Đất đấu giá Mê Linh gần 100 triệu đồng/m2: Có hiện tượng “cò” nhằm trục lợi?

Thái Nguyễn Thứ ba, ngày 02/08/2022 18:30 PM (GMT+7)
Sau các phiên đấu giá đất vừa qua, thị trường bất động sản Mê Linh đã tăng giá đột biến, lập kỷ lục mới về giá, có vị trí gần 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo đây có thể là hiện tượng “cò đấu giá”, nhằm đẩy giá đất lên cao để bán kiếm lời.
Bình luận 0

Đất đấu giá Mê Linh tăng đột biến

Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh, TP Hà Nội cho biết cả 33 lô đất đấu giá Mê Linh đã được đấu giá thành công, giúp thu về gần 226 tỉ đồng, chênh gần 100 tỉ đồng so với giá khởi điểm. Giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, đây là mức giá mới tăng cao kỷ lục.

Cảnh báo hiện tượng "cò đất" kích giá khiến giá đất Mê Linh tăng cao kỷ lục (Video: TN)

Cụ thể, lô LK-B-01 có diện tích 160m2 có mức giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 1 lô góc ký hiệu LK-A-01 có diện tích 193m3 cũng được đấu thành công với mức trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỉ đồng, chênh 8,3 tỉ đồng so với giá khởi điểm.

Các lô còn lại thuộc băng 1 đường Chi Đông có giá trúng dao động 70 - 75 triệu đồng/m2. Các lô băng 2 đường Chi Đông có giá trúng dao động 45 - 62 triệu đồng/m2.

Đất đấu giá Mê Linh "nhảy vọt", có vị trí gần 100 triệu đồng/m2 (Ảnh: TN)

Đất đấu giá Mê Linh "nhảy vọt", có vị trí gần 100 triệu đồng/m2 (Ảnh: TN)

Trước đó, tại dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm, khoảng 200 căn nhà thấp tầng xây thô hoàn thiện mặt ngoài được "chốt" với mức giá từ 50 - 85 triệu đồng/m2. Đặc biệt, mức giá này đã cao gấp hơn 2 lần so với mặt bằng giá trong khu vực thời gian trước đó và được cho là cao nhất từ trước tới nay.

Theo khảo sát của PV Dân Việt, ngay sau những đợt đấu giá, giá đất khu vực huyện Mê Linh nhiều nơi cũng "ăn theo" tăng mạnh. Tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh những lô đất nằm ở mặt đường có giá dao động 30 - 40 triệu đồng/m2, còn ở mặt ngõ cũng khoảng 25 triệu đồng/m2, tăng khoảng 15 - 20% so với trước thời điểm đấu giá. Các khu vực khác giá rao bán cũng 20 - 25 triệu đồng/m2, mức giá này đã tăng so với cách đây 2 tháng.

Còn tại một số khu đấu giá đất, đất thổ cư tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh đang được rao bán với mức 45- 50 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 2 tháng giá chỉ khoảng 35 triệu đồng/m2.

Anh Đức Toàn, môi giới bất động sản tại khu vực huyện Mê Linh cho biết nhiều vị trí đất đấu giá xong, "sang tay" ngay lập tức cũng thu lời khoảng 10%. Nhiều nhà đầu tư sau đó cũng đổ về đây khảo giá khiến giá đất cũng vì thế tăng lên nhanh chóng.

"Nhiều nhà đầu tư hay người dân đổ về khu vực Mê Linh khảo sát giá chủ yếu quan tâm tới tuyến đường Vành đai 4, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hoặc thông tin huyện Mê Linh lên quận trong tương lai. Bên cạnh đó, nhiều người đánh giá bất động sản khu vực Mê Linh đang là vùng trũng về giá của ven Thủ đô nên nhiều người có tâm lý gom hàng", anh Toàn chia sẻ.

Cảnh báo đất đấu giá Mê Linh tăng cao là do "cò đấu giá"

Một số môi giới bất động sản khu vực Mê Linh cho biết dù số lượng nhà đầu tư đổ về tìm hiểu tăng cao và mức giá tăng lên nhanh nhưng tỷ lệ giao dịch thành công rất thấp, có những lô đất đã được rao bán thời gian dài nhưng không bán được.

Nhiều chuyên gia bất động sản cảnh báo tình trạng đấu giá đất Mê Linh tăng cao kỷ lục có thể là do tình trạng "cò đấu giá" đã trả giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại các lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã mua gom trong khu vực nhằm thu lợi.

Chuyên gia cảnh báo đất đấu giá Mê Linh tăng cao do cò đất kích giá để bán đất kiếm lời (Ảnh: TN)

Chuyên gia cảnh báo đất đấu giá Mê Linh tăng cao do cò đất kích giá để bán đất kiếm lời (Ảnh: TN)

Chuyên gia Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, chuyện thổi giá đất thông qua đấu giá nhằm kéo giá trong khu vực không còn là mới. Ngoài ra, nhiều người đang kỳ vọng vào việc Mê Linh lên quận, tuyến đường Vành đai 4 đi qua khiến tăng giá đất khu vực. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ bởi cả 2 vấn đề này đều cần lộ trình rất dài, nếu không cẩn trọng có thể dẫn tới việc chôn vốn thời gian dài.

"Thời gian qua, câu chuyện đấu giá đất trả cao vọt nhằm kích giá khu vực đã diễn ra nhiều, cuối cùng thì lại bỏ cọc. Tôi cho rằng, ở đây có dấu hiệu tăng giá ảo khi giao dịch không có nhưng giá lại vẫn tăng", ông Điệp nhấn mạnh.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam cho rằng mức đấu giá đất gần 100 triệu đồng/m2 chưa phản ánh đúng bản chất, bởi khu vực này hạ tầng vẫn còn đang phát triển.

"Tôi cho rằng vấn đề này rất rủi ro, vì thực chất đấu giá đất với mức giá như vậy thì không thực tế. Vì giá đất tăng cao thì người có lợi là những ai đã gom đất từ trước. Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng", ông Đính chia sẻ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất, cần tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá; bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp ngay số tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá tại cuộc bán đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem