Đánh thuế căn hộ cho thuê, người thuê chắc chắn phải 'gánh'

Quốc Hải Thứ hai, ngày 17/05/2021 17:30 PM (GMT+7)
Chính sách đánh thuế tài sản cho thuê là điều phải làm, nhưng sẽ tác động lớn đến đối tượng thuê nhà, đặc biệt là học sinh - sinh viên, người nhập cư, lao động thu nhập thấp... Chủ nhà chắc chắn sẽ tăng giá thuê để bù lại tiền bị đánh thuế.
Bình luận 0

Thực tế, thuế cho thuê nhà đã có từ lâu. Theo quy định, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế, theo đó, người cho thuê nhà sẽ phải đóng 5% thuế GTGT và 5% thuế TNCN.

Với quy định "cứng" như vậy, chỉ cần người cho thuê nhà có doanh thu từ 8,5 triệu đồng/tháng trở lên là phải đóng thuế.

Đánh thuế căn hộ cho thuê, người thuê chắc chắn phải "gánh"  - Ảnh 1.

Thị trường mặt bằng - nhà cho thuê ở TP.HCM ảm đạm từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay (Ảnh: Quốc Hải)

Tuy nhiên, từ lâu nay khoản thuế này đã không bị quản lý chặt, nên khi TP.HCM "siết" lại việc thu thuế này (thí điểm ở một số dự án chung cư tại Q.11) thì mới khiến người dân xôn xao, lo lắng; đặc biệt với những người vay vốn ngân hàng để mua nhà khi bài toán tài chính ban đầu đưa ra chỉ là dựa vào nguồn thu cho thuê để… trả lãi ngân hàng, nay bị tính thuế tới 10% khoản thu này thì mới lo lắng sẽ hụt nguồn thu.

Thu thuế là hợp lý và công bằng (!?)

Song, giới chuyên gia kinh tế - tài chính lại ủng hộ việc "siết" nguồn thu này, vì theo họ, việc này mới hợp lý và công bằng với các ngành nghề kinh doanh khác.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho hay, ông ủng hộ việc "siết" nguồn thu thuế này bởi tất cả lĩnh vực hoạt động có doanh thu đều phải chịu thuế, không kể là nhà đầu tư cá nhân hay doanh nghiệp.Tất nhiên với nhà đầu tư cá nhân thì phải có một mức quy định tối thiểu để không phải chịu thuế.

"Nếu với người cho thuê nhà mà doanh thu ở mức tối thiểu này thì không phải chịu thuế, nhưng nếu từ mức tối thiểu này trở lên thì phải chịu thuế. Theo tôi, mức tối thiểu để chịu thuế trong thời điểm này vào khoảng 10 triệu/tháng là hợp lý", ông Hiếu nói.

Đánh thuế căn hộ cho thuê, người thuê chắc chắn phải "gánh"  - Ảnh 2.

Tại TP.HCM, hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư mua nhà để đầu tư cho thuê (Ảnh: Quốc Hải)

Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển lại có cái nhìn khá bao quát về vấn đề, theo ông, Việt Nam là kinh tế thị trường, chúng ta hãy nhìn từ 1985 đến nay đã có bước tiến rất dài, nói thẳng ra là mặc dù chúng ta vẫn nói Việt Nam người dân còn nghèo nhưng thực tế thì tài sản của người dân tăng lên rất nhiều, và có sự phân hóa rất rõ.

Đặc biệt tại TP.HCM, những người có tiền theo tiêu chuẩn thế giới là thuộc loại rất giàu, tức là người có nhà thứ 2, có tài sản trên 1 triệu USD rất nhiều.

"Tôi nói nhiều vấn đề là để lý giải vì sao chúng ta theo kinh tế thị trường, và đời sống, tài sản người dân, người giàu ở Việt Nam tăng lên rất nhiều, nhưng chúng ta lại không thực hiện đúng kinh tế thị trường? Một vấn đề khác, đó là phải điều tiết thu nhập của người có tiền một cách hợp lý theo các công cụ cơ bản đó là thuế tài sản, thuế TNCN. Trên thực tế, thuế TNCN đã áp dụng nhiều năm nhưng mới xem như chỉ đánh trên người làm công thôi, còn người có tài sản (cho thuê nhà…) thì vẫn chưa làm tốt", ông Hiển lý giải.

Theo chuyên gia này, trong kinh tế thị trường, kinh doanh cái gì đều phải nộp thuế, còn vấn đề thuế suất bao nhiêu cho hợp lý thì phải tính toán. Bởi, vấn đề thuế suất trong kinh doanh vẫn chỉ là phần ít trong cái phần lời, tiếp theo, so với các lĩnh vực khác thì thuế suất này vẫn ở mức trung bình.

"Nếu nói thu thuế với người cho thuê nhà có hợp lý không thì vấn đề này là thừa trong kinh tế thị trường. Còn nói người mua nhà còn phải trả nợ ngân hàng nên thu thuế này không hợp lý cũng thừa luôn. Ví dụ như người kinh doanh vay nợ để mở quán cà phê thì cũng là vay nợ vậy, cũng phải trả nợ ngân hàng, mà họ lại không có tài sản thì tại sao phải phân biệt chuyện người cho thuê nhà phải chịu thuế - là vấn đề đương nhiên trong kinh tế thị trường", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lý giải.

Tóm lại, theo ông Hiển, việc đánh thuế người cho thuê nhà là hợp lý bởi 3 nguyên nhân: Thứ nhất, đây là việc đương nhiên trong kinh tế thị trường.

Kế đến chính việc đánh thuế này mới giúp cho công cụ thuế hợp lý hơn thay vì đánh thuế gián tiếp, cuối cùng việc này lại đổ đồng lên người dân, trong đó đa phần là những người không có tài sản thông qua các loại thuế phí khác.

Và vấn đề cuối cùng là nguồn thu thuế này phải được sử dụng đúng mục đích cho ngân sách, chính những nguồn thu này ngày càng cải thiện tăng lên làm cơ sở cho chính quyền giảm bớt các thuế, phí khác đã đổ đồng lên đa số người dân.

Lo đợt tăng giá thuê nhà thời gian tới

Câu chuyện "siết" tính thuế cho thuê nhà, bên cạnh nỗi lòng của người dân vay mượn ngân hàng để mua nhà đầu tư cho thuê, thì người đi thuê cũng lo lắng không kém. Bởi, suy cho cùng khi mức thuế này khi được "siết", chắc chắn chủ nhà sẽ tăng giá thuê để bù lại chi phí tiền thuế đã bị thu.

Chị Nguyễn Ngọc Hương (Q.7, TP.HCM), cho biết, lâu nay chị thuê căn hộ Hoàng Anh Gia Lai 3 phòng ngủ với mức giá 8 triệu đồng/tháng, chị ở một phòng nhỏ, 2 phòng còn lại cho sinh viên thuê ở ghép với mức giá 6 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh xảy ra, nhiều sinh viên trả phòng nên một thời gian dài chị phải 'gồng gánh' khoản chi phí 6 triệu đồng/tháng vì kiếm được nhà với mức giá này là… không dễ.

"Tôi chỉ lo sau khi dịch bệnh ổn định, chủ nhà lại tăng giá nhà thì không biết sao nữa. Vì mấy hôm rồi thấy chủ nhà nói bóng gió là khó khăn quá, tính tăng giá vì mức giá hiện nay không phù hợp nữa", chị Hương lo lắng.


Đánh thuế căn hộ cho thuê, người thuê chắc chắn phải "gánh"  - Ảnh 4.

Do thiếu nguồn cung nên các dự án mới được đưa ra thị trường đều rất hút nhà đầu tư quan tâm (Ảnh: Quốc Hải)

Phó giám đốc một DN bất động sản ở TP.HCM thì nhận định, thông tin đánh thuế với tài sản cho thuê, nghe qua thì nghĩ rằng người cho thuê, chủ hộ sẽ lo lắng, nhưng bản chất bên đi thuê mới là đối tượng phải trả tiền. Bởi, khi bị "siết" thuế, chắc chắn chủ tài sản cho thuê sẽ tìm cách tăng giá để bù lại phần thuế, và đối tượng học sinh - sinh viên, người nhập cư, lao động thu nhập thấp… đi thuê nhà sẽ phải gồng gánh chi phí, đó là thực tế.

"Đây là nguyên nhân đòi hỏi phải cấp thiết phát triển BĐS cho người thu nhập thấp, bởi không mua nổi nhà, người dân sẽ phải rơi vào tình trạng 'buộc phải thuê' khi giá thuê nhà tăng, còn nếu không thì phải chấp nhận dạt ra vùng ven, huyện ngoài thành, thậm chí tỉnh giáp ranh như Long An, Bình Dương… thì mới còn nhà cho thuê giá rẻ", vị này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem