Vô tình đào được pho tượng cổ 30 năm trước tại chùa làng ở Bắc Ninh, nay là bảo vật Quốc gia

Thứ hai, ngày 15/05/2023 05:04 AM (GMT+7)
Bảo vật Quốc gia - Tượng Quan Âm bằng đá thời Lê Sơ, niên đại 1449 vừa được Nhà nước công nhận đợt 11 năm 2022 hiện được bảo quản, thờ phụng tại chùa làng Cung Kiệm (xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Bình luận 0

 Chùa Cung Kiệm (xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) có tên chữ là Thượng Phúc tự (nghĩa là phúc trên tỏa khắp) được xây dựng trên một gò đất cao ở cuối làng, theo hướng Đông, xung quanh là cây cối xanh mát.

Dẫu nay chỉ là một ngôi chùa làng nhỏ bé, song chùa làng Cung Kiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, gắn bó gần gũi, thân thuộc với người dân địa phương. 

Người làng Cạm-Cung Kiệm truyền rằng, chùa xưa cổ kính có từ lâu đời, quy mô lớn hàng trăm gian với các tòa ngang dãy dọc liên thông nhau. 

Vào thời Lê Sơ, chùa được nhiều người biết đến và cung tiến tiền của vào việc tu bổ, tôn tạo, tạc tượng phật và đặt hậu. Trải qua trường kỳ lịch sử, khói lửa chiến tranh, thiên tai lũ lụt, chùa xưa bị phá hủy hoàn toàn, sau đó chính quyền và nhân dân địa phương hưng công xây dựng lại chùa trên nền đất cũ.

Vô tình đào được pho tượng cổ 30 năm trước tại chùa làng ở Bắc Ninh, nay là bảo vật Quốc gia - Ảnh 1.

Bảo vật Quốc gia - Tượng Quan Âm thời Lê Sơ ở chùa Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Hiện nay, chùa có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm Tiền đường 7 gian thông liền với 3 gian Thượng điện. Trong khuôn viên chùa còn có nhà Tổ 5 gian và tháp sư tổ trụ trì... 

Chùa còn bảo lưu được một số hiện vật quý như bia đá, hệ thống tượng Phật được tạo tác công phu, nghệ thuật, trong đó tiêu biểu và giá trị nhất pho tượng Quan Âm bằng đá, niên đại 1449.

Bảo vật Quốc gia - Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm đang được bảo quản trong khám, đặt trên bục cao, sát vách tường phía sau, bên phải tòa Thượng điện. 

Pho tượng cao 88,7cm gồm 2 phần chính: Phần bệ cao 36,9cm và phần thân tượng cao 51,8cm. Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi thiền, bán kiết già, đường nét chạm khắc tinh tế, mềm mại. Khuôn mặt bầu, phúc hậu toát lên vẻ từ bi của nhà Phật. 

Đầu pho tượng Quan Thế Âm đội mũ thiên quan được trang trí rất tỉ mỉ với các đồ án hoa sen, hoa mai, hoa dây cách điệu. Đây là pho tượng Quan Âm bằng đá duy nhất tạo hình bệ tượng với sự xuất hiện của đôi thủy quái đang trong tư thế ngóc cao đầu, vượt lên sóng biển, ngoảnh mặt vào nhau cùng đội đài sen. Hình tượng này có nguồn gốc từ truyền thuyết Quan Âm Quá Hải trong kinh Phật kể về tích Quan Âm vượt biển nhìn xuống dưới thấy đám thủy quái đang hoành hành dữ dội. Bà đã ra tay cứu vớt chúng sinh và thuần phục đám thủy quái.

Điểm độc đáo đáng chú ý của pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm là phần minh văn khắc trên tượng. Giới nghiên cứu đã xác định có tất cả 67 chữ Hán, trong đó 39 chữ khắc trên lưng tượng và 28 chữ khắc trên bệ tượng. 

Phần minh văn cung cấp thông tin về niên đại tạo tác, địa chỉ, tên các tín chủ công đức. Pho tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử tạo tượng Việt Nam, bởi tín ngưỡng thờ Quan âm được du nhập vào nước ta từ rất lâu nhưng không có một bằng chứng chính xác để xác nhận tín ngưỡng này có mặt tại Việt Nam ở thời điểm nào. 

Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm là một bằng chứng chính xác để chứng minh cho tín ngưỡng thờ cúng Quan âm ở nước ta có từ rất sớm, ít nhất là tại miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ 15.

Vô tình đào được pho tượng cổ 30 năm trước tại chùa làng ở Bắc Ninh, nay là bảo vật Quốc gia - Ảnh 2.

Chùa làng Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài ra, nội dung minh văn còn cho thấy nét riêng của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo bản địa - “văn cung tiến” xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Theo PGS. TS Trần Trọng Dương: “Cung tiến là hoạt động quyên góp từ thiện một cách tự nguyện, là hành vi thể hiện niềm tin của các tín đồ bằng cách đóng góp các loại tài sản khác nhau cho các cơ sở thờ tự của các cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo. 

Họ tin rằng, sự đóng góp (cả bằng vật chất và hành động lao động công ích) dù ít hay nhiều, đều thể hiện niềm tin và tấm lòng thiện lành của mình đối với cộng đồng tín ngưỡng chung”.

Kể về bảo vật quý, bà Bùi Thị Hoàng có gần 60 năm gắn bó với chùa làng kể: Khoảng hơn 30 năm trước, trong quá trình tu sửa, xây dựng lại ngôi chùa đổ nát, khi đào móng, bà con phát hiện phần đầu tượng, nhưng không ai biết đó là của pho tượng nào, mấy hôm sau lại phát hiện thấy phần thân tượng, các cụ mang hai phần ghép vào nhau thì vừa khít. Sau đó dân làng dùng xi măng chắp gắn lại thành pho tượng hoàn chỉnh để thờ phụng...

Thượng tọa Thích Giới Thanh, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo thị xã Quế Võ, Trụ trì chùa Cung Kiệm cho biết: Chùa Cung Kiệm được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1996. 

Cùng với Tượng Phật Bà Quan Âm có giá trị đặc biệt vừa được nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia, chùa Cung Kiệm còn bảo lưu được 3 tấm bia đá, trong đó có một tấm bia tứ diện được tạo dựng vào năm 1676 và 2 tấm bia “Hậu phật bi ký” được dựng khắc vào năm 1705 và 1806. 

Đây là niềm trân quý, tự hào của một ngôi chùa làng nhỏ bé. Nhà chùa cùng với chính quyền, nhân dân địa phương luôn cố gắng bảo vệ, giữ gìn di sản, tâm nguyện ông cha gửi gắm từ hàng trăm năm qua, đồng thời chúng tôi sẽ quan tâm, tổ chức các chương trình, hoạt động để tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa của Bảo vật và di tích.

V.Thanh (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem