Đánh thuế nhà trên 700 triệu: Bộ Tài chính cần nghiên cứu thấu đáo “kinh nghiệm quốc tế”

Nguyệt San (thực hiện) Thứ ba, ngày 17/04/2018 07:03 AM (GMT+7)
Bày tỏ quan điểm về dự án Luật thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng nguyên lý đánh thuế tài sản ở phương Tây chủ yếu là để kích thích việc sử dụng tài sản đó có hiệu quả hơn. Vì vậy, Bộ Tài chính cần nghiên cứu thấu đáo cái gọi là “kinh nghiệm quốc tế” trong trường hợp này.
Bình luận 0

Dự án Luật Thuế tài sản với đề xuất đánh thuế tài sản như ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ trở lên bị đánh thuế; nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ bị đánh thuế khoảng 0,4%/năm của Bộ Tài chính đang vấp phải nhiều tranh cãi trái chiều. Theo Bộ Tài chính, cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản là để tăng thu ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế.

img

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia (Ảnh: MH)

Vậy có thực là có một “thông lệ quốc tế” như thế cho Luật thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa dự thảo? Để tìm câu trả lời, “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, người đã có nhiều nghiên cứu và hiểu biết sâu sắc về chính sách tài chính của các quốc gia trên thế giới.

Bộ Tài chính cho rằng, theo thông lệ quốc tế thì thuế tài sản là khoản thu lớn, tăng cường nguồn lực cho quốc gia. Vậy thưa ông, luật thuế tài sản như Bộ Tài chính vừa dự thảo có thực sự phổ biến trên thế giới?

Bộ Tài chính cần nghiên cứu thấu đáo cái gọi là “kinh nghiệm quốc tế” trong trường hợp này. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều người học nước ngoài về và hiểu thuế tài sản ở các nước là nhằm mục đích gì và hướng tới ai, vì vậy cần đặt “kinh nghiệm quốc tế” trong hoàn cảnh và mục đích nào? Là câu hỏi cần được làm rõ.

Nguyên lý đánh thuế tài sản ở phương Tây chủ yếu là để kích thích việc sử dụng tài sản đó có hiệu quả hơn. Ví dụ, quy định đánh thuế đất dư thừa trong một khuôn viên nhà ở để tránh tình trạng gia đình sở hữu quá nhiều đất, mà lẽ ra đất đấy có thể dùng vào công việc khác hiệu quả, sinh lợi hơn.

Hoặc là đánh thuế chênh lệch giá tài sản, như khi anh mua một căn hộ để đầu cơ, khi mua với giá 1 tỷ, khi bán anh bán được 1,5 tỷ, Chính phủ sẽ đánh thuế trên chênh lệch giá đấy, có thể là từ 7-10%. Còn với trường hợp những người mua nhà để cho thuê thì sẽ đánh thuế vào thu nhập cho thuê của họ như một khoản thu nhập thông thường.

"Nếu Bộ Tài chính lấy lý do vì Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng trước đó để đánh thuế thì hoàn toàn vô lý. Bởi cơ sở hạ tầng cũng là từ tiền thuế của dân mà xây dựng lên. Vì thế, Bộ Tài chính không thể nói rằng “cơ sở hạ tầng là của tôi” nên “tôi” có quyền thu thuế. “Tôi” ở đây là ai? Tôi ở đây phải hiểu là của người dân chứ không phải là Chính phủ", TS. Lê Xuân Nghĩa.

Vì vậy, việc đánh thuế nhà ở, nhà đang ở là một việc cần được cân nhắc một cách rất thận trọng, bởi nhà ở là do người ta cả đời tiết kiệm hoặc tích luỹ từ nhiều đời mới mua được và dựa trên những nguồn thu từ lao động, kinh doanh đã nộp thuế cho Chính phủ bằng cách này hay cách khác, vậy mà lại tiếp tục bị đánh thuế. Thử hỏi đánh thuế như vậy để làm gì? Dựa trên cơ sở nào? Và vì sao phải đánh thuế?

Thiết nghĩ, thay vì nghĩ tới việc đánh thuế tài sản của người dân thì trước hết Bộ Tài chính hãy nhanh chóng tập trung thu hồi các dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nhưng vẫn đang nằm “đắp chiếu” hoặc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang hoạt động cầm chừng, không mang lại lợi nhuận. Sau khi thu hồi nhà nước có thể bán cho khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài để thu tiền về cho dân và làm khối lượng tài sản khổng lồ này được sử dụng có hiệu quả hơn.

Nói cách khác, thay vì đánh thuế tài sản của người dân thì nên đánh thuế chính tài sản của nhà nước và lượng tài sản mà DNNN đang có thì cả “một đống” không hề nhỏ.

Như vậy có nghĩa là đề xuất Luật thuế tài sản hiện nay của Bộ Tài chính là bất hợp lý, thưa ông?     

Xét về mức độ phát triển thì ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay nên là tối đa hoá sản lượng của nông nghiệp làm nền tảng cho công nghiệp hoá như kinh nghiệm của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Vì vậy có thể trong tương lai chúng ta nên xem xét việc đánh thuế tài sản là đất không được sử dụng một cách có hiệu quả để tối đa hoá sản lượng nông nghiệp và sử dụng cho có hiệu quả hơn.

Có những việc như chiếm dụng quá nhiều đất để làm trang trại thì phải đánh thuế để sử dụng đất có quả hơn. Hiểu nôm na là thay vì để một ông chủ làm trang trại hàng trăm hec-ta đất chỉ để thỉnh thoảng rủ bạn lên nhậu thì để người nông dân canh tác trên mảnh đất ấy sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều.

Còn việc đánh thuế tài sản là ô tô thì lại là việc càng phải cân nhắc thận trọng hơn. Nếu nhìn rộng ra các nước phát triển, có thể thấy chính sách thuế tài sản với ô tô của Việt Nam là nửa vời và đi ngược lại mục tiêu bảo vệ môi trường.

img

Một loạt thuế được bộ tài chính đề xuất đánh thuế trong thời gian gần đây khiến người dân gồng mình(Ảnh: IT)

Lấy ví dụ ở Singapore, vì muốn hạn chế hết mức lượng ô tô lưu thông trong đô thị vì mục tiêu  bảo vệ môi trường và tránh ùn tắc, người dân Singapore dù sở hữu 1 chiếc xe riêng, có bằng lái, giấy tờ đầy đủ, nhưng trước khi chiếc xe được lưu hành chủ sở hữu vẫn phải nộp cho Chính phủ một khoản phí là 81.000 USD Singapore. Biện pháp này hạn chế ô tô lưu hành rất hiệu quả, chứ không như ta là đánh thuế ô tô có giá cao.

Có ý kiến đặt vấn đề rằng, đề xuất đánh thuế tài sản nêu trên của Bộ Tài chính còn có nguy cơ  khuyến khích gian lận thương mại, người dân, doanh nghiệp sẽ bằng cách này hay cách khác để “lách luật”, trốn thuế. Xin ông cho biết ý kiến của mình?

Việc đánh thuế ô tô có giá từ 1,5 tỷ trở lên theo đề xuất của Bộ Tài chính dễ xảy ra tình trạng lợi bất cập hại. Như vậy là vô tình khuyến khích đi ô tô giá rẻ, vừa không đáp ứng mục tiêu về môi trường cũng không đáp ứng được mục tiêu giảm ùn tắc. Nói đúng hơn đây chỉnh là một hình thức trá hình của thuế thu nhập và thuế xe nhập khẩu. Điều này có thể vấp phải sự phản đối dữ dội từ các hãng ô tô quốc tế dựa trên nguyên tắc tự do hoá thương mại

Điều này là không loại trừ. Nghĩ tới việc đánh thuế tài sản, Bộ Tài chính cần phải cân nhắc giữa số thuế thu được và chi phí thu thuế bỏ ra để rồi quyết định nên mở rộng diện thuế, cơ sở thuế tới đâu. Với cách thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản hiện nay của nước ta thì phải có một lực lượng thu thuế khổng lồ mới có thể thống kê và xác định tài sản ở mức khả dĩ để tính thuế. Cộng với đó là một lực lượng thu thuế khổng lồ không kém để tính toán các mức thu và các loại thuế.

Thiết nghĩ, việc nên làm trước mắt của ngành thuế là xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, cập nhật các biến động mới, trên cơ sở đó cân nhắc xem có thể đánh thuế tài sản nào ở mức bao nhiêu mà không làm tăng chi phí thu thuế?

Với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại, tôi đồ rằng áp dụng các loại thuế như đề xuất của bộ tài chính có thể dẫn tới rất nhiều tiêu cực, khiếu kiện và khiến cho tình trạng gian lận, kém minh bạch lan tràn trong xã hội, nguy cơ làm mất lòng tin trong dân chúng là rất lớn.

Bộ Tài chính dường như đang phải đứng giữa rất nhiều các mục tiêu khó khăn và  buộc phải có giải pháp. Khó khăn đó  là làm sao cân đối ngân sách, tăng thu ngân sách để ứng phó với việc thuế xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ bằng 0. Vậy xin ông hiến kế cho Bộ Tài chính để có một giải pháp căn cơ hơn?

"Chúng ta không nên làm lãng phí tài nguyên vì những đề án “làm mới” các doanh nghiệp đắp chiếu mà phải cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách thực sự bằng cách dứt khoát chi phá sản trên tinh thần huỷ diệt để sáng tạo. Hãy hiểu rằng việc một doanh nghiệp đã già cỗi chết đi là quy luật của tự nhiên và không thể nào có một con voi đầu đàn cứ mãi là đầu đàn được", TS. Lê Xuân Nghĩa.

Quan trọng nhất vẫn là hướng tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, có 1 điều đáng ngạc nhiên đang diễn ra là tỷ lệ tiết kiệm/GDP của Việt Nam là con số này giảm xuống rất nhanh và rất thấp so với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Đài Loan trước đây – thời kỳ kinh tế của họ ngang như mình. Vì thế, chúng ta cần hết sức lưu ý rằng, bất cứ việc mở rộng ngân sách nào gắn với nó sẽ là nợ công. Điều đó rất nguy hiểm.

Một nhà kinh tế học của Mỹ từng nói một câu rất đúng trong hoàn cảnh này của Việt Nam: Nợ của nước ngoài nếu dùng để học tập được, tiếp thu được những tiến bộ công nghệ thì tốt, còn nếu không thì đó là một thảm hoạ.

Phân tích câu nói trên, có thể hiểu là nếu không học được tiến bộ công nghệ thì có nghĩa là đã đầu tư vào chỗ không sinh lời. Vì vậy vấn đề đặt ra ở đây là cần thu hẹp dần tỷ lệ nợ/GDP, đặc biệt là nợ nước ngoài; thu hẹp dần chi tiêu ngân sách, thu hẹp dần quy mô của ngân sách và để thu lớn hơn chi là cách tiếp cận tốt nhất.

Để làm được việc này, chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử để tiết kiệm nhân lực, giảm giấy phép con. Cùng với đó là phải có kỷ luật thép giống Hàn Quốc, kiên quyết loại bỏ doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.

Xin cám ơn tiến sỹ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem