Dấu ấn TTCK Việt Nam 2019: Gọi tên thương vụ tỷ USD của ông Phạm Nhật Vượng

P.V Thứ năm, ngày 26/12/2019 16:55 PM (GMT+7)
Năm 2019, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự dịch chuyển tập trung thông qua các thương vụ mua cổ phần lớn. Trong đó, nổi bật là thương vụ SK Group chi 1 tỷ USD sở hữu 6,15% cổ phần tại Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hay Singapore GIC mua gần 14 triệu cổ phần MSN của Tập đoàn Masan…
Bình luận 0

img

Buổi công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2019 có sự tham dự của Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng và các đại diện tới từ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính. (Ảnh: Quang Phúc).

Chiều 26/12, tại Hà Nội, CLB Nhà báo chứng khoán đã tổ chức công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2019. Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng khoảng 40 thành viên câu lạc bộ.

Năm 2019, bên cạnh những biến động bất ngờ của chỉ số VnIndex, TTCK Việt Nam đã chứng kiến không ít dấu ấn với bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hay xu hướng vươn lên mạnh mẽ của quỹ ETF nội trên thị trường.

Dưới đây là danh sách 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2018 do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán bình chọn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có Luật Chứng khoán mới

Ngày 26/11/2019, Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.

img

Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Theo đó, Luật mới đã nâng điều kiện trở thành công ty đại chúng từ mức vốn điều lệ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông. Luật mới cũng đồng thời làm mới quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng, nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, qua đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư, lần đầu tiên Luật Chứng khoán định danh nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong đó, các cá nhân có giá trị danh mục từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ được xếp vào khối nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Luật mới cũng quy định về việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Luật bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin có liên quan để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm; nâng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Điểm được các thành viên thị trường trông đợi là mở rộng không gian đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài chưa được quy định cụ thể trong Luật, mà chỉ có nội dung giao Chính phủ hướng dẫn.

Phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhằm mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại toàn diện thị trường chứng khoán, ngày 28/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 242 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Theo đó, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN6. Đồng thời, trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.

Riêng với khối ngân hàng thương mại, Đề án của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch  trên thị trường chính thức. Tính đến ngày 19/12, ngoài 18 ngân hàng đã có mặt trên các sàn chứng khoán chính thức, còn khá nhiều ngân hàng vẫn ngoài sàn. Một số ngân hàng khác, mặc dù có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn từ lâu, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện.

2. Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, trái phiếu chính phủ tiến triển tích cực

Năm 2019 thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bùng nổ với tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 11 tháng 2019 ước tính đạt 237.000 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tính đến hết năm 2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tương đương 10,26% GDP. Đặc biệt thị trường này chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của khối doanh nghiệp bất động sản với quy mô phát hành khoảng 71.000 tỷ đồng.

Trái phiếu bất động sản là nhóm có lãi suất cao nhất, có một số đợt doanh nghiệp đã huy động với lãi suất 15% hoặc thả nổi, trở thành câu chuyện tâm điểm, được Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quan tâm, giám sát rủi ro trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, nhìn lại cả năm cho thấy, với con số 94,3% trái phiếu bất động sản phát hành có lãi suất dưới 12%/năm.

img

Toàn cảnh Buổi công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2019. (Ảnh: Quang Phúc).

Trên thị trường trái phiếu Chính phủ, năm 2019, qua hoạt động đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã huy động được khoảng 215.000 tỷ đồng, tập trung tại các kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Tính đến cuối năm 2019, kỳ hạn bình quân trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành đã được nâng lên mức 13,6 năm. Điều đặc biệt là lãi suất trúng thầu giảm trên tất cả các kỳ hạn, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm vào cuối năm 2019 giảm từ 78 - 183 điểm cơ bản. Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.

Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản thị trường tiếp tục ghi nhận mức tích cực, với khoảng khoảng 9.000 tỷ đồng trên phiên. Trong đó, giao dịch repos vẫn gia tăng so với giao dịch outright , cơ sở nhà đầu tư thay đổi tích cực,... tiếp tục cho thấy chiều sâu của thị trường này.

3. Quỹ ETF nội cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại

Năm 2019 đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của quỹ ETF nội trên thị trường chứng khoán Việt Nam với cái tên E1VFMVN30. Quỹ này đã huy động được gần 2.200 tỷ đồng trong năm 2019, trong đó nổi bật là dòng vốn từ Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này với quy mô 151,5 triệu USD và lấy chứng chỉ quỹ E1VFMVN30 làm tài sản cơ sở. Trên sàn giao dịch chứng khoán năm 2019, quy mô mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài với chứng chỉ quỹ E1VFMVN30 cũng ghi nhận lên tới gần 2.400 tỷ đồng. Nhờ đó quỹ này đã đạt quy mô tài sản lớn thứ hai trên thị trường Việt Nam, chỉ sau quỹ ETF V.N.M.

Cũng liên quan đến quỹ ETF, dấu ấn đáng nhớ của năm 2019 là việc Sở Giao dich chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố 3 bộ chỉ số chứng khoán mới, theo yêu cầu đầu tư của các quỹ đầu tư trong nước. Đó là các chỉ số Vietnam Leading Financial Index; Vietnam Financial Select Sector Index và Vietnam Diamond Index. Các chỉ số này dự kiến sẽ được các Quỹ xây dựng sản phẩm ETF nhằm thu hút sự đầu tư của nhà đầu tư vào các ngành, lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh sự chuyển động về loại hình quỹ ETF, loại hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cũng đang được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam phối hợp với các công ty quản lý quỹ xây dựng nền tảng hoạt động, dự kiến sẽ chính thức vận hành năm 2020 khi các quỹ này được Bộ Tài chính phê duyệt triển khai.

4. Vốn ngoại gây ấn tượng với các thương vụ mua lớn

Năm 2019, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự dịch chuyển tập trung thông qua các thương vụ mua cổ phần lớn. Các thương vụ tiêu biểu là SK Group chi 1 tỷ USD sở hữu 6,15% cổ phần VIC, Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore GIC mua gần 14 triệu cổ phần MSN, KEB Hana Bank của Hàn Quốc mua 15% cổ phần BID trị giá khoảng 882 triệu USD, Vietcombank cũng hoàn tất việc bán liên doanh bảo hiểm VCLI cho Tập đoàn FWD, Sumitomo Life mua 41 triệu cổ phần BVH trị giá 173 triệu USD...

img

Thương vụ M&A có giá trị lớn nhất trong năm 2019 tại Việt Nam là SK Group đầu tư vào Vingroup.

Trong khi đó trên thị trường chứng khoán niêm yết, dòng vốn ngoại mua ròng tính đến 19/12 đạt 2.599 tỷ đồng, với 4.379 tỷ đồng mua ròng tại HOSE và 1.780 tỷ đồng bán ròng trên sàn HNX. Sau những thương vụ bán vốn Nhà nước thành công trong 3 năm trở lại đây, mà SCIC với vai trò cổ đông lớn, đã tạo dựng nên những dấu ấn quan trọng và kinh nghiệm quý cho việc thực hiện những thương vụ bán vốn Nhà nước thành công sau này.

5. Cú sốc FTM và rủi ro trong hoạt động cầm cố cổ phiếu

Từ giá ổn định quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu trong giữa năm 2019, cổ phiếu FTM  đột ngột rơi sâu, mất hơn 90% giá trị, đến thời điểm này 19/12/2019 chỉ còn 2.340 đồng/cổ phiếu. Việc cổ phiếu FTM rơi quá nhanh và quá sâu lộ ra nghi án cổ phiếu bị một nhóm cổ đông thao túng, làm giá.

img

Cú sốc FTM khiến dư luận nghi ngờ cổ phiếu của Fortex bị một nhóm cổ đông thao túng, làm giá.

Khi sự việc vỡ lở, đồng loạt các công ty chứng khoán tung lệnh bán giải chấp khiến giá và thành khoản mã FTM rơi không phanh. Vụ việc trở nên bất thường trên thị trường chứng khoán Việt Nam do có hàng chục công ty chứng khoán âm thầm cho vay cầm cố cổ phiếu FTM với số tiền hàng trăm tỷ đồng, mà nguyên nhân có lẽ đến từ việc các công ty chứng khoán chưa có hệ thống thông tin liên thông về các chủ thể vay cầm cố cổ phiếu. Khoảng hở này cần có giải pháp trong năm tới, để chặn đi những câu chuyện giải chấp hàng loạt như diễn ra không chỉ tại FTM.

Trước sự quan tâm của dư luận, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vào cuộc thanh tra vụ việc tại FTM.

 6. Xử phạt FLCHomes vì hành vi trong quá khứ của Cemaco

Trong thời gian từ tháng 9-10/2017, Cemaco (tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Hóa chất và Vật tư Khoa học kỹ thuật) đã thực hiện phát hành thêm cổ phiếu, nhưng không nộp hồ sơ đăng kí chào bán chứng khoán ra công chúng cho Ủy ban Chứng khoán. Cemaco sau đó đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế (Biscem) và một thời gian sau được Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes mua lại để sáp nhập.

img

Quyết định xử phạt FLCHomes thành hiện tượng nổi sóng dư luận.

Bắt nguồn từ hành vi phát sinh từ trước khi bị sáp nhập nói trên của Cemaco, FLCHomes đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định phạt vi phạm hành chính, yêu cầu phải thu hồi số cổ phần đã phát hành thêm cách đây 2 năm, đồng thời trả lại tiền cho nhà đầu tư đã mua số cổ phần đó trong ngày 19/11/2019. Tuy nhiên, đến cuối ngày, FLCHomes cho biết đã nhận được đầy đủ văn bản thông báo của toàn bộ cổ đông sở hữu cổ phần từ đợt phát hành thêm nói trên, về việc các cổ đông này không yêu cầu FLCHomes hoàn trả số tiền đã thanh toán mua số cổ phần này.

Cũng trong 19/11/2019, FLCHomes thông báo hoàn tất việc khắc phục hậu quả từ hành vi trong quá khứ của Cemaco, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán và cho biết thêm, việc này không ảnh hưởng gì đến kế hoạch chào sàn của FLCHomes trong năm 2020. Trước đó, 18/11/2019, Công ty tổ chức cuộc Tọa đàm giới thiệu cơ hội đầu tư vào FLCHomes và công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu FHH với giá chào sàn dự kiến 35.000 đồng.

8. Ra mắt Chứng quyền có đảm bảo (CW) sau 7 năm “thai nghén”

Dấu ấn sản phẩm mới năm 2019 có tên gọi Chứng quyền, khi sản phẩm này chính thức được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh khai mở hoạt động vào ngày 28/6/2019. Đây là sản phẩm phái sinh thứ hai được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Tính đến tháng 12/2019, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 2,81 triệu chứng quyền, giá trị giao dịch bình quân đạt 7,44 tỷ đồng. Tuy nhiên chứng quyền được phát hành chỉ là chứng quyền mua, vì vậy người nắm giữ chứng quyền chỉ hưởng lợi nếu giá cổ phiếu cơ sở tăng. Bên cạnh các yếu tố hoạt động cơ bản của doanh nghiệp, điều này cũng dẫn tới hiệu ứng tăng giá mạnh của một số cổ phiếu cơ sở như FPT tăng hơn 36%, MWG tăng 32% chỉ trong vòng 4 tháng kể từ khi ra mắt chứng quyền.

Cũng liên quan đến sản phẩm mới, trên thị trường phái sinh do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vận hành, tháng 7/2019 đã ra mắt Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.

9. Thanh khoản thị trường năm 2019 thấp hơn kỳ vọng

Năm 2019 được chờ đợi thanh khoản sẽ tăng mạnh nhờ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài với kỳ vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi; hàng loạt công ty chứng khoán tăng vốn, hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư, nhưng thực tế không như kỳ vọng. Trong khi chỉ số VN-Index tính đến 19/12 tăng 6,79% so với cuối năm 2018; vốn hóa thị trường đạt 4.383 ngàn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP, thì thanh khoản trên thị trường cổ phiếu lại giảm 29% so với bình quân năm 2018.

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quy mô giao dịch trên thị trường cổ phiếu năm 2019 chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29%. Một con số đáng quan tâm khác là việc tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2019 cũng giảm khá mạnh, giảm 41% so với năm 2018. Những diễn biến này đòi hỏi thị trường chứng khoán trong năm mới cần thêm các giải pháp mới, để thúc đẩy thanh khoản, tạo niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước, để dòng vốn chảy mạnh hơn vào doanh nghiệp và thanh khoản tốt hơn trên thị trường giao dịch thứ cấp.

10. Lần đầu tiên bỏ phí sàn môi giới chứng khoán, làm thay đổi cục diện cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán

Thông tư số 128 năm 2018 của Bộ Tài chính được ban hành, trong đó chỉ quy định mức trần giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm là 0,5% giá trị giao dịch, mà không còn quy định về mức sàn 0,15% như quy định cũ. Sau khi Thông tư có hiệu lực thi hành, kể từ ngày 15/2/2019, nhiều công ty chứng khoán lập tức triển khai chương trình giảm phí giao dịch về 0% nhằm thu hút nhà đầu tư. Trên thị trường chứng khoán hiện nay có hơn 70 công ty chứng khoán, nhưng 10 công ty Tốp đầu thường xuyên nắm giữ 65 - 70% thị phần môi giới. “Miếng bánh” khoảng 30% còn lại dành cho hơn 60 công ty chứng khoán và cuộc chiến thị phần ở nhóm này khốc liệt từ nhiều năm nay.

Việc dỡ bỏ mức sàn phí giao dịch đã gây thêm sức ép lên tình hình cạnh tranh vốn đã rất căng thẳng trên thị trường môi giới chứng khoán. Thị trường cũng đón nhận ngày càng nhiều sự tham gia của các công ty chứng khoán nước ngoài có tiềm lực về nguồn vốn, nhân sự, công nghệ… Bên cạnh đó là sự cạnh tranh trong ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phát triển hệ thống giao dịch cũng sẽ góp phần thay đổi cục diện cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán trong năm tới, thậm chí có thể dẫn đến những biến động bất ngờ trong thứ hạng thị phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem