"Đau đầu" tìm cách nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm sắn miền Trung

Mạnh Hùng – Hồng Hậu Thứ sáu, ngày 04/12/2020 11:10 AM (GMT+7)
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Ngãi tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung”.
Bình luận 0

Cây sắn phát triển chưa bền vững

Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Ngãi; Trung tâm Khuyến nông và bà con nông dân trồng sắn của 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai.

Diễn đàn “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung” - Ảnh 1.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Mạnh Hùng.

Sắn (khoai mì) được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ. Sắn đồng thời cũng là nguồn thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,… tinh bột sắn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, thị trường đầu ra tốt.

Tuy nhiên, việc phát triển thiếu bền vững và thiếu liên kết trong tiêu thụ như hiện nay, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn,... tiếp tục là những vấn đề nan giải, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh trên cây sắn.

Diễn đàn “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung” - Ảnh 2.

Toàn cảnh diễn đàn với chủ đề: “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung”. Ảnh: Mạnh Hùng.

Trong đó, bệnh virus khảm lá sắn là một bệnh hại nguy hiểm. Nếu nhiễm bệnh vào giai đoạn đầu có thể làm giảm năng suất đến 90%, thậm chí không cho thu hoạch. Bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên có nguy cơ lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn ở Việt Nam.

Tại Quảng Ngãi, có thời điểm tổng diện tích trồng sắn lên đến 20.000ha, sản lượng sắn cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn lên đến gần 350.000 tấn. Trong 3 năm trở lại đây (2018 – 2020) diện tích trồng và sản lượng sắn tương đối ổn định. 

Theo quy hoạch đến năm 2025 diện tích vùng trồng sắn nguyên liệu của toàn tỉnh là 18.000 ha, trong đó có 13.000 ha trên đất trồng cây hàng năm và 5.000 ha trên đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất. Năng suất đạt 260 tạ/ha, sản lượng khoảng 468.000 tấn, đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn.

Diễn đàn “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung” - Ảnh 3.

Các đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất nhà máy chế biến tinh bột sắn Sơn Hải. Ảnh: Mạnh Hùng.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Kim Văn Tiêu nhấn mạnh, việc phát triển sản xuất sắn thiếu bền vững như hiện nay, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn,... tiếp tục là những vấn đề nan giải, cần được quan tâm, điều chỉnh nhằm phát triển ổn định, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là hết sức cấp thiết và phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp hiện nay.

Diễn đàn “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung” - Ảnh 4.

Tham quan tổng kết mô hình tưới nước cho cây sắn tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Ảnh: Mạnh Hùng.

"Diễn đàn này với kỳ vọng các bên liên quan sẽ tích cực tham gia, cùng chung tay, chia sẻ và nhìn nhận lại các vấn đề về diện tích sắn phát triển không theo quy hoạch, kế hoạch dẫn đến tình trạng làm phá vỡ quy hoạch chung cả nước và quy hoạch của từng địa phương; liên kết sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, sản phẩm thu hoạch không kết hợp với kế hoạch thu mua, thị trường giá cả thu mua không ổn định đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đầu tư, thu nhập của người trồng sắn...", ông Tiêu chia sẻ.

Cần phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sắn bền vững

Tại diễn đàn các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ và trả lời 35 câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: Chính sách hỗ trợ giống sắn mới có khả năng kháng bệnh khảm lá cho nông dân trồng sắn, kỹ thuật trồng thâm canh cây sắn, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho cây sắn đặc biệt bệnh chổi rồng và bệnh khảm lá sắn; thiết kế, xây dựng hệ thống kênh mương cấp và thoát nước cho vùng trồng sắn; chính sách hỗ trợ tiêu hủy đối với diện tích sắn bị bệnh; cung cấp nguồn giống sắn sạch bệnh,...

Diễn đàn “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung” - Ảnh 5.

Nông dân đặt câu hỏi tại diễn đàn. Ảnh: Mạnh Hùng.

Kết luận tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nêu một số giải pháp để phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sắn bền vững tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.  

Đối với các cơ quan quản lý, cần quy hoạch vùng trồng sắn tập trung theo hướng linh hoạt, có đầu tư thâm canh, với quy mô thích hợp (khoảng 500.000ha), không được phá vỡ quy hoạch, không phá rừng để trồng sắn. Tăng cường công tác quản lý môi trường của các nhà máy chế biến. Quản lý chặt chẽ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Diễn đàn “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung” - Ảnh 6.

Ban chủ toạ diễn đàn. Ảnh: Mạnh Hùng.

Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu cần tăng cường công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống sắn có khả năng kháng bệnh và thích ứng cao trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Diễn đàn “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung” - Ảnh 8.

Tại Quảng Ngãi, có thời điểm tổng diện tích trồng sắn lên đến 20 nghìn ha, sản lượng sắn cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn lên đến gần 350 nghìn tấn. Ảnh: Mạnh Hùng.

Cần nhanh chóng trồng thử nghiệm trên diện rộng các bộ giống kháng bệnh khảm lá đã được nghiên cứu, chọn tạo để đưa vào bộ giống Quốc gia. 

Ứng dụng và chuyển giao sản xuất bộ giống có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp trong việc trồng rải vụ để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động tối đa công suất.

"Đối với các nhà máy và nông dân cần tăng cường gắn kết nhà máy chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu, các nhà máy cần có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định. Bà con nông dân cần nắm chắc quy trình phòng chống bệnh khảm lá sắn để áp dụng vào sản xuất nông hộ, tuân thủ chỉ đạo của ngành nông nghiệp địa phương để góp phần giảm dịch bệnh, nâng cao năng suất, từ đó nâng cao thu nhập…", ông Kim Văn Tiêu cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem