Đánh thức tiềm năng chăn nuôi của Tây Nguyên (bài 3): Những điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ

Đình Văn - Văn Long Thứ năm, ngày 30/07/2020 10:16 AM (GMT+7)
5 tỉnh Tây Nguyên đều có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển ngành chăn nuôi, nhất là đại gia súc. Thế nhưng nhiều năm qua vùng này vẫn chưa khai thác thế mạnh đó hiệu quả, trong khi người chăn nuôi đang gặp không ít khó khăn và cần nhiều quyết sách mạnh hơn từ các cơ quan chức năng để “gỡ rối”.
Bình luận 0

Thiếu vốn, thiếu cỏ...

Theo ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, ngành chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng đang phát triển thuận lợi, với quy mô ngày càng lớn. Rất nhiều doanh nghiệp lên Lâm Đồng đầu tư các dự án về chăn nuôi. Thịt và sữa bò ở Lâm Đồng đều có giá trị rất cao. 

Tuy nhiên, thời điểm giá sữa tăng cao (2015-2016), người chăn nuôi tăng cơ học đàn bò sữa nhưng thiếu kiểm soát, dẫn đến chất lượng con giống bò sữa không cao, năng suất và chất lượng sữa thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất.

Đánh thức tiềm năng chăn nuôi của Tây Nguyên (bài 3): Những điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ  - Ảnh 1.

Việc vắt sữa bò bằng máy (tại Vinamilk Đà Lạt) giúp nâng cao chất lượng sản phẩm sữa tươi nguyên liệu. Ảnh: Đ.V

"Hiện nay, người chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng đã sử dụng gần như 100% máy vắt sữa. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại chính là giải pháp tạo đột phá trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kinh tế".

Ông Nguyễn Văn Châu

Công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn tinh bò thịt giá rẻ nhằm hạn chế nguồn tinh trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng chưa được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, làm ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi.

Đáng chú ý là các doanh nghiệp thu mua sữa tươi đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm sữa tươi. 

Trong đó một số công ty như Vinamilk Đà Lạt chỉ ký hợp đồng tiêu thụ cho những hộ có đàn bò tối thiểu trên 10 con. Đây cũng là khó khăn, thách thức đối với các hộ chăn nuôi mới, quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế trong việc sắp xếp lại quy mô chăn nuôi phù hợp.

"Bên cạnh đó, một khó khăn lớn mà ngành chăn nuôi Lâm Đồng cũng như các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang gặp phải là diện tích trồng cỏ và các loại cây thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt cao sản khó mở rộng do không cạnh tranh được với một số cây trồng chủ lực, đàn bò thường xuyên thiếu thức ăn trong mùa khô" - ông Châu cho biết thêm.

Tại Gia Lai, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, Gia Lai có nhiều cánh đồng cỏ lớn, khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp cho chăn nuôi, nhất là nuôi bò, lợn. Cần thiết, Gia Lai hoàn toàn có thể chuyển 10.000ha mía sang chăn nuôi và trồng cỏ.

Đánh thức tiềm năng chăn nuôi của Tây Nguyên (bài 3): Những điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ  - Ảnh 3.

Đàn bò sữa của Công ty Vinamilk Đà Lạt.

Ông Nghĩa cũng cho biết, Gia Lai đang khuyến khích ngành chăn nuôi đại gia súc, ứng dựng công nghệ cao và đẩy mạnh cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. 

Ngoài dự án chăn nuôi lợn cụ kị, bố mẹ với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng của 2 Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn vừa xin chủ trương đầu tư, Gia Lai cũng chuẩn bị đón một dự án chăn nuôi bò với số vốn tương tự.

Đột phá cách nào?

Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông có nhiều thuận lợi về cánh đồng cỏ, khí hậu thổ nhưỡng, tuy nhiên lại thiếu những nhà đầu tư lớn và các dự án chăn nuôi đồng bộ từ A đến Z. 

"Chúng ta phải có cơ chế để thu hút lực lượng doanh nghiệp đầu tư các đại dự án chăn nuôi tại Tây Nguyên. Bên cạnh kêu gọi đầu tư thì chính quyền các tỉnh cũng phải tăng cường giám sát để tránh gây ô nhiễm môi trường" - ông Lưu Trung Nghĩa khẳng định.

Riêng đối với chăn nuôi lợn, thời gian qua dịch bệnh tả lợn châu Phi cũng xảy ra chủ yếu ở quy mô nông hộ, song đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất chăn nuôi của các tỉnh Tây Nguyên. 

Đặc biệt, sau dịch, người chăn nuôi ở không ít địa phương rơi vào tình trạng "trắng chuồng", bà con khó tái đàn vì quy mô vốn ít, không đảm bảo đầy đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, trong khi giá lợn giống vừa đắt đỏ, vừa khan hiếm…

Còn ông Phạm Phi Long - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y, thủy sản Lâm Đồng cũng cho biết, trước những khó khăn, vướng mắc đối với ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh, địa phương đã tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng giống vật nuôi; chú trọng phát triển đồng cỏ và nguồn thức ăn thô xanh cho chăn nuôi bò, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chế biến và bảo quản thức ăn cho bò sữa. Đặc biệt, người chăn nuôi và ngành chức năng đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu.

"Trong năm 2020, chúng tôi khuyến khích phát triển đàn bò sữa theo hướng tăng tự nhiên, sử dụng nguồn tinh bò giống có năng suất, chất lượng để phối giống. Hạn chế việc nhập bò giống từ các tỉnh khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ về nuôi trong tỉnh. 

Có giải pháp hỗ trợ người dân để tăng chất lượng sữa bò tại địa phương, nâng quy mô tổng đàn bò sữa đạt trên 23.000 con và sản lượng sữa tươi đạt trên 84.000 tấn. Trên 95% sản lượng sữa tươi do nông dân sản xuất được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ, chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định" - ông Long thông tin. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem