Dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp bất chính?

Chủ nhật, ngày 28/02/2016 07:03 AM (GMT+7)
Tôi có ý định tham gia bán hàng đa cấp nhưng phân vân sợ bị lừa. Xin hỏi theo quy định của pháp luật, những dấu hiệu nào nhận biết bán hàng đa cấp bất chính?
Bình luận 0

Tôi được người bạn giới thiệu tham gia một công ty phân phối thực phẩm chức năng, nếu bán được hàng hoặc mời được người khác vào bán chung tôi được hưởng hoa hồng ở mức cao. Tôi thấy công ty này có rất nhiều người tham gia.

Tôi muốn tìm công việc chân chính nên sợ bị lừa. Xin hỏi theo quy định của pháp luật, những dấu hiệu nào nhận biết bán hàng đa cấp bất chính?

Đoàn Minh Lý

Luật sư trả lời:

Theo khoản 11 điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004: “Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;

b) Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;

c) Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận”.

Điều 48 Luật Cạnh tranh quy định về bán hàng đa cấp bất chính như sau:

“Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:

1. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

2. Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;

3. Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

4. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia”.

Ngoài những quy định của Luật cạnh tranh vừa trích dẫn ở trên thì hoạt động kinh doanh đa cấp còn được điều chỉnh bởi Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định rất rõ tại điều 5 của nghị định này, cụ thể:

“1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

b) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

c) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;

d) Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào;…” v.v…

Từ những căn cứ pháp luật nêu trên có thể thấy các dấu hiệu cơ bản để nhận biết hành vi bán hàng đa cấp bất chính, bao gồm:

1. Người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;

2. Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán;

3. Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới;

4. Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp;

5. Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia;

6. Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng;

7. Không quan tâm tới hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường;

8. Buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được hàng gây rối người tiêu dùng.

Bạn cần xem xét kỹ xem công ty mà bạn được giới thiệu có các dấu hiệu nói trên hay không trước quyết định việc tham gia Công ty đó.

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

Phạm Thanh Bình (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem