Dấu ấn về tái cơ cấu nông nghiệp

Thanh Xuân (Thực hiện) Thứ năm, ngày 11/06/2015 08:29 AM (GMT+7)
Hôm nay (11.6), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát sẽ bắt đầu phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội. Nhìn lại khoảng thời gian giữa các kỳ chất vấn, tư lệnh ngành nông nghiệp đã thực hiện lời hứa, hành động của mình ra sao?  NTNN đã trao đổi với TS Đặng Kim Sơn – Chuyên gia chính sách nông nghiệp.
Bình luận 0

Thưa ông, trả lời chất vấn trước Quốc hội tháng 11.2013, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng sẽ phải có sự điều chỉnh và tái cơ cấu mạnh mẽ; thay đổi tư duy, tiêu dùng và sản xuất... Theo ông, trong thời gian qua những điều chỉnh này đã được thực hiện như thế nào?

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một quá trình đổi mới rất căn bản. Trước khi hứa trước Quốc hội trong kỳ họp trước, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo các cơ quan, chuyên môn của bộ xây dựng đề án tái cơ cấu ngành và được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Bộ NNPTNT đã triển khai mạnh đề án và đây là đề án được đưa vào triển khai sớm nhất của các bộ. Khâu đầu tiên là thay đổi tư duy, cách nghĩ của người sản xuất, kinh doanh cho đến người tiêu dùng. Bước đầu đã hình thành cách nghĩ, cách làm mới, nhờ đó người sản xuất đã hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, người tiêu dùng đã nghĩ tới quyền lợi của nông dân, nhà đầu tư đã tính đến bảo vệ môi trường… Tuy bước thay đổi còn ở giai đoạn rất sớm nhưng đây là những chuyển biến căn bản, trước tới nay chưa có.

img
Cơ giới hóa nông nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ. Ảnh thu hoạch lúa chụp tại Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
Khâu đột phá nữa là ở doanh nghiệp, Bộ NNPTNT đã tiến hành thay đổi tổ chức của hiệp hội ngành hàng, trong đó ngành hàng cà phê đang thực hiện chương trình tái canh, tổ chức sản xuất bền vững; ngành hàng lúa gạo đang cải tiến tổ chức, đầu tư và tạo địa bàn sản xuất mới... Phong trào đầu tư vào nông nghiệp ngày đang thu hút mạnh nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và sự liên kết của một số tập đoàn đa quốc gia tham gia. Chương trình “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của thế giới đánh giá rất cao và coi các thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam trong nỗ lực tiến hành hợp tác công tư, thu hút doanh nghiệp vào phát triển nông nghiệp là mô hình tiên tiến cho các nước đang phát triển.

 

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được cho là đề án được phê duyệt và triển khai đầu tiên nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc triển khai còn chậm?

- Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai sớm nhất nhưng cũng là một trong những đề án khó nhất, vì nó diễn ra trong một lĩnh vực có xuất phát điểm rất thấp, trên địa bàn có 50% lao động với 70% dân số sinh sống. Là ngành đi trước nên Bộ NNPTNT gặp nhiều khó khăn trong tái cơ cấu. Ngay Bộ NNPTNT cũng như chính người nông dân đều thấy sốt ruột với tiến độ diễn ra. Ví dụ khâu đột phá đầu tiên là đổi mới khoa học công nghệ, từ dành quyền tự chủ cho các cơ quan khoa học công lập đến hình thành thị trường thu hút nhân tài vào nông thôn đã gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế tài chính, về quy định tổ chức nên chưa đột phá được về khoa học công nghệ.

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã từng nói, sẽ có giải pháp đồng bộ và triển khai đề án đổi mới nghành lúa gạo. Nhưng có vẻ việc tiêu thụ lúa gạo hiện vẫn còn nhiều khó khăn?

Quan điểm
img
TS Đặng Kim Sơn
 Địa bàn chính thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp là ở địa phương nên các tỉnh đã xây dựng và thông qua Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Một số tỉnh đi đầu như Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hà Tĩnh... đã hình thành được chương trình hành động và triển khai những giải pháp đột phá cụ thể. Một số vùng chuyên canh hình thành, nông sản có lợi thế được thu hút đầu tư. Chúng ta có thể thấy, tình hình bố trí sản xuất lúa gạo ở Đồng Tháp, rau, hoa ở Đà Lạt,... được thay đổi rõ rệt.  
- Đây là vấn đề đau đầu của ngành nông nghiệp nhiều năm nay. Sản xuất lúa gạo là ngành quan trọng, cả về khía cạnh kinh tế lẫn chính trị xã hội, ngoại giao. Việc tổ chức lại ngành lúa gạo liên quan tới nhiều nội dung nhạy cảm với hàng loạt câu hỏi được đặt ra như, đảm bảo an ninh lương thực hay tăng thu nhập cho nông dân là chính. Giữ quỹ đất lúa hay để chuyển đổi linh động theo cơ chế thị trường, xuất khẩu gạo nhiều hay ít? Chia đều đất tạo sinh kế cho người nghèo hay tập trung vào người sản xuất lớn để tạo ra sản xuất hàng hoá?

 

Thời gian qua, phối hợp với các đơn vị quốc tế, các đơn vị chuyên môn đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo và đang chờ các bộ, ngành góp ý để trình Chính phủ. Tôi tin rằng, nếu đề án này được thông, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ phát triển sang một giai đoạn mới.

Nhiều vấn đề từ kỳ họp trước như câu chuyện cây cao su vượt quy hoạch, trồng nhanh chặt nhanh, nông sản chủ yếu phụ thuộc một thị trường, người dân khóc chưa tìm được đầu ra cho nhiều mặt hàng nông sản. Theo cá nhân ông, những vấn đề trên liệu một mình ngành nông nghiệp có giải quyết nổi?

- Theo tôi, khách quan mà nói, quản lý quy hoạch nông nghiệp là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã xây dựng khá hoàn chỉnh quy hoạch các mặt hàng nông sản chính và được Chính phủ phê duyệt nhưng hiện có tình trạng quy hoạch của chúng ta không đi kèm theo công tác thông tin, giới thiệu phổ biến rộng rãi cho mọi người biết để thực hiện; không đi kèm với chính sách, quy định, chế tài thưởng phạt để đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch. Chính vì thế, thời gian qua, các địa phương vẫn diễn ra tình trạng sản xuất phá vỡ quy hoạch, từ cà phê, cao su, chè… và nhiều nông sản khác.

Hiện tượng sản xuất cây trồng, vật nuôi theo phong trào không chỉ do nông dân chạy theo giá ngắn hạn mà ngay cả các cấp chính quyền cũng có tư duy này. Ví dụ như việc tổ chức phát triển ngành bò sữa, mía đường khá rầm rộ trước đây và gần đây nhất là đưa nhanh cao su trồng lên các tỉnh phía Bắc hay phát triển mạnh cây mắc ca hiện nay… Các địa phương mới chỉ tính để trồng, mở rộng diện tích mà thiếu nghiên cứu khả năng thích nghi vững bền.

Trong những năm gần đây, Bộ NNPTNT khá tỉnh táo trong các trường hợp này với các thông báo, điều chỉnh, nhắc nhở cần thiết cho các địa phương. Theo tôi, chỉ có thể xử lý căn bản vấn đề này bằng tổ chức tốt một hệ thống các đơn vị nghiên cứu thị trường, nắm bắt thông tin và cung cấp dịch vụ hỗ trợ giúp doanh nghiệp làm tốt công tác phát triển thị trường để nối bằng được sản xuất với thị trường. Đây cũng chính là kết quả mong đợi trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem