Đau đẻ chờ… nước sạch

Lê Tâm Thứ sáu, ngày 02/10/2015 06:52 AM (GMT+7)
Hình ảnh các y bác sĩ đẩy chiếc xe tiêm - vốn chỉ dùng để thuốc và dụng cụ tiêm cho bệnh nhân - chất đầy những chai, lọ, bình đựng nước sạch thật là chua chát. Nó phản ánh đúng cuộc sống của Hà Nội những ngày mất nước sinh hoạt vì đường ống sông Đà bị vỡ.
Bình luận 0

Có người nói họ chán không muốn nhớ đường ống đã vỡ đến lần thứ mười mấy nữa, mà cũng chẳng cần nhớ làm gì, vì các quan chức của thành phố đã nói, ống nước sẽ còn vỡ nữa, người dân nên chủ động với việc tích nước.

Bệnh viện 198, Bệnh viện Thận Hà Nội, rồi đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải trả bệnh nhân về nhà, từ chối mổ đẻ vì thiếu nước sạch, tình thế có khác gì thời chiến tranh? Sao lại khổ sở cùng cực thế? Trực đẻ như trực vỡ đê, các cụ có câu, “đau đẻ còn đợi sáng trăng” ý nói đó là việc không thể trì hoãn, thế mà bây giờ đưa sản phụ đến bệnh viện lại phải đưa về, chỉ vì… không có nước.

Vỡ đường ống đến lần thứ 15 vào rạng sáng ngày 26.9, cuộc sống của 30% dân số Hà Nội (khoảng 70.000 hộ) đảo lộn lần thứ 15, nhưng họ không nhận được bất cứ một lời xin lỗi nào từ phía thành phố hay công ty cung cấp nước sạch. Thay vào đó, báo chí loan tin, từ 1.10, giá nước sạch Hà Nội lại tăng tiếp 19% theo đúng lộ trình, dửng dưng như không, như trên sao Hỏa.

Chưa khi nào người dân Hà Nội cảm thấy mình bị bỏ rơi đến thế. Mất nước cả mấy quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân… nhưng Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội chỉ có 5 xe téc chở nước, có chạy đến cháy máy cũng như hạt muối bỏ bể. Thế là thân ai nấy lo, dạt nhà, thuê nhà nghỉ, đi “tắm chui” ở cơ quan, mua nước giếng… Nhưng rốt cục chẳng có vị lãnh đạo thành phố nào ra mặt chỉ đạo khắc phục khẩn cấp tình trạng thiếu nước sạch.

15 lần rồi, cứ vỡ đường ống là tội lỗi lại đổ hết lên đầu “ông” Vinaconex, mà ban lãnh đạo dự án xây dựng đường ống đã bị tạm giam cả rồi, đổ lên đầu họ thì giải quyết được gì cho dân? Thành phố không hề đưa ra được kế hoạch nào, kịch bản nào để “cứu dân” trong tình huống đường ống vỡ đã được báo trước ngoài việc hô hào… tích trữ nước. Để đến nỗi bà đẻ, bệnh nhân ốm thập tử nhất sinh cũng phải trả về vì thiếu nước sạch, ai xưng mình là “công dân thủ đô” có lẽ cũng ngượng ngùng, xấu hổ

Quyền lợi của người tiêu dùng chẳng ai đứng ra bảo vệ, cũng không thấy người tiêu dùng nào liên kết với nhau để đề xuất, kiến nghị thành phố phải có giải pháp quyết liệt hơn trong việc phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu về nước sạch cho người dân. Nếu xét về mặt kinh tế thị trường thì đây là quan hệ người bán- kẻ mua chứ người dân không hề ngửa tay chờ cung cấp miễn phí để phục vụ theo kiểu được chăng hay chớ như vậy.

Nếu là một công ty tư nhân mà dịch vụ bị gián đoạn tới 15 lần chỉ trong 3 năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu khách hàng, thì công ty đó có thể tồn tại hay không? Cơ chế độc quyền đã sinh ra sự vô trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng. Và quan trọng hơn, nó là tấm bình phong cho sự vô cảm của những người chịu trách nhiệm về những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân Hà Nội. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem