“Đặt cược” nghìn tỷ vào doanh nghiệp thua lỗ, Bầu Hiển đang nhắm tới đất vàng?

Trung Anh Thứ bảy, ngày 19/05/2018 07:30 AM (GMT+7)
Việc các công ty có liên quan đến ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) tích cực tham gia mua cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá, thoái vốn như Vinafood II, Vinafor, Vegetexco, Vigecam... đang kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ nhưng lại sở hữu những mảnh đất vàng khiến không ít câu hỏi nghi vấn về mục tiêu của vị doanh nhân này .
Bình luận 0

img 

Các công ty có liên quan đến ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) liên tục tham gia mua cổ phần chi phối tại nhiều DN nhà nước được cổ phần hoá, thoái vốn khiến các nhà đầu tư không khỏi đặt nghi vấn về tham vọng sở hữu đất “vàng” giá rẻ của vị doanh nhân này (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, ông Đỗ Quang Hiển, thường được gọi là Bầu Hiển, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T. Đồng thời, là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và một số doanh nghiệp khác hàng được dư luận chú ý bởi hàng loạt thương vụ thâu tóm cổ phần các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá, thoái vốn với tiến độ nhanh gọn. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong số này làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ lớn nhưng lại sở hữu quỹ đất “vàng” khá lớn tại Hà Nội và TP.HCM.

Vinafood II: Làm ăn thua lỗ, vướng sai phạm đất đai

Thương vụ gần đây nhất của bầu Hiển thu hút sự quan tâm của dư luận và nhà đầu tư chính là phiên đấu giá gần 115 triệu cổ phần, chiếm 23% vốn điều lệ của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) diễn ra sáng 14.3.

Phiên đấu giá này đã kết thúc với giá trúng bình quân quanh mức giá khởi điểm là 10.101 đồng/cổ phần. Vinafood II đã thu về gần 1.160 tỷ đồng từ đợt chào bán này nhờ tổng cộng 41 nhà đầu tư tham gia đấu giá và trúng giá, gồm 40 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư là tổ chức.

Yếu tố khiến phiên đấu giá có kết quả như trên xuất phát từ việc Vinafood II đã chọn Tập đoàn T&T là nhà đầu tư chiến lược duy nhất. T&T dự kiến sẽ phải chi gần 1.300 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ số cổ phần trúng giá của Vinafood II.

img

Vinafood II liên tục thua lỗ trong giai đoạn 2012 - 2016 (Ảnh: I.T)

Song có một thực tế là nếu trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood II, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển sẽ phải gánh một di sản khá nặng nề từ tình hình kinh doanh bết bát cũng như những sai phạm, nợ đọng của Vinafood II.

Cụ thể, năm 2013 Tổng công ty lỗ 216 tỷ đồng và đến năm 2014 thì số lỗ tăng vọt lên 873 tỷ đồng. Trong hai năm 2015 và 2016, tình hình kinh doanh cải thiện với khoản lãi 156 tỷ đồng và 161 tỷ đồng, nhưng sau đó hiệu quả kinh doanh lại giảm sút và sáu tháng đầu năm 2017 lại lỗ tiếp 118 tỷ đồng. Đến giữa năm 2016, Vinafood II vẫn còn lỗ luỹ kế tới 912 tỷ đồng.

Thêm vào đó, Vinafood II còn có những khoản đầu tư không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thuỷ sản. Theo đó, Tổng công ty có 11 dự án đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là gần 770 tỷ đồng.

Trong số đó, có những dự án đã tạm ngừng hoạt động như Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản, dự án Nhà máy Chế biến và bảo quản thủy sản thực phẩm, dự án Nhà máy Chế biến thủy sản Cầu Quan.

img

Kết quả đầu tư ngoài ngành của Vinafood II trong năm 2014 (Ảnh: I.T)

Song hành cùng hoạt động kinh doanh thua lỗ, tháng 7.2017, bộ NN&PTNT đã ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại Vinafood 2 giai đoạn 2014-2015. Kết luận nêu rõ công ty này đã vướng nhiều sai phạm trong quản lý tài sản; các công ty con kinh doanh kém, gây thất thoát cả nghìn tỷ đồng.

Năm 2014, tổng công ty đã bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sai quy định của Thủ tướng với lô đất gần 700m2 (tại ấp Tân Phú 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang); bán 3 cồn nuôi trồng thuỷ sản và tài sản đi kèm cho công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh, bán 2 căn nhà (đường Điện Biên Phủ, thành phố Trà Vinh)... tổng trị giá gần 115 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra ngành nông nghiệp cũng phát hiện sai phạm của Vinafood 2 khi để thất thoát của Nhà nước 54 tỷ đồng trong dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại tại 34,36,42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (TP.HCM).

Ngoài ra, đa số các đơn vị thành viên của tổng công ty đều kinh doanh thua lỗ trong năm 2014, 2015 và 3 tháng đầu năm 2016.

Cảng Quảng Ninh: Doanh thu 1.300 tỷ, lãi gộp 400 triệu đồng

Sau khi bất ngờ bỏ ra 490 tỷ đồng để mua 98% cổ phần của Công ty CP Cảng Quảng Ninh từ tay Vinalines, T&T nhanh chóng mở rộng độ phủ sóng khi trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco) nhờ bỏ ra số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Sau khi tham gia vào Cảng Quảng Ninh, T&T đã biến công ty cảng này thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng vốn cho các doanh nghiệp có yếu tố nông nghiệp.

Theo báo cáo tài chính, tính tới cuối quý III.2017, Cảng Quảng Ninh đang đầu tư gần 160 tỷ đồng vào Tổng công ty Rau quả Vegetexco và đang có khoản phải trả Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Vigecam giá trị hơn 247 tỷ đồng.

img

Hoạt động kinh doanh hàng hóa nông sản đã mang về con số doanh thu 1.305 tỷ đồng cho Cảng Quảng Ninh

Còn theo báo cáo tài chính quý I.2018 của Cảng Quảng Ninh, doanh thu của công ty đạt gần 1.400 tỷ đồng, tăng vọt so với con số chưa đầy 100 tỷ đồng cùng kỳ.

Sự tăng mạnh về doanh thu của Cảng Quảng Ninh không bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh tại cảng như trước đây. Các hoạt động truyền thống như bốc xếp, cầu bến, tiền hàng qua cảng, tiền vận chuyển hàng, lưu kho, bãi…thay đổi theo chiều hướng sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017. Song hoạt động kinh doanh hàng hóa nông sản đã mang về con số doanh thu vượt trội lên tới 1.305 tỷ đồng cho Cảng Quảng Ninh.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh nông sản không giúp Cảng Quảng Ninh có được nhiều lãi gộp. Dù đạt 1.305 tỷ đồng doanh thu nhưng lãi gộp cho mảng này chỉ đạt hơn 400 triệu đồng.

Trong khi lãi gộp từ mảng nông sản khá eo hẹp thì các chi phí của công ty đã đội lên đáng kể như chi phí nhân công, bốc xếp, lai dắt, thuê cơ sở hạ tầng…Chi phí vốn tăng cao trong khi nguồn lãi gộp từ hoạt động mới không đáng kể nên Cảng Quảng Ninh chỉ còn đạt lãi gộp 23,6 tỷ đồng, giảm sâu 40% so với cùng kỳ năm 2017.

Lãi từ hoạt động tài chính và lãi khác cũng không thể bù đắp cho chi phí quản lý doanh nghiệp đã đội lên gấp đôi so với năm 2017 nên Cảng Quảng Ninh báo lãi sau thuế 12,6 tỷ đồng, tương đương khoảng 40% của con số 28,25 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2017. 

Khoản nợ 61 tỷ không có khả năng thu hồi của Vigecam

Vigecam là Tổng công trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với lịch sử hơn 50 năm hoạt động.

Song kết quả kinh doanh của Vigecam cũng không có gì nổi trội. Doanh thu giai đoạn 2012 - 2014 trong xu hướng giảm từ mức 126.3 tỷ rớt xuống 109.5 tỷ đồng, lãi ròng từ 10 tỷ rớt xuống 2.1 tỷ đồng. Doanh thu mảng kinh doanh phân bón tuy chiếm tỷ trọng lớn khoảng 50% trong tổng doanh thu nhưng phải đang kinh doanh dưới giá vốn, năm 2014 bị lỗ gộp 3 tỷ đồng.

img

Kết quả kinh doanh của Vigecam giai đoạn 2012 - 2014 (Ảnh: I.T)

Trong một báo cáo của Bộ NN&PTNT, Vigecam khi tiến hành cổ phần hóa tại thời điểm 31.12.2015 vẫn còn một khoản công nợ phải thu khó đòi và không có khả năng thu hồi là 61.728.191.403 đồng.

Sau khi phối hợp với Bộ Tài chính xác định khoản công nợ khó đòi, Bộ NNPTNT đã loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp theo quy định và bàn giao khoản công nợ này cho Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vào ngày 29.12.2015.

Đích đến là đất đai?

Dù những doanh nghiệp tập đoàn T&T của Bầu Hiển mua đang hoạt động kinh doanh không thực sự hiệu quả, đây đều là những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất “vàng” lớn.

Vinafood II hiện đang sở hữu những quỹ đất khủng, với nhiều vị trí khá đắc địa tại các thành phố lớn như TP. HCM, Cần Thơ, Long An, Bến Tre với tổng 146 cơ sở nhà đất, tổng diện tích đất 3.405.950m2. Riêng tại TP. HCM, hiện  tổng công ty này đang quản lý và sử dụng 17 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 89.842m2

Theo phương án sử dụng đất của Vinafood II sau cổ phần hóa, doanh nghiệp này sẽ giữ lại để tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa 114/132 cơ sở nhà, đất (gồm 147/174 thửa) với tổng diện tích 2.016.542 m2. 


img

Phương án sử dụng đất đai sau cổ phần hóa của Vigecam (Ảnh: I.T)

Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) ở thời điểm trước khi tiến hành đấu giá cổ phần vào năm 2016 cũng quản lý nhiều vị trí đất vàng tại Hà Nội và các thành phố khác.

Cụ thể, Vigecam quản lý và sử dụng tổng diện tích 114.793,94 m2 đất thuê của Nhà nước, bao gồm 6 lô đất tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. HCM.

Trước hết phải kể đến thửa đất tại số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 276 m2 và thửa đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội (có diện tích 536 m2); thửa đất tại số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích đất 1.585,4 m2).

Đặc biệt, khu đất có diện tích lên tới 23.042 m2 mà Tổng công ty đã có quyết định giao đất tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện khu vui chơi giải trí.

Chưa hết, Vigecam còn có quyền sử dụng thửa đất tại số 166 – 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM (diện tích 554,94 m2) và thửa đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (diện tích 88.880 m2).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem