Đâu là những con nợ trăm tỷ của Gang thép Thái Nguyên?

Quang Sơn Thứ hai, ngày 04/03/2019 13:05 PM (GMT+7)
Nhiều sai phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Bình luận 0

Sai phạm tại Gang thép Thái Nguyên: đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra.     

Ngày 20/2, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, đồng ý với kết luận thanh tra toàn diện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Cụ thể, năm 2005, dự án này chính thức được phê duyệt, do TISCO làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng (hơn 242 triệu USD).

Dự án gồm 2 gói thầu chính, trong đó gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là trên 224 tỷ đồng; còn gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim được đưa ra đấu thầu rộng rãi.

Năm 2007, TISCO và Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) ký hợp đồng tổng thầu EPC với giá trị 160,9 triệu USD. Gói thầu được xác định là "trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện và đã bao gồm các loại thuế, chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng".

img

Sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2

Sau khi ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng trên 35 triệu USD và trong quá trình thực hiện hợp đồng, TISCO và MCC ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC đã ký.

Năm 2013, Chủ tịch HĐQT TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.100 tỷ đồng (tăng trên 4.200 tỷ đồng), thời gian thực hiện hết năm 2014 đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục chính đều chưa được hoàn thành.

Năm 2017, Thanh tra Chính Phủ đã thanh tra toàn diện dự án này và xác định trong quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, Tổng công ty thép Việt Nam (VNS), Bộ Công Thương và các đơn vị, cá nhân liên quan đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm.

Cụ thể, tại thời điểm thanh tra, tổng giá trị mà TISCO đã thanh toán cho dự án là hơn 4.400 tỷ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả trên 3.800 tỷ đồng (hiện lãi vay phải trả hơn 40 tỷ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành. Trên thực tế, đến năm 2013, MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.

TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế (11,6 triệu USD) và chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD.

Mới đây nhất, tại phiên họp báo Chính Phủ chiều ngày 1/3, thanh tra Chính Phủ thông báo hồ sơ sai phạm tại Dự án cải tạo của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) giai đoạn 2 đã được chuyển sang Bộ Công an để điều tra. 

Đâu là những con nợ "khó đòi" của Gang thép Thái Nguyên?

Theo báo cáo tài chính quý 4 và hợp nhất năm 2018 chưa được kiểm toán, TISCO đạt doanh thu thuần 2.703 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2017; công ty thu về khoản lợi nhuận gộp là 102 tỷ đồng, tăng 16%. Tuy nhiên, do chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, TISCO lỗ thuần hơn 24 tỷ đồng.

Việc các khoản thu nhập khác, lợi nhuận khác không còn đột biến, TISCO báo lỗ ròng 18,3 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, hoạt động kinh doanh yếu kém là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, còn doanh thu tài chính giảm do SCIC thoái vốn.

Lũy kế cả năm 2018, TISCO ghi nhận 10.935 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so năm 2017. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 71% về mức gần 28 tỷ đồng, chỉ đạt 18% kế hoạch năm.

img

Kết quả kinh doanh của TISCO qua các năm. Đơn vị: tỷ đồng

Về tình hình nợ: tổng nợ phải trả của TISCO tại thời điểm cuối năm 2018 là 8.707 tỷ đồng, tăng 544 tỷ đồng so với hồi đầu năm, chiếm tới 82,3% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngân hàng là 5.717 tỷ đồng, tăng hơn 150 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng nợ xấu của TISCO đang ở mức hơn 651 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ đạt 393 tỷ đồng. Một số cái tên nằm trong danh sách nợ xấu của TISCO là Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng (252 tỷ đồng), Công ty TNHH TM và DL Hà Nam (127,3 tỷ đồng), Công ty TNHH Lưỡng Thổ (102,2 tỷ đồng), Công ty TNHH Hồng Trang (74,6 tỷ đồng) và khoản tiền phạt, phải thu về lãi trả chậm phát sinh từ các khoản phải thu quá hạn nhưng không được ghi nhận doanh thu là hơn 201 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ mà trong nhiều năm qua TISCO vẫn chưa thể thu hồi.

img

TISCO hiện đang có khoản nợ xấu hơn 651 tỷ đồng tính đến hết năm 2018

Đáng chú ý, Trung Dũng từng là cổ đông lớn của TISCO từ năm 2012 với tỷ lệ sở hữu 17,45%, chỉ sau Tổng công ty thép Việt Nam VNSteel (65%). Tuy nhiên theo cơ cấu cổ đông hiện tại, Trung Dũng đã không còn là cổ đông lớn của TISCO, thời điểm và cách thức giao dịch giảm sở hữu cũng không được công bố rõ ràng.

Ngoài ra, Công ty Trung Dũng còn là cái tên liên quan tới ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV bị khởi tố vào cuối năm 2018. Theo đó, ngày 8/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can Trần Bắc Hà về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015, với hành vi sai phạm liên quan đến việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.

Ngoài ra, C03 còn ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với: Đoàn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.

Về cơ cấu cổ đông của TISCO ở thời điểm hiện tại: Tổng Công ty thép Việt Nam góp 1.196 tỷ đồng (chiếm 65% vốn), Công ty Thái Hưng góp 368 tỷ đồng (chiếm 20% vốn), vốn góp của các cổ đông khác là gần 276 tỷ đồng (chiếm gần 15% vốn), còn lại là 111 triệu đồng cổ phiếu quỹ.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ Tổng Công ty thép Việt Nam VNSteel, sau khi SCIC rút vốn 1000 tỷ đồng tại TISCO, cuối năm 2017, Bộ Công thương đã chỉ đạo VNSteel xây dựng phương án thoái 80 triệu cổ phần (42,48% vốn) tại TISCO trong năm 2018. Phương án này đã được Bộ Công thương chấp thuận vào cuối tháng 5/2018 nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Chuyển kết luận dự án ”đắp chiếu” Gang thép Thái Nguyên sang Uỷ ban Kiểm tra

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, đã chuyển kết luận thanh tra dự án Gang thép Thái Nguyên sang Uỷ ban Kiểm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem