Đáng ngại, loài ốc này bò dày đặc, nông dân tỉnh Bình Thuận xịt thuốc, rải bả không ăn thua phải thức đêm bắt tay

Chủ nhật, ngày 08/11/2020 14:15 PM (GMT+7)
Hiện nay, nhiều diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang bước vào vụ chong đèn. Thế nhưng, những cơn mưa liên tiếp trong thời gian qua làm độ ẩm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi để ốc sên sinh trưởng và gây hại tại nhiều vườn thanh long.
Bình luận 0

Hiện người trồng thanh long đang hết sức lo lắng, bởi mật độ ốc sên dày đặc và phá hoại nhanh làm cho năng suất và chất lượng trái thanh long bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Gia đình chị Lê Thị Thủy, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có hơn 1.000 trụ thanh long; trong đó có 500 trụ đang chong đèn cho hoa trái vụ. 

Đáng ngại, loài ốc này bò dày đặc, nông dân tỉnh Bình Thuận xịt thuốc, rải bả không ăn thua phải thức đêm bắt tay - Ảnh 1.

Những trái thanh long chín của gia đình chị Thủy, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã bị ốc sên gây hại.

Do ốc xuất hiện nhiều ở dưới gốc rồi bò lên cành, lên trái nên những ngày gần đây, chị phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình tập trung bắt ốc, thậm chí phải thức xuyên đêm để bắt, bởi đã áp dụng nhiều biện pháp như xịt thuốc, rải bã diệt ốc sên nhưng vẫn không hiệu quả.

“Thông thường 1 vụ thanh long chong đèn thường kéo dài gần 3 tháng, với lượng ốc như thế này dù huy động cả gia đình tôi cũng bắt không hết”, chị Thủy cho biết thêm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Thời điểm này, trung bình mỗi trụ thanh long của gia đình ông có từ 10 - 20 con ốc sên, có trụ 30 con. Hiện gia đình ông đang ra sức bắt ốc vì nếu để ốc tấn công những trái thanh long chín sắp thu hoạch thì coi như vụ thanh long này lỗ nặng.

Ông Thành cũng như nhiều nông dân trồng thanh long cho biết, loài ốc này không phải lúc nào cũng bò ra ăn, mà nó đợi khi trời mưa hay ban đêm thì sẽ “tiến hành” phá hoại. 

Ốc sên gây hại các bộ phận non, mềm như cành non, hoa và trái. Đặc biệt đối với những vườn vừa chong điện, ốc ăn bông non gây giảm năng suất, còn khi ăn trái thì gây ảnh hưởng đến mẫu mã trái và tạo điều kiện cho bệnh hại khác tấn công như bệnh thán thư.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, loài ốc sên này có tên khoa học là Bradybaena similaris Ferus, còn gọi là ốc sên nhỏ hay ốc sên lá, nó xuất hiện và tàn phá mạnh vào năm 2016. 

Từ đầu năm đến nay, diện tích bị ốc sên gây hại khoảng 1.896 ha, mật độ trung bình từ 5-10 con/trụ, tăng 1.295 ha so cùng kỳ năm trước, phân bố tại Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình… Mưa càng nhiều, độ ẩm càng cao thì ốc sên càng thuận lợi để phát triển.

Anh Lê Công Hoàng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận cho biết, để phòng trừ bà con nông dân cần kết hợp nhiều biện pháp. 

Trước hết, cần vệ sinh vườn, làm cỏ gốc sạch sẽ, phát quang bờ ranh và các nơi trú ẩn của ốc sên đúng thời điểm. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các loại thuốc trị ốc bưu vàng có hoạt chất metaldehyde để diệt trừ ốc sên trên thanh long.

Đặc tính của loài ốc sên này thường ăn ban đêm, việc đánh bã hoặc rải thuốc diệt ốc cần được tiến hành vào buổi chiều mới mang lại hiệu quả. Chúng ta có thể rải ở đầu trụ, hoặc ở những nơi ốc thường trú ẩn và có thể kết hợp giữa nhóm thuốc này với một số loại bã. Mặt khác, các nhà vườn thanh long có bờ ranh giáp nhau cần phối hợp diệt ốc sên đồng loạt trong một thời điểm để tránh phát sinh trở lại, do ốc sên di chuyển từ vườn này sang vườn khác”

Anh Lê Công Hoàng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận.

Ngọc Diệp (Báo Bính Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem