Đập Tam Hiệp đẩy loài cá khổng lồ này của Trung Quốc vào cảnh tuyệt chủng hoàn toàn

Thứ ba, ngày 07/07/2020 07:00 AM (GMT+7)
Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất hành tinh của Trung Quốc nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi, trong đó bao gồm việc xây dựng con đập này đã đẩy một số loại động vật quý hiếm trong khu vực sông Dương Tử vào chỗ tuyệt chủng.
Bình luận 0
Đập Tam Hiệp đẩy loài cá khổng lồ này của Trung Quốc vào cảnh tuyệt chủng hoàn toàn - Ảnh 1.

Đập Tam Hiệp.

Đầu năm 2020, các nhà nghiên cứu thông báo tin buồn rằng một loài khác sống ở khu vực sông Dương Tử hiện đã tuyệt chủng đó là cá mái chèo Trung Quốc, họ hàng gần của gia đình cá tầm.

Một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc đã kết luận rằng sau 200 triệu năm, cá mái chèo dài có thể dài tới 7m giờ đây đã biến mất khỏi sông Dương Tử mãi mãi.

Đập Tam Hiệp đẩy loài cá khổng lồ này của Trung Quốc vào cảnh tuyệt chủng hoàn toàn - Ảnh 2.

Cá mái chèo Trung Quốc là loại cá khổng lồ dài từ 3 - 7m và nặng tới 300-500kg.

Mặc dù thông tin trên sau đó được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế, nhưng thực ra đây là điều không bất ngờ đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Thực tế, các nhà nghiên cứu đã phỏng đoán cá mái chèo tuyệt chủng vào khoảng năm 2005. Lần cuối cùng một con cá sống được tìm thấy là vào năm 2003.

Trước đó 10 năm, các nhà khoa học đã tuyên bố rằng loài cá này đã "tuyệt chủng về chức năng", tức là thiếu bạn tình nên không thể sinh sản nữa.

Các nhà khoa học cũng đã giải thích lý do đằng sau sự biến mất của cá mái chèo Trung Quốc. Theo đó, tác động kép của việc đánh bắt quá mức cộng với việc xây dựng hàng loạt các con đập lớn nhỏ, đặc biệt là đập lớn nhất hành tinh Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã đẩy loài cá mái chèo Trung Quốc vào cảnh tuyệt chủng.

Đập Tam Hiệp đẩy loài cá khổng lồ này của Trung Quốc vào cảnh tuyệt chủng hoàn toàn - Ảnh 3.

Cá mái chèo Trung Quốc ở sông Dương Tử đã tuyệt chủng mãi mãi.

Số lượng cá mái chèo Trung Quốc được cho là đã giảm dần trong thế kỷ qua. Mặc dù vậy, cho đến những năm 1970, vẫn có tới 25 tấn cá mái chèo vẫn được thu hoạch hàng năm. Nhưng khi những đập Tam Hiệp và một số đập nhỏ hơn được xây dựng trên sông Dương Tử vào những năm 1980, chúng đã xóa sổ bãi đẻ của cá mái chèo và đặt dấu chấm hết cho số phận của loài cá khổng lồ này.

Cá mái chèo Trung Quốc là loài cá nước ngọt săn mồi lớn nhất và là một trong hai loài cá mái chèo tồn tại trên Trái đất. Họ hàng duy nhất còn lại của nó là cá mái chèo Mỹ , được tìm thấy trong lưu vực sông Mississippi. Cá mái chèo Trung Quốc dài từ 3 - 7m và nặng tới 300-500kg. Cả hai loài cá mái chèo đều có quan hệ gần gũi với họ cá tầm, trong đó 85% bị đe dọa tuyệt chủng. Điều này làm cho chúng trở thành nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên toàn cầu.

Tác động tiêu cực của đập Tam Hiệp đến môi trường

Một trong những tranh cãi lớn nhất xung quanh đập Tam Hiệp là mức độ thiệt hại mà con đập gây ra cho môi trường.

Ước tính rằng 70% nước ngọt Trung Quốc bị ô nhiễm và con đập có thể làm cho nó tồi tệ hơn rất nhiều. Đập Tam Hiệp nằm bên trên các cơ sở xử lý chất thải cũ và cơ sở khai thác mỏ. Chưa kể, 1 tỉ lít nước thải thô được lắng đọng ở sông Dương Tử mỗi năm.

Khu vực xung quanh đập Tam Hiệp là nơi cư ngụ của 6.400 loài thực vật, 3.400 loài côn trùng, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn.

Con đập không chỉ ảnh hưởng đến các loài này mà còn cả môi trường sống của chúng, đẩy một số loài quý hiếm vào cảnh tuyệt chủng và nguy cơ tuyệt chủng.

Xói mòn hồ chứa đã gây ra lở đất và thậm chí đe dọa một trong những ngành ngư nghiệp lớn nhất thế giới. Con đập quá lớn đến nỗi nó đã tạo ra một vi khí hậu đe dọa hệ sinh thái của khu vực.

Minh Nhật (Phys)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem