Đầu năm, nhóm cổ phiếu “vua” lại lập kỷ lục mới

Quốc Hải Thứ tư, ngày 10/01/2018 18:30 PM (GMT+7)
Sau 4 ngày lên sàn, cổ phiếu HDB của HDBank được khối ngoại mua ròng gần 900 tỷ đồng. Sau gần 4 năm, cổ phiếu SHB của “bầu Hiển” mới trở về mệnh giá (10.000 đồng/CP). Cổ phiếu STB của Sacombank liên tục thanh khoản đạt kỷ lục gấp hàng chục lần bình thường.
Bình luận 0

Đó là những kỳ tích của nhóm cổ phiếu “vua” đạt được trong những ngày đầu năm mới 2018.

img

Giá cổ phiếu ngành ngân hàng trong ngày giao dịch hôm nay 10.1.2018

Cụ thể, với cổ phiếu HDB của HDBank, ngay tại phiên chào sàn (ngày 5.1), khối lượng giao dịch khớp lệnh của mã này đã đạt tới hơn 32,2 triệu cổ phiếu với tổng giá trị hơn 1.239 tỷ đồng. Trong 3 phiên tiếp theo, khối lượng giao dịch cổ phiếu HDB cũng đạt lần lượt hơn 3,3 triệu, hơn 4,5 triệu và hơn 8,7 triệu cổ phiếu khớp lệnh (giá trị lần lượt là 700 tỷ; 390 tỷ và 471 tỷ đồng).

Như vậy, sau 4 phiên chào sàn, tính thanh khoản của cổ phiếu HDB đạt hơn 2.800 tỷ đồng, trong đó riêng khối ngoại đã mua ròng gần 900 tỷ đồng. Hiện, vốn hóa của HDBank đạt hơn 39.534 tỷ đồng, room ngoại chỉ còn khoảng 5,5%.

DHB cũng chính thức lọt top 3 mã cổ phiếu ngân hàng đắt nhất trên thị trường, chỉ sau CTG và VPB, vượt qua ACB.

Một mã cổ phiếu “vua” khác cũng lập kỳ tích trong đầu năm 2018 này là cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, khi đã trở về mệnh giá (10.000 đồng/CP) sau gần 4 năm chật vật.

Cụ thể, từ mức giá 10.000 đồng/CP (ngày 22.4.2014), cổ phiếu SHB bắt đầu giảm xuống dưới mệnh giá từ đó đến nay, có thời điểm giá SHB chỉ còn giao dịch quanh vùng giá 3.000 - 4.000 đồng/CP. Tuy nhiên, ngày 8.1 vừa qua, cổ phiếu SHB bất ngờ quay về mức mệnh giá 10.000 đồng/CP và đến thời điểm hiện tại đạt mức giá 10.500 đồng/CP.

Cũng bất ngờ không kém từ đầu năm 2018 đến này là 2 mã cổ phiếu STB của Sacombank và EIB của Eximbank.

Với Sacombank, sau khi nhà băng này công bố đã xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017, cổ phiếu STB bất ngờ bật tăng mạnh. Tại phiên giao dịch ngày 8.1, cổ phiếu STB đã tăng kịch trần lên 14.550 đồng/CP (phiên tăng trần hiếm hoi sau hơn 6 tháng của cổ phiếu STB). Đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu STB đã thiết lập “đỉnh” mới ở mức 15.600 đồng/CP.

Đáng chú ý, trong các phiên liên tiếp gần đây, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu STB cũng tăng gấp hàng chục lần so với thời điểm cuối tháng 12.2017. Đặc biệt, phiên giao dịch chiều 10.1, cổ phiếu STB khớp lệnh đạt hơn 49,5 triệu cổ phiếu, giá trị gần 736 tỷ đồng.

Còn với Eximbank, cổ phiếu này cũng có 2 phiên tăng trần liên tiếp nhờ hưởng lời từ tin xử lý nợ xấu tại STB vì EIB muốn bán 8,75% cổ phần STB. EIB dự kiến sẽ có thể thoái vốn khỏi STB nhanh hơn dự kiến với mức giá thặng dư. Theo đó, ngân hàng này có thể hạch toán lãi đột biến giúp xóa lỗ lũy kế trong năm 2018.

Được biết, EIB hiện nắm 165 triệu cổ phiếu STB (8,75% cổ phần) từ năm 2012. Giá vốn là khoảng 10.600 đồng/CP (theo ước tính của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM - HSC). Theo dự báo của HSC, lợi nhuận từ thoái vốn tại STB giúp EIB xử lý toàn bộ lỗ lũy kế còn lại, HSC giả định nếu EIB bán toàn bộ cổ phiếu STB đang nắm giữ với giá bình quân là 13.600 đồng/CP là có thể ghi nhận khoản lợi nhuận không thường xuyên khoảng 500 tỷ đồng.

Với khoản lợi nhuận này, Eximbank có thể ngay lập tức bù lại số lỗ lũy kế 416 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016. Nhờ vậy, EIB sẽ không còn nằm trong danh sách cảnh báo của UBCK trong một vài tháng tới và khi đó cổ phiếu sẽ đủ điều kiện cho vay margin.

Ngoài ra, năm 2018, HSC cũng dự báo lợi nhuận trước thuế của EIB sẽ tăng trưởng 34,95% đạt 738 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng trưởng 16,35% đạt 113.000 tỷ đồng trong khi đó tiền gửi khách hàng tăng trưởng 16% đạt 134.000 tỷ đồng.

Dự báo của HSC đã tiếp tục tạo đà cho cổ phiếu EIB tăng trong phiên giao dịch hôm nay, đạt mức 14.900 đồng/CP...

Hàng loạt các mã cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh từ đầu năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, đề cập đến đà tăng của nhóm cổ phiếu “vua”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển có bình luận trên trang cá nhân của mình: “Cổ phiếu ngành ngân hàng đang được đánh lên liên tục. Ngân hàng bé lớn gì cũng tăng, mà đà tăng là do cổ phiếu này nhìn vào cổ phiếu kia, theo kiểu ngân hàng đó giá cỡ đó thì ngân hàng này phải tăng hơn! Trong khi đó, ngành ngân hàng ngoài tin báo lãi khủng, thì các chỉ số nợ xấu, an toàn vốn đều chưa tốt”.

“Mọi người có thể đã quên lãi ngành ngân hàng khác lãi doanh nghiệp, chỉ khi thu được vốn thì lãi đó mới là thực lãi. Còn lãi khủng hiện nay có xuất xứ từ cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng vào BDS rất lớn...”, ông Hiển viết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem