Đào tạo lái xe trên cabin, học viên lo lắng, Trung tâm "ngồi trên đống lửa"

Thế Anh Thứ ba, ngày 22/11/2022 17:33 PM (GMT+7)
Từ ngày 1/1/2023, người học lái xe ôtô buộc phải thi trên mô hình leo núi, đi vào đường cao tốc trên cabin điện tử đang khiến nhiều cơ sở đào tạo lái xe "ngồi trên đống lửa" vì chưa có đủ thiết bị đạt chuẩn.
Bình luận 0

Đưa mô phỏng lái xe vào quy trình đào tạo

Về phần quản lý nhà nước đối với việc đào tạo lái xe, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Vận tải và quản lý phương tiện người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: "Nếu trung tâm nào không trang bị đủ cabin sẽ không được phép đào tạo lái xe ôtô".

Đào tạo lái xe trên cabin, học viên lo lắng, Trung tâm "ngồi trên đống lửa" - Ảnh 1.

Học viên thi thực hành cấp giấy PLX. Ảnh: CTV

Theo đó, để được cấp GPLX, học viên phải học qua phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết.

Cùng với đó, học viên phải làm quen trên mô phỏng với tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông.

"Việc trang bị phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học," ông Thống khẳng định.

Làm khó Trung tâm đào tạo

Về phía Trung tâm đào tạo, trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc của một Trung tâm sát hạch lái xe cho rằng: "Việc trang bị phần mềm và cabin điện tử vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành".

"Tuy nhiên, việc triển khai trang bị cabin cần có lộ trình thí điểm, kiểm chứng và rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà", anh Tuấn cho hay.

Theo anh Tuấn, giá thành của mỗi cabin có giá 400 - 500 triệu đồng, số tiền mà hàng trăm cơ sở đào tạo sát hạch trên toàn quốc bỏ ra sẽ rất lớn. Nếu trang bị khoảng 20 - 30 cabin, Trung tâm sẽ phải bỏ khoảng 10 - 15 tỷ đồng. Đây là số vốn lớn trong bối cảnh các trung tâm đào tạo vẫn chưa phục hồi "sức khỏe" tài chính sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Đào tạo lái xe trên cabin, học viên lo lắng, Trung tâm "ngồi trên đống lửa" - Ảnh 2.

Quy định đào tạo lái xe bằng phần mềm mô phỏng sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12/2021, thay vì ngày 1/1/2021 như quy định cũ. Ảnh: CTV

"Giờ bỏ ra hàng tỷ đồng để trang bị các cabin học lái phục vụ cho việc thi sát hạch lái xe là điều không dễ dàng. Nếu bắt buộc phải trang bị sẽ gây áp lực tài chính cho những cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe", anh Tuấn cho hay.

Anh Tuấn cho rằng: "Nếu đầu tư cabin, chi phí học lái xe của học viên sẽ tăng cao và ảnh hưởng tới tài chính của học viên.

Theo các chuyên gia đánh giá, Bộ GTVT ban hành quy chuẩn cabin điện tử nhưng chưa có nhà cung cấp được công nhận có sản phẩm hợp quy để cung cấp loại thiết bị này ra thị trường. Việc này, đang làm khó cho các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe. Đặc biệt, thiết bị chưa được thử nghiệm sẽ rất khó để đánh giá cabin giúp việc đào tạo lái xe hiệu quả ra sao?

Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) có văn bản gửi các Sở Giao thông Vận tải địa phương về việc trang bị, sử dụng cabin đào tạo lái xe ôtô.

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất cabin học lái xe ôtô tại địa phương nghiên cứu, triển khai các trình tự, thủ tục hợp quy thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe, cabin học lái xe theo quy định tại Nghị định 132/2008 của Chính phủ.

Các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất cabin học lái xe ôtô gửi hồ sơ công bố hợp quy để Cục Đường bộ Việt Nam công bố sản phẩm đủ điều kiện trước khi cung cấp cho các cơ sở đào tạo lái xe.

Bên cạnh đó, các Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở đào tạo theo dõi các doanh nghiệp đã được công bố có sản phẩm hợp quy trên trong thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam. Căn cứ vào công bố này, các cơ sở đào tạo lái xe ôtô trang bị và sử dụng cabin học lái xe ôtô theo lộ trình được quy định tại Thông tư 04/2022 của Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ GTVT đã có quyết định lựa chọn một đơn vị thử nghiệm cabin điện tử học lái xe ôtô, các nhà sản xuất thiết bị sẽ có đủ thời gian đưa thiết bị đi thử nghiệm trước 1/1/2023.

Trước đó, đầu tháng 3/2022, Bộ GTVT đã ban hành quyết định chỉ định đơn vị chứng nhận sự phù hợp sảm phẩm theo Quy chuẩn 106:2020 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe ôtô và cabin học lái xe ôtô.

Gần đây nhất, ngày 28/10, Bộ GTVT cũng đã ban hành quyết định chỉ định đơn vị thử nghiệm thiết bị cabin học lái xe ôtô theo Quy chuẩn đã được Bộ ban hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem