Đang kiểm toán sử dụng vốn đầu tư tại “bom nợ” Đạm Ninh Bình

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 08/10/2019 18:00 PM (GMT+7)
Theo Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc, thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, KTNN đang tiến hành kiểm toán Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Bình luận 0

img

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2019.

2 dự án “thua lỗ nghìn tỷ” Đạm Ninh Bình, Ethanol Bình Phước thành tâm điểm chú ý

12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương vốn đã thu hút sự quan tâm của nhiều vị ĐBQH từ những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV, sắp tới có thể sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý tại nghị trường Quốc hội.

Theo Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc, thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Chương trình số 215-CTr/BCĐTW, ngày 1/2/2019), KTNN đang tiến hành kiểm toán Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình theo Kế hoạch kiểm toán năm 2019.

img

Công ty CP đạm Ninh Bình đang nợ gốc khoảng 2.640 tỷ đồng.

Và câu chuyện xung quanh những vấn đề tồn tại ở Ethanol Bình Phước và Đạm Ninh Bình, cũng như tổng thể 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương trước đây, đã không chỉ dừng lại trong khuôn khổ nghị trường.

Còn nhớ, trong phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (PCTN) diễn ra sáng 26/7/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn trong phòng chống tham nhũng, góp phần chuẩn bị tốt cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Không có chuyện dừng lại và không thể dừng, phải quyết tâm cao hơn, đây là yêu cầu của Đảng, của nhân dân.

Ngoài ra, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đồng ý tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc; thanh tra chuyên đề về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

img

Một góc Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Còn trong báo cáo của Bộ Tài Chính trước phiên họp thứ 8 Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án thuộc ngành Công Thương, đã tổng hợp, đề xuất các biện pháp xử lý rủi ro đối với các dự án thuộc đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB).

Theo đề xuất của VDB, các khoản nợ xấu của các dự án nêu trên sẽ được xử lý theo ba phương án gồm thực hiện cơ cấu nợ, khoanh nợ và xử lý tài sản bảo đảm.

Cụ thể, nhóm thực hiện cơ cấu nợ bao gồm dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc (dư nợ đến 31/12/2018 là 3.946 tỷ đồng) và dự án đầu tư xây dựng Nhà máy số 2 (dư nợ đến 31/12/2018 là 1.729,4 tỷ đồng).

VDB đánh giá các dự án này có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, không đạt công suất thiết ké, chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Việc kéo dài thời hạn vay vốn tối đa 20 năm và thị trường phân bón ổn định có thể đảm bảo khả năng trả nợ của các dự án.

Có hai dự án được đưa vào giải pháp khoanh nợ là dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn urê/ngày của Công ty CP Đạm Ninh Bình và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.

Để bảo đảm an toàn trong hoạt động, VDB cũng đề xuất Chính phủ cho khoanh nợ tại dự án đạm Ninh Bình, với công nghệ sản xuất phân đạm từ than cám, công suất 1.760 tấn đạm urê/ngày, Công ty CP đạm Ninh Bình đang nợ gốc khoảng 2.640 tỷ đồng. Nhà máy đạm Ninh Bình đang hoạt động cầm chừng, không cân đối được nguồn trả nợ theo hợp đồng tín dụng, rất cần thời gian khôi phục sản xuất kinh doanh nên phải khoanh nợ.

Một dự án nghìn tỉ thua lỗ khác cũng phải thực hiện giải pháp khoanh nợ vay là gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 cũng có dư nợ gốc đến hết năm 2018 khoảng 1.136 tỷ đồng. Đến nay dự án này chưa hoàn thành, và vướng vào các vấn đề pháp lý nên chưa đưa vào sử dụng, không có nguồn trả nợ.

2 vụ việc tại VDB được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra

Cũng liên quan tới Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị điều tra, xử lý sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam và Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng cùng một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay trái quy định được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Đối với 2 vụ chuyển hồ sơ nêu trên, ngày 12/9/2019 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có Văn bản số 1298/ANĐT-P4 thông báo việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 36 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, về tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước nhằm tránh thật thoát, lãng phí.

Theo kế hoạch, tính đến ngày 30/9/2019, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 209 cuộc kiểm toán, trong đó 147 đoàn kiểm toán đã kết thúc. Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của các cuộc kiểm toán đến ngày 30/9/2019 là 61.732 tỷ đồng (trong đó tăng thu 6.197 tỷ đồng, giảm chi 12.842 tỷ đồng).

Qua kết quả kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 1.368,8 tỷ đồng; kiến nghị xử lý, xem xét thu hồi đất đủ điều kiện 7.591.427m2; kiến nghị nghiên cứu sửa đổi các cơ chế quản lý đất đai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem