Dấu ấn văn hoá, lịch sử định hình trong sản phẩm du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu

Nha Mẫn Thứ hai, ngày 27/12/2021 18:50 PM (GMT+7)
Ngoài lợi thế thiên nhiên và bờ biển đẹp, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có nhiều địa danh, di tích lịch sử, lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân miền biển. Đó là những yếu tố vô cùng thuận lợi, riêng có để địa phương này gắn các sản phẩm văn hóa đặc sắc trong phát triển du lịch.
Bình luận 0
Dấu ấn văn hoá, lịch sử định hình trong sản phẩm du lịch Bà  Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 1.

Bạch Dinh đậm nét kiến trúc châu Âu – một trong những điểm đến của du khách khi đến BRVT. Ảnh: Khang Thái

Qua 30 năm hình thành và phát triển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) đã tạo cho mình được nét đặc trưng riêng với nhiều kiểu kiến trúc độc lạ cũng như địa danh du lịch, điểm đến hấp dẫn. Điều đó đã khiến cho địa phương trở thành điểm dừng chân của rất nhiều nhà đầu tư và du khách trong nước cũng như quốc tế.

Những điểm nhấn đáng nhớ

Một trong những nét đặc sắc của BRVT là tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa và đây chính là thế mạnh để tỉnh tập trung khai thác, phát triển dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh. Mỗi du khách khi về với BRVT không thể bỏ qua các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển, như: Lễ hội Nghinh Ông, Lệ Cô, Vía Ông, Trùng Cửu…

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam đã có từ hàng trăm năm nay. Tương truyền là có một ông cá nặng 18 tấn trôi dạt vào bờ và ngư dân có một mùa sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang và sức khỏe của bà con ngư dân quanh năm ổn định. Từ năm 2000, lễ hội chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây được xem là một trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước, hàng năm thu hút hàng ngàn du khách tham gia.

Dấu ấn văn hoá, lịch sử định hình trong sản phẩm du lịch Bà  Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 2.

Ngọn Hải đăng Vũng Tàu nằm trên sườn Núi Nhỏ, được người Pháp xây dựng vào năm 1862. Ảnh: Nha Mẫn

Nhắc đến BRVT, nhiều người biết đây là địa phương có tượng Chúa dang tay rất lớn, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển và hai tay dang rộng như ôm lấy phố biển Vũng Tàu. Tượng đặt trên đỉnh Núi Nhỏ (được xây dựng từ năm 1974) đã được xác lập là "Tượng Chúa Giêsu lớn nhất khu vực châu Á" vào năm 2012. Tượng có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét; đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng. Đường lên tượng có 1.000 bậc thang cao 500m.

TP.Vũng tàu còn có di tích Bạch Dinh cũng là điểm nhấn đặc biệt. Bạch Dinh là một dinh thự có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, nằm bên sườn Núi Lớn. Nơi đây từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, hoàng đế Bảo Đại... Hiện nay, Bạch Dinh được dùng làm nhà bảo tàng, trưng bày các chuyên đề như: đồ gốm thời Khang Hy vớt được từ xác tàu cổ đắm tại khu vực Hòn Cau – Côn Đảo, súng thần công cùng nhiều hiện vật có giá trị khác tìm thấy qua các đợt khai quật khảo cổ tại địa phương... Bạch Dinh đang là một điểm đến quan trọng của du khách khi đến BRVT.

Cũng nằm trên Núi Nhỏ, ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng vào năm 1862. Hiện, Hải đăng Vũng Tàu là một trong những hải đăng cổ xưa nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á và được xem là biểu tượng của thành phố biển Vũng Tàu.

Dấu ấn văn hoá, lịch sử định hình trong sản phẩm du lịch Bà  Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 3.

Phố biển Vũng Tàu ban đêm nhìn từ ngọn Hải đăng. Ảnh: Nha Mẫn

Ngoài những điểm nhấn trên, BRVT còn sở hữu một huyện đảo đặc biệt: Côn Đảo. Nơi đây là vùng đất thiêng với nhiều câu chuyện lưu danh trong sử sách. Hiện, Côn Đảo cũng là  điểm đến du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngày nay, Côn Đảo là một trong số ít điểm đến vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ và mang trong mình nhiều huyền thoại. Ngoài khu bảo tồn đa dạng sinh học bậc nhất nhì thế giới, Côn Đảo còn giữ được hệ thống nhà tù từng giam giữ nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước, được nằm trong danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.

Xây dựng hình ảnh, dấu ấn riêng

Để có được dấu ấn, nét đẹp riêng như ngày hôm nay, suốt 30 năm qua, tỉnh BRVT còn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tôn tạo các di tích lịch sử,… để lấy đó làm tiêu chí thu hút khách du lịch và nhà đầu tư đến địa phương. Ngoài đường sá được quy hoạch bài bản, hiện đại và có nhiều cây xanh, các  thế hệ lãnh đạo tỉnh đã dựa vào ưu điểm, lợi thế của từng khu vực để đưa ra những quy hoạch phát triển kinh tế phù hợp với từng vùng. 

Dấu ấn văn hoá, lịch sử định hình trong sản phẩm du lịch Bà  Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 4.

Bãi Sau (còn gọi là bãi Thuỳ Vân) ở TP.Vũng Tàu. Ảnh: Nha Mẫn

TP.Vũng Tàu phát triển mạnh về du lịch, cảng biển và hướng đến tất cả các phân khúc khách hàng từ thương gia đến phổ thông với các điểm nghỉ dưỡng, lưu trú phù hợp, nhiều lựa chọn. Hướng Xuyên Mộc phát triển theo theo xu hướng du lịch cao cấp với các khu nghỉ dưỡng hạng sang, tiện nghi hiện đại, phù hợp cho nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng khép kín. 

"Mảng xanh tạo phông nền và đường viền của Núi Lớn. Những cảnh quan lần lượt xen kẽ nhau như ngọn Hải Đăng, Bạch Dinh, tượng Chúa dang tay,… tạo cho du khách cảm giác thư thái, dễ chịu. Đặc biệt BRVT đã biết cách lồng ghép các không gian lại với nhau giúp khách có nhiều lựa chọn hơn cho chuyến đi của mình".

Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Sáng từ TP.HCM

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ tỉnh Bình Dương), du khách thường đến với phố biển Vũng Tàu chia sẻ rằng chị rất yêu mảnh đất ven biển này bởi nó mang lại cho chị cảm giác thư thái, thoải mái sau những ngày dài mệt nhoài với công việc. Trước dịch Covid-19, mỗi tháng gia đình chị sẽ đến với phố biển một lần để cùng hòa mình vào thiên nhiên.

"Điểm thích nhất ở BRVT đó là các địa điểm du lịch nằm cách nhau không xa, kiến trúc xen lẫn biển và núi với nhiều cảnh sắc thiên nhiên, nhân tạo phù hợp. Sau khi tắm biển, gia đình tôi có thể đi bộ, leo núi hoặc cùng nhau lên tượng Chúa dang tay để cầu nguyện và cùng ngắm nhìn thành phố từ ngọn hải đăng", chị Hoa nhấn mạnh.

Anh Hoàng Công Tiến (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng, anh thích BRVT vì biển đẹp, đường phố thông thoáng sạch sẽ. Đặc biệt, hầu hết các vỉa hè trên những tuyến đường lớn được đầu tư bằng đá hoa cương nhìn rất bắt mắt.

"Cứ có dịp về với BRVT, tôi lại thong dong chạy xe một vòng ở con đường ven biển, bao nhiêu mệt mỏi cũng trôi qua. Tôi ấn tượng nhất với cách thiết kế, chia không gian tại Bãi Sau của Vũng Tàu bởi nó hội tụ được đầy đủ những thứ chúng tôi cần. Một con đường nhộn nhịp, có cả những chỗ vui chơi, có cà phê, có khách sạn ven biển và xa xa là công viên, quảng trường và những bức tượng thiên thần biển cả. Điều đó khiến tôi thích đi bộ, thả mình vào thiên nhiên bởi nó ôn hòa, dễ chịu", anh Tiến thổ lộ.


Dấu ấn văn hoá, lịch sử định hình trong sản phẩm du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 6.

Khách tham quan Bảo tàng vũ khí cổ tại TP.Vũng Tàu - một trong những bảo tàng độc đáo nhất Việt Nam, được thành lập năm 2012 bởi ông Robert Taylor (75 tuổi, quốc tịch Anh). Ảnh: L.P

Cụ ông Nguyễn Văn Nghiêm (75 tuổi), người dân tại BRVT nói rằng, BRVT hiện nay trong mắt ông là một miền đất hứa, điểm dừng chân bình yên, nơi hội tụ đa sắc màu văn hóa, một địa phương phát triển mạnh về cả công nghiệp lẫn du lịch. Vì thế nên không chỉ du khách mà còn có rất nhiều nhà đầu tư đã dừng chân lại mảnh đất này để an cư lạc nghiệp, làm ăn.

Khi nói về những điểm nhấn của BRVT kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Sáng, ngụ tại TP.HCM cho biết, BRVT là một địa phương có đường bờ biển dài với rất nhiều bãi tắm nổi tiếng. Địa phương này đã lấy các công trình du lịch bám theo các bãi tắm và trục đường ven biển để thể hiện nét đặc trưng riêng của địa phương.

Khu vực Bãi Trước, được giới hạn không gian bởi hai ngọn Núi Lớn, Núi Nhỏ và đây như một điểm nhấn đặc trưng của phố biển Vũng Tàu. Bố cục không gian và kiến trúc công trình của khu vực này nhìn chung vẫn giữ được vai trò mặt tiền cho đô thị. 

Với địa hình thiên nhiên tương đối đặc thù, TP.Vũng Tàu đã xây dựng quảng trường trung tâm ở vị trí giữa eo đất lọt giữa hai quả núi và hai bên quảng trường. Mọi người có ấn tượng thú vị về những khóm dừa cao vút, đồng loạt xô nghiêng về phía biển tạo cảm giác thư thái, thoải mái. Còn dải đất dưới chân sườn Núi Lớn thì mật độ, chiều cao, hình dáng công trình và đường viền đô thị khá hợp lý, giải toả được những ức chế thị giác của khu vực trung tâm.

Theo ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch BRVT, di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử - văn hóa luôn được coi là nguồn tài nguyên quan trọng để kết nối và phát triển du lịch. Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 định hình trong đó từng địa phương có sản phẩm du lịch cốt lõi. Sở sẽ là đơn vị chủ trì, phối kết hợp với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, sự tham gia của doanh nghiệp, người dân… để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem