểm được BIDV rao bán bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Trong đó, tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là hơn 1.265 tỷ đồng (chính xác là 1.265.111.125.606 đồng).

BIDV cho biết sẽ có văn bản thông báo kết quả cho tổ chức đấu giá được lựa chọn, những đơn vị không được thông báo kết quả được hiểu là không được lựa chọn và BIDV không hoàn trả hồ sơ với những đơn vị không được lựa chọn.

CTCP Ô tô Xuân Kiên thành lập năm 2004 và được biết đến là một doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Những năm đầu hoạt động, Vinaxuki chỉ nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại xe tải, không đòi hỏi nhiều yêu cầu về công nghệ nên lãi cao.

Tại thời điểm hoàng kim, nhà máy sản xuất của Vinaxuki chạy hết công suất để xuất xưởng khoảng 60 xe mỗi ngày mà vẫn không đủ giao cho đại lý. Những sản phẩm lúc đó đã có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%, nhờ vậy hạ thấp được giá thành và tăng khả năng cạnh tranh so với xe nhập khẩu,

Tuy nhiên, muốn bắt kịp các nước trong khu vực nên ông Huyên nuôi giấc mơ sẽ chế tạo ra chiếc xe hơi "made in Vietnam". Năm 2008, Vinaxuki âm thầm tung ra thị trường mẫu xe 4 chỗ có cái tên khá phức tạp: Hafei HFJ. Vì không có nhiều khác biệt so với các mẫu xe đương thời, các bộ phận cấu thành lại không đồng nhất, gây khó khăn cho việc thay thế sửa chữa nên Hafei HFJ nhanh chóng biến mất như cái cách nó xuất hiện.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki đã đem nhiều tài sản như nhà máy, quyền sử dụng đất cho đến các dây chuyền lắp ráp,... đi cầm cố ngân hàng để có nguồn vốn hoạt động. Cho tới khi, tiền cạn và giấc mơ chiếc xe hơi được sản xuất hoàn toàn Việt Nam đã đẩy Vinaxuki đến bờ vực phá sản với các khoản nợ cả nghìn tỷ đồng.

Dang dở giấc mơ ô tô “made in Việt Nam”, khoản nợ 1.300 tỷ của Vinaxuki bị rao bán - Ảnh 2.

Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki

Ông Bùi Ngọc Huyên từng chia sẻ, ông đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán.

Năm 2017, Vinaxuki từng đề nghị vay tiền của VDB để mua lại nợ xấu của các ngân hàng cho vay dự án nội địa hoá ô tô con đã bị bán lại cho VAMC. Tuy nhiên, Bộ Tài chính từ chối và cho rằng không có cơ sở để thực hiện.

"Tai họa ập đến đầu tôi quá nhanh. Lỗi chủ yếu là do tôi quá tin vào ngân hàng nên thất bại. Nhưng lỗi một phần do chính sách, do thời vận khi tôi làm xảy ra khủng khoảng tài chính, ngân hàng lạm phát. Tuy nhiên, các DN như tôi không gây khủng hoảng tài chính, chính giới bất động sản gây khủng hoảng tài chính, ngân hàng được cứu, các ông lớn bất động sản được cứu còn tôi thì không. Tuy nhiên, ước mơ của tôi vẫn còn đó, nếu có tiền tôi sẽ khôi phục lại, vẫn đi theo hướng nội địa hóa xe của tôi", ông Huyên chia sẻ.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục